Hiệu quả từ các công trình nước sạch nông thôn
08:44 - 23/08/2021
(MTNT)- Những năm gần đây, người dân khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa không còn lo lắng nhiều về việc thiếu nước sinh hoạt, nước không đảm bảo vệ sinh, bởi nhiều địa phương đã huy động tổng hợp các nguồn lực đầu tư, quản lý, vận hành các dự án nước sạch tập trung và nhỏ lẻ phát huy được hiệu quả.
Hiện tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 87,5%.


Trên cơ sở một số chương trình, chính sách về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn Chính phủ đã ban hành, tỉnh Phú Thọ đã huy động tổng hợp các nguồn lực từ ngân sách địa phương, các nguồn vốn thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn và nguồn lực của nhân dân để đầu tư xây dựng các công trình cung cấp nước sạch. Hiện trên địa bàn tỉnh có 23 doanh nghiệp được cấp phép khai thác, sử dụng nguồn nước mặt và nước ngầm; 133 công trình cấp nước tập trung (trong đó có 28 công trình hoạt động bền vững, 8 công trình hoạt động tương đối bền vững, 57 công trình kém bền vững, còn lại 29 công trình hiện không hoạt động); hơn 229 nghìn giếng đào, 19 nghìn giếng khoan với tỷ lệ hợp vệ sinh đạt trên 70%.
 
 
Đến nay, nhận thức của người dân vùng nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc ít người về sử dụng nước hợp vệ sinh được cải thiện và ngày một nâng cao. Tiêu biểu như người dân khu Hạ Thành, xã Tân Lập, huyện Thanh Sơn (Phú Thọ), nếu như trước đây phải tự bắc ống dẫn nước từ thượng nguồn con suối trên đỉnh núi về để sinh hoạt thì hiện nay 95% số hộ dân trong khu sử dụng nước từ hệ thống nước tự chảy mới được đầu tư nâng cấp. Ống nước được lắp đặt tận nhà khiến nhiều người dần thay đổi suy nghĩ về việc sử dụng nước hợp vệ sinh.
 
 
Theo số liệu của Sở NN&PTNT, hiện tỷ lệ gia đình nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh là 97,2% (trong đó tỷ lệ gia đình nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh từ công trình cấp nước tập trung là 30,23% và từ công trình cấp nước quy mô gia đình là 66,78%). Tỷ lệ hộ nghèo được sử dụng nước hợp vệ sinh là 94,36%. Tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn Quốc gia là 44,09%.
 
 
Tỉnh Quảng Ninh lại nhận lại được sự quan tâm của tổ chức quốc tế để tạo nhiều chuyển biến đáng kể trong lĩnh vực nước sạch nông thôn cả về số lượng, chất lượng. Theo đó, Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn theo vốn vay của Ngân hàng Thế giới (Chương trình PforR) được triển khai tại tỉnh từ năm 2013 đã giúp hàng nghìn hộ dân có nguồn nước sạch sinh hoạt, cũng như cải thiện điều kiện sống, nâng cao sức khỏe trong cộng đồng.

 
Chương trình PforR được triển khai tại 240 xã thuộc 8 tỉnh, thành phố phía Bắc, trong đó có tỉnh Quảng Ninh với mục tiêu cụ thể là cấp nước sạch cho 1,7 triệu người dân nông thôn. Chương trình dự kiến có khoảng 1,3 triệu người được hưởng lợi ích chung, đồng thời kỳ vọng sẽ nâng cao nhận thức của người dân nông thôn về nước sạch và vệ sinh.
Tại Quảng Ninh, Chương trình đề ra mục tiêu sẽ đầu tư xây dựng mới 36.000 điểm đấu nối nước hộ gia đình và xây dựng. Đến nay, tỉnh đã hoàn thành 100% khối lượng công việc. Hiện toàn tỉnh đã có 10/10 công trình cấp nước sinh hoạt hoàn thành với tổng công suất thiết kế là 15.390m3/ngày đêm, cấp nước sạch đạt quy chuẩn  2 của Bộ Y tế và cung cấp nước sinh hoạt cho trên 20 nghìn hộ dân vùng nông thôn tại 16 xã thuộc 6 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh, góp phần nâng tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch đạt chuẩn trên địa bàn tỉnh tăng 35% so với thời điểm trước khi triển khai Chương trình. Trong đó, nhiều công trình cấp nước tập trung đang phát huy hiệu quả tốt tại các xã: Hồng Thái Đông, Hồng Thái Tây (thị xã Đông Triều); Hiệp Hòa (thị xã Quảng Yên); Đông Hải, Đông Ngũ (huyện Tiên Yên); Tân Bình (huyện Đầm Hà); Hải Tiến, Hải Đông, Quảng Nghĩa (thành phố Móng Cái)…
 
 
Bên cạnh đó, Chương trình PforR tại Quảng Ninh cũng đã tổ chức gần 2.000 buổi truyền thông cho trên 13 nghìn lượt người tham gia, cấp phát khoảng 3.000 ấn phẩm sách, ảnh nội dung tuyên truyền về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn nhằm nâng cao nhận thức, hành vi của người dân trong sử dụng, bảo vệ nguồn nước, công trình cấp nước. Qua đó, từng bước góp phần nâng cao nếp sống văn hóa, văn minh, ý thức giữ gìn và bảo vệ môi trường, nhất là người dân vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
 
 
Tỉnh Thái Bình lại thu hút được nguồn vốn xã hội hóa để đầu tư xây dựng, đưa vào vận hành hàng chục nhà máy nước sạch trên địa bàn giúp nhiều hộ dân ở nông thôn được tiếp cận với nước sạch, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho bà con.
 
 
Một trong những yếu tố tạo nên sự thành công trong thực hiện chương trình nước sạch nông thôn ở tỉnh là những cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư của UBND tỉnh như: Quyết định số 12, 19 quy định một số cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư và quản lý khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn; hỗ trợ 100% tiền giải phóng mặt bằng, ưu đãi tiền thuê đất, tiền sử dụng đất và hưởng những ưu đãi về thuế... Đây được coi là bước đột phá, thu hút và nhận được sự quan tâm đầu tư của nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực nước sạch, góp phần đẩy nhanh tiến độ các dự án cung cấp nước sạch nông thôn trên địa bàn tỉnh.
 
 
Điển hình như Công ty Cổ phần Xây dựng vận tải Sông Hồng trước khi quyết định đầu tư xây dựng nhà máy nước sạch đã đi tìm hiểu, tham khảo cơ chế, chính sách tại một số tỉnh lân cận như: Hải Dương, Hưng Yên, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Ninh Bình... Nhận thấy cơ chế, chính sách của tỉnh Thái Bình rất phù hợp, Công ty đã đầu tư Nhà máy nước xã Nam Chính (huyện Tiền Hải) với công suất 12.000m3/ngày đêm, tổng nguồn vốn đầu tư trên 125 tỷ đồng. Sau 2 năm xây dựng, Nhà máy đi vào hoạt động, hiện đang cung cấp nước sạch cho khoảng hơn 7.000 hộ dân ở 9 xã khu Nam huyện Tiền Hải và khu du lịch sinh thái cồn Vành, cảng cá cửa Lân với công suất khoảng 7.000m3/ngày đêm.
 
 
Theo Chi cục Thủy lợi (Sở NN&PTNT tỉnh), sau nhiều năm triển khai thực hiện, đến nay toàn tỉnh có 75 công trình cấp nước sạch tập trung với tổng công suất thiết kế 370.950m3/ngày đêm, cung cấp nước sạch cho 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn. Trong đó, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, trên địa bàn tỉnh có 15 công trình cấp nước sạch đã được đầu tư xây dựng, tổng công suất thiết kế 16.200m3/ngày đêm, cấp nước cho 23 xã; 20 công trình cấp nước sạch tập trung, đầu tư từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Thế giới (WB) với tổng công suất sau nâng cấp là 40.550m3/ngày đêm, cấp nước cho 49 xã khu vực nông thôn; 24 công trình được đầu tư xây mới bằng nguồn vốn xã hội hóa theo cơ chế khuyến khích của tỉnh với tổng công suất thiết kế 177.200m3/ngày đêm, cấp nước cho 154 xã khu vực nông thôn. Tỷ lệ người dân khu vực nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt trên 97,05%.
 
 
Có thể thấy, qua hơn 15 năm nỗ lực phấn đấu của 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Bộ, ngành, đoàn thể; sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, đặc biệt là hỗ trợ ngân sách, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đã đạt được những kết quả đáng kể, góp phần nâng cao cuộc sống, sức khỏe của người dân, môi trường khu vực nông thôn. Nhờ đó, hiện tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 87,5%; tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước sạch theo QCVN 02:2009/BYT đạt 49%. Các tỉnh có tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100% gồm: Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Đình Lâm
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn