|
Bao bì thuốc bảo vệ thực vật, rác thải vứt bừa bãi tại kênh, mương, bờ ruộng |
Qua khảo sát công tác bảo vệ môi trường của cộng đồng dân cư tại một số địa phương vùng ven đô thị Đồng bằng sông Hồng cho thấy, do dân cư không tập trung nên việc thu gom, xử lý rác thải tại khu vực nông thôn gặp nhiều khó khăn. Nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường còn hạn chế. Không ít nơi dù đã được quy hoạch, bố trí các điểm vứt rác, có tổ thu gom nhưng rác thải vẫn bị vứt bừa bãi, gây mất vệ sinh. Tại các xã trên địa bàn huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên, rác thải không được thu gom, vứt bừa bãi trên mặt đê. Mặc dù, chính quyền xã đã chỉ đạo thu gom, xử lý rác thải nhưng vẫn không hiệu quả.
Ở một số địa phương, tình trạng vứt bao bì thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) tại kênh, mương, bờ ruộng vẫn xảy ra, mặc dù, địa phương đã xây hố thu gom tại ruộng. Bên cạnh đó, người dân còn đốt rác thải với số lượng lớn tại các hố rác, gây ô nhiễm môi trường, làm chuồng trại gia súc gần nơi sinh hoạt của gia đình và thường xuyên đốt rơm, rạ sau thu hoạch.
Cùng với đó, ở nhiều khu vực nông thôn, hệ thống thoát nước thường được dùng chung cho việc tiêu thoát nước thải và nước mưa. Thậm chí, nhiều hộ gia đình bỏ cả rác thải sinh hoạt của gia đình vào cống thoát nước, gây tắc đường thoát nước. Xã Phong Châu, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình có 40 gia trại và 265 cơ sở sản xuất kinh doanh, các gia trại đều có hầm biogas, nhưng hệ thống nước thải sau khi qua hầm biogas không được xử lý mà xả thẳng ra hệ thống tiêu công cộng, ảnh hưởng đến môi trường.
Mặt khác, nhận thức của công dân và cộng đồng đang sống và làm việc tại các khu vực nông thôn về vấn đề môi trường còn chưa cao. Phần lớn người dân nông thôn chưa có ý thức bảo vệ môi trường. Việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất; xả nước, rác thải; sử dụng nước không đảm bảo vệ sinh, việc đầu tư các công trình phục vụ đời sống và sức khỏe (bể nước, cống rãnh thoát nước, nhà vệ sinh), việc tham gia công tác vệ sinh môi trường cộng đồng còn hạn chế.
Đặc biệt, trong hoạt động quản lý, bảo vệ môi trường tại khu vực nông thôn còn nhiều bất cập. Nhận thức của nhiều cấp chính quyền, cơ quan quản lý, tổ chức cá nhân có trách nhiệm về nhiệm vụ bảo vệ môi trường chưa đầy đủ, chưa thấy rõ được nguy cơ ô nhiễm môi trường khu vực nông thôn sẽ có tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế-xã hội, sức khỏe người dân. Đội ngũ cán bộ quản lý môi trường còn ít về số lượng,bất cập về chất lượng. Hiện Việt Nam mới chỉ có gần 30 cán bộ quản lý môi trường/1 triệu dân so với một số nước trong khối ASEAN là 70 người/1 triệu dân.
Tại đồng bằng sông Hồng, hoạt động nâng cao nhận thức còn thiếu sự phối kết hợp, thiếu trọng tâm và chưa phát huy được vai trò bảo vệ môi trường của các tổ chức xã hội, cộng đồng, người dân. Vì vậy, để nâng cao cao nhận thức và chuyển đổi hành vi thân thiện với môi trường của cư dân vùng ven đô đồng bằng sông Hồng trong giai đoạn tới cần thực hiện các giải pháp:
Tăng cường sự giám sát của các tổ chức xã hội về bảo vệ môi trường, phản biện xã hội về môi trường.Hoạt động giám sát về bảo vệ môi trường cần được cụ thể hóa dưới nhiều hình thức khác nhau bằng nhiều con đường khác nhau, với sự tham gia của nhiều bên liên quan, trong đó các tổ chức xã hội đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện những sai phạm về bảo vệ môi trường.
Cùng với đó, cần phát huy vai trò chủ động và tích cực của các tổ chức đoàn thể trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện các quy định của địa phương, cũng như của Nhà nước về bảo vệ môi trường. Xây dựng văn hóa ứng xử thân thiện với môi trường trên cơ sở đổi mới tư duy, cách làm, hành vi ứng xử, trách nhiệm với thiên nhiên, môi trường; chú trọng xây dựng và thực hiện quy ước, hương ước, cam kết bảo vệ môi trường và các mô hình tự quản về môi trường của cộng đồng dân cư, nhất là ở khu vực ven đô thị. Khôi phục và phát huy truyền thống yêu thiên nhiên, nếp sống gần gũi, gắn bó với môi trường; bồi dưỡng kiến thức, nhận thức về môi trường cho cán bộ các địa phương, đào tạo và phát triển đội ngũ chuyên gia môi trường phục vụ công tác quản lý nghiên cứu.
Việc nâng cao trách nhiệm và tính tích cực của cộng đồng trong quản lý môi trường cần phải phân cấp quản lý rõ ràng hơn và có sự chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng; chú trọng xây dựng mạng lưới quản lý nhà nước về môi trường ở cấp xã. Tăng cường năng lực quản lý và tổ chức thực hiện các quyết định quản lý của tuyến cơ sở và phối hợp hoạt động với hệ thống chính quyền địa phương trong hoạt động bảo vệ môi trường.
Thêm vào đó, cần tăng cường hỗ trợ vật chất cho những người nghèo có thể thay đổi cách sống,cũng như các phương thức canh tác lạc hậu có hại đến môi trường; lồng ghép vấn đề bảo vệ môi trường với công tác xóa đói giảm nghèo, gắn kết lợi ích bảo vệ môi trường với các hoạt động sản xuất kinh doanh.
Vấn đề lựa chọn quy mô cộng đồng phù hợp với khả năng tổ chức của người đứng đầu cộng đồng cũng là một khía cạnh cần được lưu tâm; phối hợp chặt chẽ giữacơ quan truyền thông với cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội xây dựng chuyên mục, chuyên đề, phóng sự về môi trường; đa dạng hóa hình thức và nội dung truyền thông về môi trường; đưa tin thường xuyên và kịp thời; phát hiện và kiên quyết đấu tranh với những hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền nâng cao nhận thứcvề BVMT.Cần đa dạng hóa các đối tượng tuyên truyền, đặc biệt là trong thanh niên, thiếu niên ở các cấp học phổ thông, kể cả đại học và sau đại học... Đây là những việc làm giúp mỗi chúng ta vận dụng tri thức vào các hành động thân thiện với môi trường tại nơi mình sống.