Ô nhiễm môi trường từ giết mổ gia súc, gia cầm
13:27 - 26/12/2017
(Cổng ĐT HND)- Theo Bộ NN&PTNT, đến nay, cả nước có 29.557 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ. Phần lớn các cơ sở giết mổ này hoạt động tự phát, không đăng ký kinh doanh, điều kiện cơ sở vật chất không bảo đảm yêu cầu về vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, không có hệ thống thu gom, xử lý chất thải, nước thải gây ô nhiễm nghiêm trọng cho các thành phần môi trường không khí, đất, nước và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Trung bình mỗi con heo khi giết mổ thải ra gần 0,5m3 nước thải


Chất thải rắn chủ yếu là lông, huyết ứ, đầu mẫu thừa và phân heo. Trong quá trình giết mổ, chất thải rắn hầu như không được thu gom, người ta thường xịt nước thật nhiều cho chúng trôi vào hố gas hoặc đường cống, sau đó được lấy lên cùng với cặn và bùn lắng. Đây cũng là một trong những công đoạn sử dụng nhiều nước, vì phải xịt nước với áp lực rất mạnh thì lông, phân mới có thể trôi đi được. Chính vì vậy không những làm tắc nghẽn đường ống thoát nước mà còn làm gia tăng lượng nước thải ra môi trường. Ngoài ra, phần chất thải rắn nếu không được người dân xung quanh đem về ủ làm phân bón thì sẽ được thải trực tiếp ra môi trường, đây chính là một trong những tác nhân gây ô nhiễm môi trường và lây truyền các mầm bệnh.
 
 
Do lượng nước thải sử dụng nhiều nên lượng nước thải thải ra rất lớn, ước tính trung bình mỗi con heo khi giết mổ thải ra gần 0,5 m3 nước thải. Trong công đoạn giết mổ, chọc tiết, cạo lông, xẻ thịt cần một lượng nước lớn. Trung bình 1 con heo khi hạ mổ hoàn chỉnh ước tính tốn khoảng 0,5m3 nước.
 
 
Nước thải của các cơ sở giết mổ động vật gồm có thịt, mỡ, một số phụ phẩm xương (chiếm 30-40%), nội tạng, da, lông của các loại gia súc (trâu, bò, heo, dê), gia cầm (gà, vịt, ngan,…). Trong đó, hợp chất hữu cơ chiếm khoảng 70% – 80% gồm cenllulose, protit, axit amin. Nước thải còn chứa nhiều loại vi trùng, virut và trứng giun sán gây bệnh như: Virus lở mồm long móng, Brucella, Salmonella, Leptospira, Microbacteria tuberculosis. Ngoài ra, lượng huyết rơi vãi trong và sau công đoạn chọc tiết và lượng huyết ứ động trong bụng heo là một trong những nhân tố làm nước thải tại các cơ sở giết mổ ô nhiễm một cách trầm trọng.
 
 
Nhiều năm qua, các điểm, hộ giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ trong khu dân cư không bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, gây ô nhiễm môi trường vẫn luôn tồn tại ở hầu hết các huyện, xã trên địa bàn thành phố Hà Nội. Những chủ “lò mổ chui” này và vài nhân viên thường chọc tiết lợn, làm lông đến pha thịt ngay trên nền nhà xi-măng, sàn bê-tông ẩm thấp, thịt, tiết, nội tạng để la liệt ngay cạnh, nhếch nhác, bẩn thỉu; các chất thải được xả thẳng ra hệ thống thoát nước khu dân cư. Đây cũng là tình trạng chung của 1.050 lò mổ tự phát đang "đè bẹp" các cơ sở giết mổ công nghiệp, tập trung bán công nghiệp và tập trung thủ công trên địa bàn Thủ đô.
 
 
Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, với số dân khoảng 10 triệu người, nhu cầu tiêu thụ thịt gia súc, gia cầm mỗi ngày ở Hà Nội là rất lớn, hơn 872 tấn/ngày. Lượng thịt gia súc, gia cầm hằng ngày được cung cấp từ các cơ sở giết mổ được kiểm soát trên địa bàn thành phố là 377 tấn/ngày, đáp ứng khoảng 43% nhu cầu; 57% còn lại được giết mổ tại các hộ, điểm giết mổ nhỏ lẻ, nguồn thịt nhập khẩu và từ ngoại tỉnh nhập vào thành phố cho nên việc kiểm soát gặp nhiều khó khăn.
 
 
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có trên 408 cơ sở giết mổ, trong đó có 378 cơ sở giết mổ heo, 27 cơ sở giết mổ bò và 3 cơ sở giết mổ gia cầm. Bình quân mỗi đêm giết mổ trên 400 heo, 44 con bò và 300 con gia cầm (số lượng giết mổ trong dân và các chợ không thống kê được). Tuy nhiên, do chưa có các sơ sở giết mổ tập trung quy mô nên hầu hết các cơ sở giết mổ đều có quy mô nhỏ lẻ, phân tán và nằm xen trong khu dân cư, tình trạng ô nhiễm chưa kiểm soát được. Tại 2 cơ sở giết mổ tập trung có quy mô lớn trên địa bàn tỉnh là cơ sở giết mổ gia cầm ở Nghĩa Dũng (TP. Quảng Ngãi) và cơ sở giết mổ heo ở Tịnh Hà (Sơn Tịnh) cũng chủ yếu là các hộ dân tập trung lại cùng nhau giết mổ thủ công, phần ai nấy làm, không có dây chuyền công nghệ. Nhiều cơ sở, điểm giết mổ đã sử dụng nền nhà, sân vườn để giết mổ gia súc, gia cầm. Chất thải được xả tràn lan, thải trực tiếp xuống cống rãnh thoát nước, ra sân vườn, gây ô nhiễm môi trường…
 
 
Nguyên nhân của tình trạng này là do chính quyền ở các địa phương còn lơ là trong việc xử lý nghiêm các điểm giết mổ tự phát; chưa thật sự quan tâm và đẩy mạnh công tác quản lý giết mổ và triển khai thực hiện quy hoạch giết mổ trên địa bàn quản lý; chưa có cơ chế, chính sách phù hợp thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực giết mổ. Bên cạnh đó, việc xử lý vi phạm về kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm của các cấp, ngành chức năng chưa triệt để, chế tài chưa đủ mạnh để răn đe. Ngoài ra, các hộ giết mổ chưa nhận thức đúng về vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm mà chỉ chạy theo lợi ích trước mắt, chưa ủng hộ việc đưa động vật vào giết mổ tập trung; do số lượng chợ đầu mối buôn bán sản phẩm gia súc, gia cầm chưa đáp ứng nhu cầu cho nên hiện tượng buôn bán, kinh doanh sản phẩm động vật tại các chợ “cóc”, chợ tạm phục vụ đời sống dân sinh vẫn diễn ra thường xuyên, lại được vận chuyển bằng xe máy không bảo đảm các điều kiện vệ sinh thú y...
 
 
Để giải quyết vấn đề này, lực lượng liên ngành (nông nghiệp, công an, quản lý thị trường, y tế), UBND các huyện, thị xã, thành phố cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa; kiên quyết đề xuất chính quyền địa phương buộc dừng hoạt động các lò mổ chui; đồng thời tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch đưa các điểm, hộ, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ vào giết mổ tại các cơ sở giết mổ tập trung trên địa bàn; xây dựng chuỗi liên kết, gắn kết các cơ sở giết mổ với các hộ chăn nuôi quy mô lớn để tạo liên kết từ chăn nuôi - giết mổ - tiêu thụ sản phẩm. Nâng cao nhận thức của cộng đồng, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực giết mổ...

Ngọc Vinh
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn