Hệ lụy từ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đúng cách
10:51 - 26/03/2018
(MTNT)- Sản xuất nông nghiệp, nhất là trong trồng trọt luôn đi đôi với sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) nhằm diệt trừ sâu, bệnh, tăng năng suất, sản lượng cây trồng. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đúng cách, không rõ nguồn gốc trong sản xuất nông nghiệp của nông dân nhiều nơi đang ảnh hưởng đến môi trường, đất đai và mất an toàn thực phẩm.
Tỷ lệ người dân lạm dụng thuốc BVTV, không theo nguyên tắc bốn đúng chiếm khoảng 19,5%.


Hiện nay lượng thuốc BVTV được sử dụng trên đồng ruộng nước ta khoảng 30 - 40 nghìn tấn/năm, tỷ lệ người dân lạm dụng thuốc BVTV, không theo nguyên tắc bốn đúng chiếm khoảng 19,5%.
 
 
Theo điều tra của Cục Y tế dự phòng và môi trường Việt Nam, hằng năm có trên 5000 trường hợp nhiễm độc hóa chất bảo vệ thực vật phải cấp cứu tại bệnh viện và có trên 300 trường hợp tử vong.
 
 
Tác hại của thuốc BVTV là vô cùng nguy hiểm. Kết quả thực nghiệm cho thấy với loại khẩu trang chuyên dụng 18 lớp, sau xịt thuốc sâu, lớp vải trong cùng vẫn phơi nhiễm một lượng thuốc sâu đáng kể. Trong khi đó, những người đi làm thuê hoặc nông dân đi phun thuốc sâu hầu hết không mang bao tay, nhiều người không mang cả khẩu trang. Trang bị như vậy, khi phun thuốc BVTV chắc chắn sẽ phơi nhiễm trực tiếp.
 
 
Đối với người, khi được sử dụng không đúng cách, thuốc bảo vệ thực vật sẽ gây nhiễm độc cấp tính: Bỏng mắt cấp tính, hủy hoại da, ảnh hưởng thần kinh, gan. Khi bị nhiễm độc mãn tính sẽ ảnh hưởng đến tủy xương; ảnh hưởng đến sinh sản; gây độc thần kinh; ảnh hưởng đến cơ chế miễn dịch... Cơ thể con người bị nhiễm độc thuốc bảo vệ thực vật biểu hiện ở nhiều mức độ: Giảm sút sức khỏe, gây rối loạn các hoạt động ở hệ thần kinh, tim mạch, tiêu hóa hô hấp, bài tiết, gây các tổn thương bệnh lý ở các cơ quan, hệ thống nói trên từ mức độ nhẹ tới nặng, thậm chí tàn phế hoặc tử vong. Do đó cần theo dõi sức khỏe có hệ thống khi tiếp xúc thường xuyên với thuốc bảo vệ thực vật là rất cần thiết.
Đối với môi trường xung quanh, thuốc bảo vệ thực vật diệt cả những côn trùng và động vật hữu ích cho con người, có thể làm biến đổi thế cân bằng tự nhiên của hệ sinh thái gây ô nhiễm đất, nước, không khí. Các thuốc trừ sâu tồn dư lâu, không bị phân hủy ở trong đất và trong nước có thể làm cho động vật, cây trồng sống ở đó bị nhiễm thuốc lâu dài, con người ăn các sản phẩm trồng trọt và chăn nuôi bị nhiễm thuốc trừ sâu hằng ngày một cách gián tiếp, lâu ngày sẽ có hại cho sức khỏe.
 
 
Nguyên nhân nhiễm độc thuốc bảo vệ thực vật trong lao động là do không khí bị ô nhiễm thuốc, da và quần áo dây dính thuốc, do thuốc vào đường tiêu hóa qua thức ăn, nước uống. Mức nhiễm độc tùy thuộc vào lượng chất độc xâm nhập vào trong cơ thể, độc tính của từng loại thuốc và trạng thái sức khỏe của người khi tiếp xúc với chất độc.
 
 
Các nguyên nhân trực tiếp dẫn tới nhiễm độc thuốc bảo vệ thực vật trong lao động là trang bị bảo hộ lao động không chu đáo, thời gian phun thuốc quá lâu, máy bơm thuốc bị rò rỉ hoặc bị hỏng, vệ sinh cá nhân kém, nhầm lẫn…
 
 
Theo số liệu thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở NN&PTNT, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc hiện có khoảng hơn 300 loại thuốc BVTV đang lưu thông trên thị trường với nhiều loại khác nhau. Tuy nhiên, người dân chưa phân biệt được đâu là đối tượng sâu bệnh chính nên thường nghe theo chỉ dẫn của người bán thuốc làm sai quy trình sử dụng thuốc BVTV.
 
 
Tại Vĩnh Phúc, nhiều vùng sản xuất, lượng thuốc BVTV sử dụng cao gấp 3-4 lần so với quy định.
 
 
Ông Lê Văn Thung, cán bộ nông nghiệp xã Đạo Đức, huyện Bình Xuyên cho biết: “Tình trạng người dân lạm dụng thuốc BVTV diễn ra khá phổ biến, đặc biệt là trong canh tác rau màu và trồng hoa ở các thôn Nhân Vực, Đại Phúc. Mặc dù, chính quyền địa phương liên tục khuyến cáo, tuyên truyền hướng dẫn cho bà con cách sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả, nhưng việc lạm dụng thuốc BVTV trong canh tác nông nghiệp vẫn diễn ra”.
 
 
Do trình độ hiểu biết về các loại thuốc BVTV còn hạn chế, nên không những tăng liều lượng, bà con còn tự phối trộn nhiều loại thuốc BVTV cùng nhau. Bà Phan Thị Hằng, cán bộ nông nghiệp xã Bình Dương, huyện Vĩnh Tường cho biết: Hiện trên địa bàn xã có 14 cơ sở kinh doanh thuốc BVTV. Hầu hết chủ các cơ sở không có kiến thức về phòng trừ sâu bệnh. Nhiều bà con nông dân không tuân theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn mà thường tìm đến các cơ sở kinh doanh thuốc BVTV để tư vấn và mua thuốc. Trong đó, nhiều trường hợp, được chủ cơ sở kinh doanh hướng dẫn hòa từ 2 - 3 loại thuốc để phun 1 lần cho đỡ mất nhiều thời gian. Ngoài ra, khi phun thuốc, bà con không sử dụng khẩu trang, ủng, găng tay, quần áo bảo hộ… Sau khi phun thuốc, vứt bỏ bao bì thuốc BVTV ngay tại ruộng, bờ kênh gây ô nhiễm môi trường.
 
 
Theo kết quả nghiên cứu về thực trạng sử dụng thuốc trừ sâu ở ĐBSCL được Trung tâm BVTV phía Nam công bố tại một hội nghị về sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL, có đến 58% nông dân sử dụng thuốc trừ sâu trong 1-40 ngày đầu sau gieo sạ, phổ biến nhất là thuốc Abamectin, Chief và Fenobucarb.
 
 
Hiện nay nước ta có hơn 600 tiêu chuẩn cơ sở và quy chuẩn kỹ thuật phục vụ cho công tác khảo nghiệm cũng như kiểm tra, kiểm định chất lượng thuốc BVTV. Mỗi năm, có ít nhất khoảng 200 - 300 nghìn nông dân được tham gia tập huấn sử dụng thuốc BVTV hiệu quả. Một trong những vấn đề quan tâm trong sử dụng, kinh doanh thuốc BVTV hiện nay là người bán thuốc BVTV thiếu chuyên nghiệp, chuyên môn nghiệp vụ. Việc sử dụng thuốc BVTV của nông dân tùy tiện và phụ thuộc hoàn toàn vào hướng dẫn của đại lý bán hàng. Trình độ một số người bán thuốc BVTV còn kém, thường chạy theo lợi nhuận bất chấp hậu quả xấu có thể gây ra. Bên cạnh đó, tâm lý sợ mất mùa nên phần lớn người sử dụng thuốc BVTV chỉ thích dùng những loại có tác dụng nhanh.
 
 
Chị Ðinh Thị Thanh, xã Tiền Tiến, huyện Thanh Hà (Hải Dương) cho biết: Ðể diệt trừ sâu, bệnh gây hại, gia đình tôi mua thuốc BVTV ở các cửa hàng và sử dụng theo chỉ dẫn. Tuy nhiên, khi phun lần đầu không mang lại hiệu quả nhiều, tôi thường tăng liều lượng thuốc BVTV để diệt trừ sâu, bệnh nhanh hơn.
 
 
Mặc dù thuốc BVTV là vật tư không thể thiếu trong sản xuất nông nghiệp, song việc sử dụng thuốc BVTV không đúng kỹ thuật làm tốn kém chi phí sản xuất và gây ra những hậu quả khôn lường, nhất là đối với sức khỏe con người, ảnh hưởng môi trường.
 
 
Trước tình trạng trên, cần sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng trong việc quản lý các cơ sở kinh doanh thuốc BVTV; đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho quần chúng nhân dân, hướng dẫn người dân sử dụng thuốc đúng cách, an toàn.
 
 
Để hạn chế tác hại của thuốc BVTV với môi trường và sức khỏe con người, bà con cần tuân thủ nguyên tắc 4 "đúng"; sau khi phun thuốc, quần áo và các dụng cụ lao động, bình bơm phải được rửa sạch sẽ và được cất giữ trong kho riêng; cần chọn thuốc có thời gian cách ly ngắn, không lưu tồn lâu dài; không sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc quá hạn sử dụng, bao bì nhãn mác không rõ ràng, thuốc không có trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng…
 

Trọng Bảo
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn