|
Tình trạng ô nhiễm môi trường ở các làng nghề Bắc Ninh ngày càng gia tăng |
Tại làng nghề tái sản xuất giấy Phong Khê, phường Phong Khê (thành phố Bắc Ninh), người dân đang phải chịu những hệ lụy nặng nề vì ô nhiễm môi trường. 204 cơ sở sản xuất và tái chế giấy đang hoạt động ở Phong Khê mỗi năm sản xuất ra khoảng 200.000 tấn giấy, lưu lượng nước thải khoảng 5.000m3/ngày, lượng chất thải rắn phát sinh khoảng 60 tấn/ngày.
Hầu hết các cơ sở sản xuất giấy ở phường Phong Khê không lắp đặt hệ thống xử lý nước thải mà xả ra môi trường qua các kênh mương và cống trong làng. Theo số liệu của cơ quan chức năng tỉnh, nước thải chứa lượng độc tố cao gấp hàng chục lần, thậm chí là hàng trăm lần tiêu chuẩn cho phép (hàm lượng chất rắn lơ lửng cao hơn từ 4,5 - 11 lần; hàm lượng COD cao hơn từ 8 - 500 lần; hàm lượng Pb cao hơn 5,5 lần…). Kết quả phân tích cũng chỉ ra hầu hết các chỉ số ô nhiễm môi trường trong mẫu bùn ở đáy sông Ngũ Huyện Khê, đoạn đi qua làng nghề cao hơn so với đoạn trước khu vực làng nghề từ 1 - 2 lần, có đoạn vượt từ 6,8 - 8 lần.
Đồng thời, không khí trong làng ngột ngạt vì khói khét lẹt, cay nồng. Trẻ con cho đến người lớn trong làng thường xuyên bị mắc các bệnh về đường hô hấp như ho, viêm phổi…
Làng bún Khắc Niệm, xã Khắc Niệm, (thành phố Bắc Ninh) có nghề sản xuất bún, bánh truyền thống với trên 500 hộ làm nghề. Trong quá trình sản xuất bún bánh, mỗi ngày có hàng nghìn m3 nước thải chưa qua xử lý xả thẳng ra ao hồ cống rãnh, khiến cho hầu hết các ao hồ trong khu dân cư, các tuyến kênh mương ô nhiễm nghiêm trọng. Làng nghề có mức độ ô nhiễm cao với 48/450 chỉ tiêu ô nhiễm vượt giới hạn cho phép. Số lượng người mắc bệnh ngày càng tăng, chủ yếu là viêm đường hô hấp cấp, đường tiêu hóa, bệnh phổi.
Làng nghề tái chế thép Đa Hội, phường Châu Khê (thị xã Từ Sơn) từng được biết đến là một trong những làng nghề sản xuất thép lớn nhất miền Bắc. Đa Hội có gần 1.000 lò đúc cán, mạ thép luôn rực lửa khiến bầu không khí nóng hầm hập. Các loại máy cán, dập, đúc, cắt thép không ngừng phát ra những thứ âm thanh hỗn độn, với làn khói đen theo ống dẫn được xả ra với mùi khét lẹt hòa quyện với bụi đường, bụi than, bụi kim loại, bụi mạt sắt và mùi hóa chất lẫn mùi hôi thối của nước và rác thải...
Qua khảo sát, đánh giá của Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh, hầu hết các chỉ tiêu về oxy hóa các hợp chất hóa học trong nước, bao gồm cả vô cơ và hữu cơ hay các kim loại nặng như ở làng nghề đều vượt quá ngưỡng quy định, gây ảnh hưởng đến môi trường sống và sức khỏe của người dân.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm trên là do trong quá trình hoạt động sản xuất tại các cụm công nghiệp, các làng nghề sử dụng công nghệ, thiết bị lạc hậu, chắp vá, cách quản lý chủ yếu sản xuất theo kinh nghiệm, ý thức bảo vệ môi trường của người dân và các doanh nghiệp không cao (không xây dựng các hệ thống, công trình xử lý chất thải).
Ngoài ra, hệ thống thoát nước và quy trình xử lý nước thải tại các làng nghề chưa đáp ứng được yêu cầu; tiến độ dự án triển khai chậm. Bên cạnh đó, ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ tài nguyên nước của nhiều tổ chức, cá nhân còn yếu và thiếu chế tài xử phạt nên vẫn còn tình trạng khai thác, sử dụng tài nguyên nước một cách tùy tiện; một số mô hình sau khi đầu tư xây dựng không được vận hành hoặc vận hành không hiệu quả.
Trước mối nguy hại về ô nhiễm môi trường sống, những năm gần đây, các cơ quan chức năng của tỉnh đã triển khai khá nhiều chương trình, dự án bảo vệ môi trường tại các làng nghề như: Xây dựng hệ thống xử lý nước thải làng nghề nấu rượu Đại Lâm, làng nghề Phong Khê, nước thải sinh hoạt thành phố Bắc Ninh, thị xã Từ Sơn; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sử dụng khí Biogas để chạy động cơ phát điện góp phần tiết kiệm năng lượng, xử lý ô nhiễm môi trường trong các cơ sở chăn nuôi tập trung tại huyện Thuận Thành; mô hình ứng dụng chế phẩm vi sinh xử lý rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình và cụm thôn, xã tại 2 huyện Gia Bình và Lương Tài; ứng dụng công nghệ DEWATS xử lý nước thải sinh hoạt tại các xã nông thôn mới; Nghiên cứu xây dựng mô hình xử lý nước thải sinh hoạt tại các khu đô thị và vùng nông thôn ứng dụng công nghệ EBB cải tiến… Tuy nhiên các giải pháp xử lý này đều chưa phát huy hiệu quả.
Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, tạo mô hình mẫu, mô hình điểm để xử lý ô nhiễm môi trường theo từng nhóm làng nghề phù hợp; đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến Luật Bảo vệ môi trường; thành lập các tổ, đội vệ sinh môi trường hoạt động thu gom, xử lý rác thải trong phạm vi thôn, làng theo nguyên tắc thu phí của người có nguồn xả thải.