Rác thải sinh hoạt đa dạng, gồm cả rác thải hữu cơ và vô cơ. Ở nhiều điểm đổ rác, người dân còn vứt cả xác động vật. Khi những bãi rác này ngập ngụa, bốc mùi hôi thối, những hộ dân sống xung quanh buộc phải đốt. Và như thế, môi trường lại thêm ô nhiễm.
Nhiều người hiểu rằng, rác thải hữu cơ, nếu được tái sử dụng sẽ đem lại nhiều lợi ích cả về môi trường lẫn trong sản xuất kinh doanh. Rác thải vô cơ, nếu được phân loại tốt, tái chế sẽ đem lại nhiều lợi ích trong cuộc sống.
Ở vùng nông thôn, rác thải sinh hoạt được người dân xử lý chủ yếu bằng phương pháp chôn lấp. Các loại rác thải rắn như bao bì, chai lọ… chưa được xử lý đúng phương thức. Việc xử lý các phụ phẩm nông nghiệp như rơm, rạ, trấu... chủ yếu bằng cách đốt làm tro bón ruộng, rẫy. Cách làm này vừa lãng phí, vừa gây ô nhiễm môi trường do khói bụi và nguy cơ cháy nổ rất cao.
Cùng với đó, phương pháp xử lý chất thải trong chăn nuôi cũng còn giản đơn; nước và chất thải từ quá trình chăn nuôi nếu được xử lý thì chủ yếu bằng hình thức ủ trong hầm biogas.Nguyên nhân dẫn đến tình trạng rác thải nông thôn trở thành nỗi ám ảnh thì nhiều. Nhưng tìm ra nguyên nhân chưa hẳn đã có lời giải, điều quan trọng là tìm và phát huy những mô hình tốt trong việc thu gom và xử lý rác thải.
Tại nhiều địa phương đã có những mô hình hay cần được nhân rộng góp phần bảo vệ môi trường, cảnh quan nông thôn.
Đến nay, tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo triển khai thực hiện thí điểm 42 mô hình xã hội hoá thu gom, vận chuyển xử lý rác thải. Cụ thể, các mô hình được xây dựng như: Mô hình “Đường làng, ngõ xóm xanh - sạch - đẹp”; “Thắp sáng đường quê” tại các địa bàn các huyện Si Ma Cai, Sa Pa, Bắc Hà, Mường Khương… Ngoài ra, còn một số mô hình tiêu biểu tại nhiều địa phương được triển khai như: Mô hình “Nhà sạch, vườn đẹp”, “Tổ thu gom, phân loại, xử lý rác thải nhựa”, “Tổ Phụ nữ tự quản tuyến phố không rác thải”…
Tại huyện Bảo Thắng, việc thu gom, xử lý rác thải, đảm bảo vệ sinh môi trường do doanh nghiệp tư nhân Nguyễn Công Chiều thực hiện tại một số xã trên địa bàn huyện (chủ yếu các xã đông dân cư dọc các tuyến Quốc lộ, Tỉnh lộ).
Tùy theo hợp đồng mà địa phương ký kết, trung bình mỗi tuần 2 – 3 lần, doanh nghiệp sẽ tổ chức thu gom, vận chuyển rác thải để xử lý. Mô hình thu gom này được thực hiện bằng hình thức xã hội hóa và đã phát huy hiệu quả rõ rệt. Nhờ đó, vấn đề vệ sinh môi trường nông thôn tại Bảo Thắng những năm qua luôn được đảm bảo.
Là một trong những huyện nghèo của cả nước nhưng Ba Bể (Bắc Kạn) luôn chú trọng công tác bảo vệ môi trường. Mô hình xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn của địa phương này đang được người dân hưởng ứng nhiệt tình và mang lại hiệu quả rõ rệt.
Xác định nội dung bảo vệ môi trường là hết sức quan trọng để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện Ba Bể đã đầu tư trên 200 triệu xây dựng 4 lò xử lý rác thải nông thôn tại các chợ đầu mối, trung tâm tại các xã Hà Hiệu, Chu Hương, Khang Ninh, Cao Thượng.
Ngoài việc xây dựng hệ thống lò đốt nhỏ gọn, các xã còn được cấp quạt thông gió, xe chở rác và thùng đựng rác để đảm bảo cho việc vận chuyển và thu gom. Để mô hình lò đốt thực sự đem lại hiệu quả, ngay khi huyện bàn giao đưa vào sử dụng hệ thống lò đốt rác, chính quyền các xã đã tổ chức họp bàn giao việc vận hành cho các chi hội, tổ chức đoàn thể trực tiếp quản lý và thu gom rác thải. Nhờ đó, việc triển khai được tổ chức một cách thuận lợi và góp phần bảo vệ môi trường nông thôn.
|
Rác thải sinh hoạt đa dạng, gồm cả rác thải hữu cơ và vô cơ |
Với mục đích đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn bà con nông dân nâng cao ý thức trách nhiệm trong bảo vệ môi trường, đặc biệt là làm sạch môi trường đồng ruộng. Theo đó, các Hội, đoàn thể trên địa bàn xã Vĩnh Tế, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang kết hợp các ấp duy trì mô hình thu gom rác thải nông nghiệp và đặt các thùng tại các điểm thuận tiện về giao thông, xa nguồn nước, xa khu dân cư, phân bố hợp lý, thuận lợi cho người dân trong việc tham gia đảm bảo vệ sinh môi trường đồng ruộng.
Hàng năm, nhu cầu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất của các hộ dân trong xã cao, vì vậy lượng bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng rất lớn và đa dạng về chủng loại. Điều này làm ảnh hưởng lớn đến môi trường cũng như sức khỏe của các hộ dân trên địa bàn.
Thay cho thói quen từ lâu là sau khi sử dụng thuốc, các bao bì, chai lọ đựng thuốc bảo vệ thực vật thường được người nông dân bỏ lại nơi đồng ruộng, khi thực hiện mô hình người nông dân sẽ thu gom các chất thải này lại bỏ vào thùng.
Qua đó tình trạng vứt bừa bãi vỏ chai, thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng được cải thiện đáng kể, bà con nông dân đã tự nâng cao ý thức và vứt rác đúng nơi quy định. Đến nay, các đơn vị trên địa bàn tiến hành ra quân thu gom hôn 600 kg rác thải nông nghiệp.
Có thể thấy, mô hình thu gom rác thải nông nghiệp trên địa bàn xã Vĩnh Tế cho thấy được hiệu quả tích cực, người nông dân đã có nhận thức hơn về rác thải nông nghiệp, từ đó giải quyết được hiệu quả vấn đề rác thải nông nghiệp, góp phần xây dựng một xã Vĩnh Tế không chỉ phát triển nhanh về kinh tế mà còn bền vững về môi trường với một cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp.
Nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng về thu gom, phân loại và xử lý rác thải hữu cơ làm phân bón cho hội viên, Hội ND tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện “Mô hình thu gom, phân loại, xử lý rác thải, ủ rác thải hữu cơ thành phân bón tại hộ gia đình” ở xã Xuân Dương (Thường Xuân). Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 206 thùng nhựa phân thành các cặp, để phân loại rác thải vô cơ và hữu cơ.
Sau khi rác được phân loại, rác thải vô cơ sẽ được công ty môi trường thu gom đem đi xử lý, rác thải hữu cơ sẽ được các hộ gia đình đưa vào bể chứa trộn đều với chế phẩm AT-BIO. Sau khoảng 30 - 35 ngày, lớp rác thải sẽ được phân hủy thành phân hữu cơ, có thể sử dụng bón trực tiếp cho cây trồng hoặc phơi khô, cán nhỏ dự trữ trong bao bì lâu dài. Nguồn phân bón hữu cơ này góp phần cải tạo đất, cung cấp lượng dinh dưỡng cho cây trồng, giúp cây sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất cao.
Mô hình này đã mang lại hiệu quả thiết thực, lượng rác thải sinh hoạt tại địa phương giảm rõ rệt, đường làng lối xóm không còn tình trạng rác thải vứt bừa bãi. Qua thực hiện mô hình, đa số các hộ tham gia đều chấp hành tốt việc phân loại, xử lý rác thải, hạn chế gây ô nhiễm môi trường. Hội ND xã sẽ duy trì và tiếp tục hướng dẫn người dân thực hiện tốt mô hình, góp phần bảo vệ môi trường trên địa bàn”.
Mô hình “Thu gom, phân loại và xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón tại hộ gia đình” khi triển khai đã thu hút sự chú ý của cộng đồng bởi dễ làm, chi phí thấp, góp phần rõ rệt trong việc giảm thiểu 60% lượng rác thải ra môi trường.
Không chỉ góp phần tạo cảnh quan, BVMT, phân hữu cơ sau khi ủ được đem vào sử dụng đã giảm đi 20% chi phí cho việc mua các loại phân bón trong sản xuất; đồng thời tăng 20% năng suất lao động, giúp cây trồng phát triển tốt, nâng cao năng suất, chất lượng, đảm bảo cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Đến nay, mô hình đã được triển khai rộng rãi tại nhiều địa phương và mang lại hiệu quả cao.
Có thể nói, các mô hình bảo vệ môi trường có ý nghĩa rất thiết thực, nhất là đối với địa bàn nông thôn, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân trong bảo vệ môi trường, giữ đường làng ngõ xóm luôn sạch sẽ và thông thoáng.