Ô nhiễm môi trường từ nước thải làng nghề
16:13 - 29/11/2017
(MTNT)- Ở Việt Nam còn ít các làng nghề có hệ thống xử lý nước thải. Nước thải chủ yếu được đổ trực tiếp ra hệ thống kênh rạch chung, hoặc ra sông gây hiện tượng đổi mầu nước sông, có mùi rất khó chịu. Nước thải sản xuất, cùng với nước thải sinh hoạt và chất thải chăn nuôi đổ ra ao, hồ, đồng ruộng và sông ngòi còn ảnh hưởng xấu tới sản lượng nuôi trồng thủy sản và hoa màu của người dân.
Ô nhiễm môi trường do nguồn nước thải tại các làng nghề là một trong những nguyên nhân chính gây ra các dịch bệnh

 
Trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh hiện có 62 làng nghề và 27 cụm công nghiệp. Làng nghề đã góp phần làm cho đời sống của người dân ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, lượng nước thải từ các làng nghề, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh khoảng 50 nghìn m3/ngày/đêm, phần lớn không được xử lý mà chảy thẳng ra các lưu vực sông.
 
 
Kết quả quan trắc của Trung tâm Quan trắc TN và MT tỉnh thực hiện năm 2016 cho thấy: Hàm lượng BOD5 của nước thải tại các cống thải thôn Tiền Ngoài (phường Khắc Niệm, TP Bắc Ninh) vượt quy chuẩn cho phép 51,3 lần; hàm lượng a-mô-ni cao hơn quy chuẩn cho phép 15 lần. Ðối với các vị trí cống thải tại làng nghề Ðại Lâm (xã Tam Ða, huyện Yên Phong), hàm lượng BOD5 vượt quy chuẩn cho phép 6,4 lần…
 
 
Tại các làng nghề sản xuất tiểu thủ công nghiệp của tỉnh như làng nghề tái chế sắt thép Đa Hội, đồ gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ, giấy Phú Lâm... có lượng nước thải lớn không qua xử lý xả thẳng vào hệ thống thủy nông. Sông Ngũ Huyện Khê khi chảy qua các làng nghề này đã tiếp nhận nước thải có chứa rất nhiều hoá chất như axit, xút, thuốc tẩy, phèn, phẩm màu… từ các làng nghề nên bị ô nhiễm nghiêm trọng, trở thành kênh dẫn nước thải của hệ thống các làng nghề.
 
 
Làng nghề sản xuất bún, bánh và dịch vụ xóm Chùa (xã Phú Nham, huyện Phù Ninh, Phú Thọ) có 70 hộ làm nghề, trong đó có 24 hộ làm bún, bánh. Số hộ tham gia sản xuất không nhiều nhưng do quy trình sản xuất còn lạc hậu, nước thải với hàm lượng tinh bột lớn không được xử lý triệt để khiến môi trường xung quanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Một số ít hộ tự xử lý bằng cách xây hầm biogas, xây bể lắng còn đa phần thải trực tiếp ra kênh mương nên tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ ô nhiễm do nước thải, chất thải từ làm nghề thải ra.
 
 
Tại tỉnh Hải Dương, toàn bộ nước thải của gần 200 hộ làm nghề nấu rượu, bánh đa và chất thải chăn nuôi xã Cẩm Vũ, huyện Cẩm Giàng được xả thẳng xuống ao, rồi đổ ra kênh thủy nông chảy ngang qua thôn, không qua bất cứ công đoạn xử lý nào.
 
 
Từ nhiều năm nay, ở làng nghề làm bánh đa Tống Buồng - xã Thái Thịnh, huyện Kinh Môn, toàn bộ nước thải sau khi sản xuất bánh đa không qua xử lý được thải trực tiếp ra hệ thống thoát nước chung của làng. Qua phân tích môi trường nước mặt của Trung tâm Quan trắc và Phân tích môi trường tỉnh cho thấy hàm lượng COD vượt từ 12-15 lần, TSS vượt từ 2-3 lần, coliform vượt từ 11-19 lần, amoni vượt từ 12-16 lần, photphat vượt từ 26-31 lần tiêu chuẩn cho phép.
 
 
Trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện có 146 làng nghề. Trong đó có 25 làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm và 10 làng nghề chế biến hải sản, tập trung ở vùng nông thôn và cửa biển. Tại làng nghề bún, bánh Huỳnh Dương ở xã Diễn Quảng, huyện Diễn Châu, bình quân mỗi ngày có trên dưới 10 tấn bún được sản xuất và tiêu thụ trên thị trường. Với hơn 100 hộ làm nghề, mỗi ngày có hàng trăm lít nước ngâm tinh bột chưa qua xử lý được xả thẳng ra các con mương và bốc mùi hôi thối.
 
 
Làng nghề chế biến hải sản Ngọc Văn (xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu), cơ sở hạ tầng không được đầu tư nâng cấp thường xuyên đã dẫn đến thực trạng ô nhiễm môi trường đáng báo động. Hầm chứa nước thải tập trung không đáp ứng yêu cầu, không có nắp, đáy chống thấm nên bốc mùi hôi thối trên diện rộng.
 
 
Ông Lê Tuấn Định Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội cho biết: Thành phố đang có tổng cộng 1.350 làng nghề và làng có nghề. Tuy nhiên, theo các số liệu quan trắc ở một số làng nghề, môi trường nước thải có COD, BOD, Nitrat, Amoni vượt giới hạn nhiều lần, Coliform vượt hơn một trăm lần. Nước ngầm ở các khu vực này cùng chịu tác động từ ô nhiễm nước thải, ở mức khá nghiêm trọng. Tại khu vực này hầu như không có công trình xử lý chất thải phù hợp. Đối với nước thải khoảng 35,6% hộ gia đình không xử lý, 60% còn lại chỉ có hệ thống xử lý thô sơ. Một số công trình nghiên cứu thử nghiệm xử lý nước thải làng nghề đã được triển khai nhưng hiệu quả còn thấp và kém ổn định, các công trình xử lý nước thải tập trung của làng nghề hầu hết chưa được đầu tư, một vài điểm đang đầu tư nhưng chưa thực sự đi vào hoạt động.
 
 
Tại huyện Hoài Đức, có 3 làng chế biến nông sản là Dương Liễu, Minh Khai, Cát Quế, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng với lượng nước thải lên tới 3.155.000 m3/năm. Kết quả phân tích mẫu nước cho thấy, hàm lượng chất ô nhiễm cao, coliform cao hơn hàng nghìn lần so với mức trung bình, lượng oxy hòa tan trong nước thấp hơn tiêu chuẩn 2mg/l, lượng oxy cần thiết để oxy hóa các hợp chất hóa học trong nước cao hơn tiêu chuẩn 18,23 lần, lượng oxy cần thiết để vi sinh vật oxy hóa các chất hữu cơ theo phản ứng cũng cao hơn tiêu chuẩn 12,3 lần…
 
 
Tại làng nghề bún Phú Đô (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), cứ 10.200 tấn sản phẩm/năm sẽ thải ra 76,9 tấn COD, 53,14 tấn BOD5, 9,38 tấn SS, gây ô nhiễm môi trường nước nghiêm trọng. Theo người dân, những ngày nắng nóng, ô nhiễm lên tới đỉnh điểm, nước vo gạo chua đổ ra cống rãnh dồn về phía mương bốc mùi nồng nặc...
 
 
Các ở làng nghề Kỳ Thủy, Thanh Lương, Cự Đà, Bích Hòa (huyện Thanh Oai, Hà Nội) nước thải phát sinh do quá trình tẩy rửa các nguyên liệu, các khâu chế biến trong sản xuất, lượng nước sử dụng lớn, có nơi lên tới 7.000 m3/ngày thường không được xử lý đã xả thải trực tiếp ra môi trường.
 
 
Hiện cả nước có hơn 1.300 làng nghề được công nhận và 3.200 làng có nghề đang hoạt động. Theo bà Vũ Thị Mặc Dung (Trường đại học TN và MT Hà Nội): Ô nhiễm nguồn nước ở các làng nghề nông thôn Việt Nam, là do các hợp chất vô cơ độc hại như a-xít, muối, kim loại nặng… (thường thấy ở các làng nghề cơ khí, mạ, đúc, tẩy nhuộm). Ðây là những nguồn ô nhiễm cực kỳ nguy hiểm. Nước thải của ngành dệt, nhuộm được xếp vào loại nguy hiểm nhất trong các loại nước thải, bởi không những gây tác động đến nước mặt mà còn ảnh hưởng tới nguồn nước ngầm, gây nhiều bệnh hiểm nghèo cho người dân sinh sống tại khu vực này.
 
 
Ðáng lo ngại, ô nhiễm môi trường do nguồn nước thải tại các làng nghề là một trong những nguyên nhân chính gây ra các dịch bệnh cho người đang lao động và sinh sống tại khu vực này. Tỷ lệ mắc bệnh tại các làng nghề ở Việt Nam đang có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây.
 
 
Nhằm từng bước khắc phục, xử lý triệt để ô nhiễm môi trường, nhất là ô nhiễm nguồn nước tại các làng nghề trên cả nước, Chính phủ, Bộ TN và MT, UBND các tỉnh, thành phố cần xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào hoạt động xử lý nước thải tại làng nghề; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ xử lý nước thải cho các cơ sở sản xuất quy mô nhỏ theo hướng vận hành đơn giản, ổn định, tiết kiệm chi phí và xử lý ô nhiễm môi trường nước đạt hiệu quả. Ðồng thời, ưu tiên cơ chế và tài chính cho nghiên cứu khoa học, công nghệ xử lý nguồn nước thải tại làng nghề. Phát hiện các mô hình, điển hình tiên tiến trong hoạt động xử lý nước thải làng nghề; kịp thời khen thưởng, động viên, phổ biến, nhân rộng các mô hình, điển hình trong lĩnh vực này tại các làng nghề trên cả nước…
 
 
Chú trọng công tác truyền thông về xử lý nguồn nước thải tại các làng nghề trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm thay đổi nhận thức, thói quen, tập quán sản xuất, sinh hoạt của người dân tại các làng nghề, các hộ sản xuất, kinh doanh như phát động các phong trào xây dựng môi trường văn hóa, làng xóm xanh - sạch - đẹp.

Trần Minh
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn