Cho ý kiến tại Phiên họp thứ 38 về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh quan điểm chỉ bổ sung hoặc luật hóa các nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội, bảo đảm những quy định được sửa đổi, bổ sung phải thực sự xác đáng, cần thiết;…
|
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại Phiên họp |
Dự thảo Luật gồm 03 điều, bám sát vào 05 chính sách đã trình Quốc hội trong hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật. Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015, nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng về đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát để góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, Hội đồng nhân dân; khắc phục những hạn chế, bất cập trong quy định của Luật hiện hành; đồng thời, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với các luật, nghị quyết có liên quan mới được Quốc hội ban hành.
Đánh giá cao quá trình chuẩn bị Hồ sơ dự án Luật công phu, kỹ lưỡng của Hội đồng Dân tộc – cơ quan chủ trì soạn thảo; cơ bản thống nhất nhiều nội dung tại dự thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, cần rà soát, cách thức thể hiện “từ ngữ” trong quy định về bổ sung nguyên tắc mới tại dự thảo cho phù hợp;... “Nội dung vẫn giữ nhưng cách thể hiện và từ ngữ phải khác thì mới là nguyên tắc. Nguyên tắc phải là những tư tưởng chỉ đạo mà mọi chủ thể phải tuân theo trong quá trình hoạt động…”, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Gợi mở một số vấn đề mới, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu về vấn đề giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; giải trình liên Ủy ban, liên cơ quan Quốc hội; về giám sát chung của các cơ quan dân cử;…
Nhấn mạnh vai trò, ý nghĩa của hoạt động giám sát, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, cần xác định rõ tư tưởng đổi mới trong công tác giám sát. Theo đó, xác định giám sát phải từ cơ sở; giám sát ngay trong quá trình triển khai. Đồng thời, ngoài giám sát theo chương trình thường kỳ, có tiến hành giám sát đột xuất; trong đó, đề cao nguyên tắc không giám sát trùng, giám sát nhưng không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của đối tượng giám sát;…
Nêu quan điểm, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị không luật hóa quy định cơ quan có trách nhiệm tham mưu, giúp UBTVQH tổ chức, tiến hành các hoạt động giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, kiến nghị của cử tri vì đây là nội dung thuộc thẩm quyền của UBTVQH. Theo đó, UBTVQH sẽ quy định cơ quan có trách nhiệm tham mưu, giúp UBTVQH trong việc tổ chức, tiến hành các hoạt động giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân và trong việc tổ chức, tiến hành hoạt động giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri.
Liên quan tới bổ sung tiêu chí, dự thảo Luật bổ sung 04 điều luật mới về tiêu chí lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp Quốc hội, phiên họp UBTVQH, kỳ họp Hội đồng nhân dân, phiên họp Thường trực Hội đồng nhân dân; 06 điều luật mới về tiêu chí lựa chọn chuyên đề giám sát của Quốc hội, UBTVQH, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân và 02 điều luật mới về tiêu chí lựa chọn vấn đề được giải trình tại phiên họp của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho rằng, chỉ nên quy định mang tính nguyên tắc, không nên luật hóa từ quy định tại các nghị quyết có liên quan của UBTVQH hướng dẫn về hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Việc quy định tiêu chí lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn, chuyên đề giám sát, vấn đề được giải trình là cần thiết nhưng vẫn nên quy định các nội dung này tại các Nghị quyết của UBTVQH như hiện nay để bảo đảm linh hoạt, phù hợp với yêu cầu của thực tiễn.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí 03 quan điểm trong Tờ trình nhưng lưu ý cần nhấn mạnh quan điểm Luật sửa đổi, bổ sung chỉ luật hóa các nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội; bảo đảm những quy định được sửa đổi, bổ sung phải thực sự cần thiết, xác đáng; không luật hóa các vấn đề, quy trình, thủ tục, tiêu chí, điều kiện thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; những nội dung cần quy định linh hoạt để phù hợp với yêu cầu thực tiễn giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định.
Bên cạnh đó, về phạm vi sửa đổi, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo bám sát quan điểm chỉ đạo xây dựng luật, nhất là các quan điểm về đổi mới để rà soát luật hóa các nội dung cho phù hợp, đồng thời nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các nội dung còn vướng mắc, bất cập, những tư tưởng mới,… trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật./.