|
Tại các khu, điểm du lịch biển, công tác vệ sinh môi trường chưa được quan tâm thường xuyên, triệt để. |
Theo số liệu thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN và MT), hiện nay có khoảng từ 70 - 80% số lượng rác thải trên biển có nguồn gốc từ đất liền. Nguồn rác thải nêu trên chủ yếu là từ các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp, khu dân cư xả nước thải, chất thải rắn không qua xử lý ra các con sông ở vùng đồng bằng ven biển, hoặc xả thẳng ra biển, với hàng triệu tấn chất thải mỗi năm. Một số chất thải loại này sẽ lắng tại vùng biển ven bờ. Một số chất khác bị phân hủy và lan truyền trong toàn khối nước biển.
Tại các khu, điểm du lịch biển, công tác vệ sinh môi trường chưa được các tổ chức, cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực này quan tâm một cách thường xuyên, triệt để. Rác thải chưa được thu gom, xử lý đúng quy trình, dẫn tới tình trạng ô nhiễm môi trường, nhất là tại một số bãi tắm ven bờ, gần khu dân cư, nhà hàng, khách sạn… Hơn nữa, ý thức về bảo vệ môi trường nói chung và môi trường biển, ven biển của du khách chưa cao, luôn xảy ra tình trạng vứt rác, vứt thức ăn, đồ uống thừa bừa bãi trên các bãi tắm. Trong khi đó, phần lớn rác thải sinh hoạt chưa được xử lý, nếu có xử lý chỉ bằng phương pháp chôn lấp là chính, gây ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường tự nhiên và chất lượng nguồn nước.
Ngoài ra, các nhà máy, xí nghiệp cũng xả nước thải cùng với những hóa chất độc hại ra biển. Trên 100 con sông tại nước ta hằng năm đổ ra biển lên đến 880 km3 nước thải, với khoảng 170 – 300 tấn phù sa, chứa nhiều chất hữu cơ, chất độc hại từ các khu công nghiệp, khu dân cư và các khu nuôi trông thủy sản.
Hiện nay sự cố tràn dầu và dầu cặn vẫn diễn ra khá thường xuyên tại các vùng bờ biển Việt Nam do lượng tàu bè qua lại lớn. Các vụ tai nạn này đã đổ ra biển từ vài chục đến vài trăm tấn dầu, gây thiệt hại không nhỏ đến nền kinh tế và môi trường. Ngoài ra, các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí, hoạt động của tàu thuyền đánh cá, đặc biệt là tàu thuyền nhỏ với máy móc lạc hậu và không lắp đặt thiết bị phân ly dầu nước cũng là một trong những nguồn gây ô nhiễm dầu ở vùng biển nước ta.
Hoạt động nuôi trồng thủy sản cũng là một nguyên nhân lớn dẫn đến tình trạng ô nhiễm nguồn nước biển. Trung bình, cứ bình quân nuôi 1 ha tôm, sẽ khiến môi trường biển tiếp nhận 5 tấn chất thải rắn đồng thời hàng chục nghìn m3 nước thải trong một vụ nuôi. Như vậy với hơn 600.000 ha nuôi trồng tôm mỗi năm, thì lượng chất thải ra môi trường là một con số khổng lồ.
Có thể kể đến vùng biển Cát Bà (Hải Phòng) với hơn 5.400 ha mặt nước mặt. Giờ đây, hòn đảo tập trung vào khai thác du lịch và nuôi trồng thủy sản khiến tình trạng rác thải đổ trực tiếp ra biển ngày một lớn, gây ô nhiễm rất nhiều.
Ô nhiễm không khí cũng có tác động mạnh mẽ tới môi trường sinh thái biển. Nồng độ CO2 trong không khí gia tăng sẽ khiến lượng CO2 trong nước biển tăng dẫn đến thay đổi môi trường sống của các loài thực vật biển. Điều đó sẽ khiến cho tốc độ tuyệt chủng diễn ra ngày càng nhanh.
Rõ ràng, vấn đề ô nhiễm môi trường biển đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái. Với hơn 1.122 km2 rạng sang hô, tuy nhiên, hệ sinh thái này đang có nguy cơ bị biến mất khiến vùng biển Việt Nam trở thành bức tranh thủy mạc. Tình trạng suy thoái của các dạng san hô cũng ở mức báo đống, độ phủ san hô hầy hết đều thuộc loại thất, chỉ có 3% được đánh giá là thuộc loại tốt.
Việt Nam hiện đã xác định được hơn 11 nghìn loài sinh vật biển cư trú trong hơn 20 kiểu hệ sinh thái điển hình. Do chất lượng môi trường biển thay đổi dẫn đến nơi cư trú tự nhiên của các loài sinh vật bị phá hủy, gây tổn thất lớn về đa dạng vùng bờ, với ước tính có khoảng 85 loài hải sản có mức độ nguy cấp khác nhau và hơn 70 loài đã được đưa vào Sách đỏ Việt Nam.
Nhằm phát triển tài nguyên, môi trường biển và hải đảo theo hướng thống nhất và bền vững, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp các bộ, ngành, địa phương tổ chức điều tra, thống kê các nguồn thải ra môi trường biển, quan trắc môi trường biển, cũng như thực hiện các giải pháp kiểm soát ô nhiễm môi trường biển, đầu tư kinh phí xây dựng các hệ thống xử lý chất thải tại các khu vực ven biển; thường xuyên tiến hành thanh, kiểm tra nhằm xử lý kịp thời các vụ vi phạm gây ô nhiễm môi trường biển; tích cực trồng rừng ngập mặn, bảo vệ và phục hồi các hệ sinh thái ven biển, xây dựng quy hoạch các khu bảo tồn biển…
Đồng thời, cần phải nâng cao hơn nữa ý thức bảo vệ môi trường biển, ven biển, hải đảo và phát triển tài nguyên biển của các tổ chức, cá nhân kinh doanh và khách du lịch; phải nhận thức đúng đắn tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường đối với cuộc sống và sức khỏe con người.
Song song với việc sử dụng có hiệu quả, hợp lý và tiết kiệm tài nguyên thì việc chú trọng phòng ngừa và ngăn chặn ô nhiễm kết hợp với xử lý ô nhiễm, cải thiện môi trường và bảo tồn thiên nhiên là một giải pháp cần được sự quan tâm của các tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ môi trường biển, ven biển và hải đảo và phát triển tài nguyên biển.