Quảng Ngãi: Ô nhiễm môi trường từ rác thải
16:13 - 28/11/2017
(MTNT) - Tình trạng vứt rác bừa bãi làm ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường trên địa bàn tỉnh đang diễn ra ngày càng phổ biến.
Rác vương vãi khắp nơi, vứt thành đống ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường và sức khỏe của người dân


Dọc theo bờ biển xã Tịnh Kỳ, Tịnh Khê (thành phố Quảng Ngãi), huyện Sơn Tịnh, có khu du lịch, bãi tắm Mỹ Khê, do vậy lượng rác thải, nước thải xả ra biển rất lớn, tạo thành một bãi rác chạy dài hàng cây số, mùi hôi thối đến ngạt thở.
 
 
Cũng giống như vùng biển Tịnh Kỳ, ven biển xã Bình Thạnh (huyện Bình Sơn), xã Nghĩa An (huyện Tư Nghĩa) rác được người dân vứt xả bừa bãi. Ðâu đâu cũng thấy rác. Rác không chỉ tràn ngập khu dân cư dọc theo bờ biển mà ngay trên đường đi. Tất cả những thứ gì gọi là chất thải đều được người dân cho ra biển. Tại xã Nghĩa An, trung bình một ngày có khoảng 5 tấn rác được thải ra biển.
 
 
Tại xã Bình Châu (huyện Bình Sơn), đoạn phía trên chợ- nơi con nước thủy triều dâng lên tràn vào vùng nuôi tôm Châu Me và Tịnh Hòa, trời nắng, mùi xú uế bốc lên nồng nặc từ những đống rác thải.
 
 
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, hiện nay, do công tác quy hoạch, đầu tư hạ tầng và di dời dân thực hiện chưa đồng bộ, đã dẫn đến nhiều nhà máy, xí nghiệp xả chất thải, nước thải tràn lan, ảnh hưởng đến một số khu dân cư ven biển. Đặc biệt, hiện nay hơn 400 hộ dân ở xã ven biển Bình Ðông (huyện Bình Sơn) sống gần Nhà máy xi-măng Ðại Việt đang phải sống trong tình trạng ô nhiễm tiếng ồn và bụi. Mặc dù, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã nhiều lần họp với chủ đầu tư để giải quyết tình trạng ô nhiễm chung quanh nhà máy, nhưng đến nay vẫn chưa khắc phục được. Người dân xã Bình Đông lại thường xuyên ngăn cản nhà máy không cho sản xuất.
 
 
Ở điểm giáp ranh của hai xã Tịnh Bình và Tịnh Thọ, cách trung tâm xã Tịnh Thọ khoảng 5km và trung tâm xã Tịnh Bình khoảng hơn 3km, do xa khu dân cư, không có người quản lý nên trở thành nơi chứa rác thải, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
 
 
Tại cảng Sa Kỳ, cảng cá Lý Sơn hiện nay với hàng chục nghìn lượt tàu đánh cá ra vào, mỗi khi bốc dỡ xong hải sản, các chủ tàu làm vệ sinh tàu thường thải các cặn bã, tạp chất trực tiếp xuống biển. Các phương tiện thủy nội địa đều thiếu bộ phận thu gom chất thải và ý thức chấp hành các quy định an toàn hàng hải, vệ sinh môi trường của các chủ phương tiện chưa cao, cho nên thường gây ô nhiễm môi trường vùng nước ven biển.
 
 
Tại cảng cá Sa Huỳnh, hàng trăm lượt tàu thuyền ra vào cảng để tiêu thụ hải sản và tiếp nhiên liệu phục vụ những chuyến ra khơi, cho nên lượng rác thải ra biển rất lớn. Ðó là chưa kể vùng ven biển này có hơn hai nghìn hộ dân sinh sống và thường vứt rác, xả nước thải trực tiếp ra biển đã làm cho môi trường biển ngày càng bị ô nhiễm nặng.
 
 
Năm 2016, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã cho phép Công ty CP Đầu tư và Phát triển xây dựng Miền Bắc đầu tư gần 300 tỷ đồng xây nhà máy xử lý tại bãi rác Nghĩa Kỳ, với công suất thiết kế 250 tấn mỗi ngày; Công ty CP thương mại và dịch vụ Bắc Giang đầu tư 85 tỷ đồng xây nhà máy xử lý rác Đồng Nà, với công suất khoảng 200 tấn/ngày, khi các công trình hoàn thành sẽ góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm.

Minh Hoàng
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn