Tình trạng vứt bao bì thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi còn phổ biến
16:13 - 27/11/2017
(MTNT)- Theo thống kê của Cục Bảo vệ thực vật, trong 10 năm qua loại chất thải độc hại này đã tăng gấp hơn 10 lần so với trước. Mỗi bao bì thuốc có 1,8% lượng hóa chất dính vào, khi bị thải bỏ, lượng hóa chất này sẽ lan truyền ra môi trường và xâm nhập trở lại cơ thể sinh vật thông qua thức ăn. 
Nhiều nơi người dân vứt bừa bãi bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng


Theo đánh giá của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), hiện nay tổng lượng phân bón vô cơ các loại người dân sử dụng cho cây trồng khoảng 2,4 triệu tấn/năm, thải ra môi trường 240 tấn rác thải rắn, trong đó đặc biệt nguy hại là bao bì và vỏ hộp thuốc.
 
 
Tại Thái Nguyên, hiện tỉnh có khoảng 180.000ha đất sản xuất nông nghiệp. Mỗi năm toàn tỉnh có khoảng 300 tấn bao bì được thải ra. Trong đó, một phần được gom vào các bể chứa tại các cánh đồng, nương chè, còn lại phần lớn là xả ngay ra ruộng hoặc sông, suối, thậm chí là vứt xuống các kênh mương dẫn nước cấp cho mục đích sinh hoạt như sông Công, kênh Núi Cốc, kênh Đào Phú Bình... Việc làm này gây tác hại xấu cho môi trường, rất nhiều vỏ thuốc tồn dư lâu năm, vùi xuống lòng đất, không phân hủy được, ngấm vào mạch nước ngầm, khiến môi trường đất và nước, không khí bị ô nhiễm.
 
 
Đối với những nơi có bể, một số người dân sau khi pha thuốc vứt vỏ ngay cạnh bể hoặc vứt lẫn cả rác thải sinh hoạt vào bể. Vô hình chung, bể chứa bao bì thuốc thành nơi chứa rác của người dân.
 
 
Thu gom buông lỏng, việc xử lý bao bì thuốc hiện cũng đang bị bỏ ngỏ. Chất thải sau khi thu gom được người dân đốt tại chỗ hoặc chôn lấp chung với rác thải sinh hoạt tại các bãi rác ở địa phương.
 
 
Anh Ngô Văn Hiếu, Trưởng xóm Đông, xã Hà Châu, huyện Phú Bình cho biết: Sau khi xây bể, chúng tôi chỉ được tuyên truyền là vứt vỏ bao bì thuốc vào bể chứ chưa được hướng dẫn xử lý chất thải đã thu gom. Thế nên, cứ khi nào gần đầy bể, chúng tôi lại tự huy động bà con đốt tại chỗ. Trung bình 2-3 tháng đốt một lần, thời điểm giữa vụ thì sau 1 tháng phải đốt vì bà con sử dụng nhiều thuốc BVTV nên bể chứa đầy nhanh hơn.
 
 
Tại Quảng Ninh, nhằm giảm tình trạng người dân vứt bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi, gây ảnh hưởng tới môi trường, tỉnh đã đầu tư xây dựng 1.200 bể rác thải chứa thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Tuy nhiên, hiện trên địa bàn tỉnh chỉ có 25 bể tại TP Hạ Long là đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định tại Thông tư liên tịch số 05 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài nguyên và môi trường. Còn lại các bể không đạt tiêu chuẩn như: Bể không có đáy, nắp đậy nhưng lại đục lỗ, diện tích bể nhỏ... do đó lượng thuốc tồn đọng vẫn bị thẩm thấu vào môi trường.
 
 
Ngoài ra, trên các dòng kênh nội đồng, bên bờ cỏ... vẫn thường bắt gặp các vỏ bao bì, chai lọ đựng thuốc sau sử dụng được vứt bừa bãi khắp nơi do bà con có thói quen tiện đâu vứt đấy, dù biết là độc hại. Có tình trạng trên là bởi việc bố trí các bể còn khá bất tiện như: Đặt xa khu vực sản xuất, xa đường giao thông, cửa bỏ rác vào bể quá nhỏ... dẫn đến tình trạng có bể nhưng nông dân chưa thu gom vào bể.
 
 
Theo ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục BVTV (Bộ NN& PTNT), để khắc phục tình trạng trên, một số địa phương đã tổ chức mô hình xã hội hóa công tác thu gom bao bì thuốc BVTV; tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về thu gom, xử lý bao gói thuốc BVTV theo Quyết định 50 của Thủ tướng Chính phủ quy định về thu hồi và xử lý sản phẩm nông nghiệp thải bỏ.
 
 
Bộ NN&PTNT cũng khuyến nghị các địa phương nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật thân thiện với môi trường như dùng bẫy bả protein, bả chua ngọt, rào chắn bọ nhảy nhằm giảm thiểu việc sử dụng thuốc BVTV. Đồng thời sử dụng thuốc sinh học thay thế các loại thuốc hóa học có nồng độ độc cao, thời gian cách ly dài.

Nhật Nam
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn