Chỉ trên 50% hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước sạch đáp ứng quy chuẩn Việt Nam
10:01 - 22/08/2022
(MTNT)- Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, chỉ có 51% số hộ gia đình ở nông thôn được sử dụng nước sạch đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng nước QCVN 01: 2009/BYT của Bộ Y tế.
Mùa khô 2020-2021, cả nước có khoảng 82.000 hộ dân (tương đương khoảng 400.000 người dân) bị thiếu nước sinh hoạt.


Cuộc điều tra đo lường các chỉ số Mục tiêu phát triển bền vững về trẻ em và phụ nữ do Tổng cục Thống kê thực hiện với sự hỗ trợ của UNICEF cho thấy, có những khoảng trống đáng kể trong quản lý nước và vệ sinh an toàn, đặc biệt là về chất lượng nước uống. 44% thành viên hộ gia đình có nguồn nước được kiểm tra bị nhiễm khuẩn E.coli. Số liệu này đã dấy lên lo ngại về vấn đề vệ sinh được quản lý an toàn nói chung, vốn là một trong những thách thức còn tồn tại ở Việt Nam. Tình trạng thiếu nước sạch và điều kiện vệ sinh kém là một trong những yếu tố góp phần quan trọng dẫn đến thực trạng là 1/5 trẻ em dưới 5 tuổi ở Việt Nam bị chậm lớn, trong khi tỷ lệ này ở trẻ em dân tộc là gần gấp đôi (32%).
 
 
Mùa khô 2020-2021, cả nước có khoảng 82.000 hộ dân (tương đương khoảng 400.000 người dân) bị thiếu nước sinh hoạt. Trong khi đó, tỉ lệ thất thoát, thất thu nước sạch ở mức 23%, chất lượng nước cũng còn nhiều hạn chế.
 
 
Tại Bắc Giang, hàng trăm công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung đã được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng những năm qua. Thế nhưng sau đó, không ít công trình hoạt động kém hiệu quả, thậm chí không hoạt động.
 
 
Tiêu biểu như công trình cấp nước sinh hoạt tập trung cho 3 thôn: Nghè, Chùa và Bãi Dài - xã Huyền Sơn, huyện Lục Nam được xây dựng từ năm 2008 bằng nguồn vốn chương trình 134 (nguyên giá hơn 2,3 tỷ đồng) và đưa vào sử dụng năm 2009 (UBND xã được giao quản lý). Theo thiết kế, công trình có công suất 90 m3/ngày đêm. Hoạt động chưa được bao lâu thì đập dâng không giữ được nước, bùn đất làm tắc đường ống nên công trình bỏ không cả chục năm nay.
 
 
Theo Sở NN&PTNT, trên địa bàn tỉnh hiện có 134 công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung được đầu tư từ năm 1994 đến nay bằng nhiều nguồn vốn khác nhau. Thời gian đầu, hầu hết các công trình đều hoạt động tốt. Nhưng sau đó, nhiều công trình hoạt động kém hiệu quả, thậm chí là “đắp chiếu” - không hoạt động như công trình tại xã Huyền Sơn. Cụ thể, toàn tỉnh có 11/134 công trình hoạt động kém hiệu quả (tỷ lệ giữa công suất thực tế và công suất thiết kế dưới 30%) và 49/134 công trình không hoạt động (doanh nghiệp quản lý 5 công trình, UBND cấp xã quản lý 44 công trình).
 
 
Thực tế cho thấy việc quản lý, khai thác hiệu quả các công trình cấp nước sạch tập trung không đơn giản. Nguyên nhân là đối với công trình cấp xã, thôn, doanh nghiệp không mặn mà vì rất khó thu được tiền sử dụng nước sạch của người dân bởi họ còn có các nguồn nước khác. Nếu giao cho xã quản lý thì khó khăn trong việc duy tu, sửa chữa khi hư hỏng, tổ quản lý nước sạch của xã về chuyên môn, nghiệp vụ còn hạn chế.
 
 
Tại nhiều địa phương của tỉnh Vĩnh Phúc, do chưa được đầu tư các công trình nước sạch, người dân vẫn phải dùng nước giếng khơi, giếng khoan… chưa qua xử lý, gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sức khỏe của người dân.
 
 
Đến nay, toàn tỉnh có 57 công trình, nhà máy cung cấp nước sạch tập trung với tổng công suất thiết kế gần 163 nghìn m3/ngày đêm nhưng công suất khai thác, cung cấp thực tế là 99.320 m3/ngày đêm, đạt 64,05% công suất. Riêng vùng nông thôn mới đạt 20% công suất và toàn tỉnh có gần 188.000/226.000 hộ dân chưa được sử dụng nước sạch từ các công trình cấp nước tập trung. Căn cứ theo Quyết định số 716/QĐ-UBND ngày 13/4/2022 của UBND tỉnh về chỉ số hoạt động bền vững của công trình cấp nước tập trung, Vĩnh Phúc mới có 10/41 công trình cấp nước tập trung hoạt động bền vững, chiếm 24,39%; 2 công trình hoạt động tương đối bền vững; 3 công trình hoạt động kém bền vững, chiếm 7,32% và 26 công trình không hoạt động, chiếm 63,4%.
 
 
Theo “Bộ chỉ số theo dõi - đánh giá nước sạch nông thôn”, đến hết năm 2021, Vĩnh Phúc có trên 66% hộ dân được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn nhưng tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung chỉ đạt 17,18%, tương ứng với 38.847 hộ, thấp nhất so với các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng. Riêng 3 huyện: Sông Lô, Lập Thạch, Bình Xuyên, tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung đạt dưới 10%. Điều đáng nói là một số địa phương được đầu tư công trình cấp nước sạch nhiều năm nhưng người dân lại không mặn mà sử dụng, trong khi đó, các hộ có nhu cầu sử dụng thì lại chưa được cấp nước.
 
 
Chẳng hạn như tại thị trấn Yên Lạc, mặc dù từ năm 2007, Công ty cổ phần cấp thoát nước số 1 Vĩnh Phúc đã đưa công trình cấp nước sạch tập trung công suất 2.500m3/ngày đêm vào hoạt động và đã đấu nối đường ống dẫn nước tới từng hộ dân nhưng qua 15 năm đưa vào sử dụng, công suất khai thác chỉ đạt 160m3/ngày đêm và chỉ có xấp xỉ 5,7% dân số thị trấn Yên Lạc và các xã: Tam Hồng, Trung Nguyên sử dụng. Trong khi đó, dân cư tại một số xã lân cận là Yên Phương, Văn Tiến, Nguyệt Đức có nhu cầu cấp thiết sử dụng nước sạch thì lại chưa có công trình nước sạch.
 
 
Để khuyến khích, đầu tư cho nước sạch nông thôn, giữa tháng 12/2020, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 19 về chính sách hỗ trợ đầu tư dự án cung cấp nước sạch và hỗ trợ giá nước sạch cho vùng nông thôn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025. Tuy nhiên đến nay, sau gần 2 năm Nghị quyết đi vào cuộc sống, việc đầu tư xây dựng các dự án nước sạch cung cấp cho địa bàn huyện Tam Đảo, Lập Thạch còn chậm. Bên cạnh đó, việc đầu tư các công trình nước sạch tập trung cho các xã miền núi do Ban Dân tộc tỉnh làm chủ đầu tư theo chương trình 134 cũng không hiệu quả, bởi Ban mới bàn giao được 27/34 công trình, trong đó có 20 công trình đã bàn giao nhưng không hoạt động. Đối với 15 công trình do Sở NN&PTNT làm chủ đầu tư cũng có 1 công trình hoạt động chưa hiệu quả và 2 công trình không hoạt động.
 
 
Tại nhiều vùng nông thôn của thành phố Hà Nội, người dân vẫn chưa được sử dụng nước sạch từ nguồn cấp nước tập trung. Theo Sở Xây dựng Hà Nội, khu vực nông thôn đến nay có khoảng 80% hộ dân được sử dụng nước sạch từ nguồn cấp nước tập trung. Hiện trên địa bàn thành phố còn 160 xã chưa được đầu tư hệ thống cấp nước sạch tập trung, khiến người dân ở những khu vực này phải sử dụng nước từ những nguồn khác nhau, không bảo đảm chất lượng.
 
 
Tại huyện Mỹ Đức, hiện tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch từ các nguồn cấp nước tập trung trên địa bàn huyện mới đạt khoảng 10%. Ngay với thị trấn Đại Nghĩa, người dân vẫn chưa có nước sạch từ nguồn cấp tập trung để sử dụng...
 
 
Đáng chú ý, theo Sở Xây dựng Hà Nội, hiện có 132/160 xã đã có dự án cấp nước tập trung giao cho nhà đầu tư nhưng chưa thực hiện; 28/160 xã chưa có nhà đầu tư đề xuất thực hiện dự án.
 
 
Cụ thể, trong số 132 xã đã có dự án giao nhà đầu tư nhưng chưa thực hiện thì 110 xã thuộc 2 dự án phát triển mạng cấp nước đã được UBND thành phố giao Liên danh Aqua One - sông Đuống thực hiện giai đoạn 2017-2020 chưa triển khai; 5 xã của huyện Phúc Thọ có 2 dự án cấp nước sạch giao cho Công ty cổ phần Kỹ thuật môi trường Việt và Công ty cổ phần Đầu tư và Tư vấn thiết kế công trình xây dựng Việt Nam thực hiện từ năm 2017, 2018 cũng chưa triển khai. Ngoài ra, còn 17 xã có dự án cấp nước tập trung tại các huyện Đan Phượng, Ba Vì, Phú Xuyên, Chương Mỹ đã giao cho nhà đầu tư là Công ty cổ phần Cấp nước Tây Hà Nội; Liên danh Công ty cổ phần Ao Vua - Công ty cổ phần Cấp thoát nước và môi trường Ba Vì; Công ty cổ phần Cấp nước Hà Nam; Công ty Môi trường đô thị Xuân Mai thực hiện nhưng tiến độ còn chậm.
 
 
Tính đến hết năm 2021, tỷ lệ hộ gia đình khu vực nông thôn ở tỉnh Ninh Bình được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 96%, trong đó, tỷ lệ sử dụng nước sạch đáp ứng quy chuẩn Việt Nam là 63%; tỷ lệ hộ nghèo được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt gần 48,5%. 100% số trường học và trạm y tế xã nông thôn trên địa bàn tỉnh đã có công trình cấp nước.
 
 
Hiện, trên địa bàn các xã nông thôn của tỉnh có 72 công trình cấp nước đang hoạt động. Cùng với các nhà máy sản xuất nước sạch đô thị, các công trình cấp nước sinh hoạt ở nông thôn đã cấp nước cho khoảng 153 nghìn hộ dân nông thôn sử dụng. Mỗi hộ dân sử dụng bình quân từ 6-8 m3/tháng.
 
 
Ngoài ra, toàn tỉnh đang có gần 29% công trình cấp nước tập trung hoạt động kém bền vững và không hoạt động. Điển hình như công trình cấp nước sạch tập trung ở xã Quảng Lạc (huyện Nho Quan) được xây dựng cách đây hàng chục năm nhưng chỉ hoạt động được một thời gian ngắn thì dừng. Nguyên nhân là do địa bàn xã quá rộng, dân cư lại sống thưa thớt nên tỷ lệ thất thoát nước cao. Hơn nữa, ở vùng này, hầu như nhà nào cũng có giếng, nguồn nước này khá dồi dào và chất lượng cơ bản đảm bảo nên tỷ lệ số dân dùng nước máy thấp, lượng nước sử dụng ít. Chính vì vậy, nguồn thu của nhà máy không đủ để bù lại chi phí vận hành, duy tu, sửa chữa. Hiện trên địa bàn huyện Nho Quan có đến hàng chục trạm cấp nước sạch bị hư hỏng, bỏ hoang tại các xã: Lạng Phong, Quảng Lạc, Yên Quang, Phú Long, Quỳnh Lưu, Văn Phong, Cúc Phương, Kỳ Phú, Đức Long, Thạch Bình...
 
 
Theo thống kê từ Sở NN&PTNT, trên địa bàn các xã nông thôn của tỉnh có tất cả 109 công trình cấp nước tập trung thì có 37 công trình đã dừng hoạt động, hòa mạng với các công trình phụ cận. Trong đó, ngoài 14 công trình được đầu tư xây dựng chủ yếu từ nguồn vốn UNICEF trong giai đoạn 1992-2000 có quy mô nhỏ, cấp nước cho nhóm hộ gia đình, không hoạt động từ lâu thì có không ít những công trình quy mô toàn xã, công suất thiết kế hàng nghìn m3/ngày đêm, với số vốn đầu tư cả chục tỷ đồng. Điều này không chỉ lãng phí mà còn gây ra những bức xúc trong xã hội.
 
 
Tại Đồng Nai, năm 2021, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung (nước máy) của tỉnh đạt khoảng 13%, từ hệ thống cấp nước sạch nông thôn khoảng 10% (thấp hơn so với Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2021-2025: Tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung 30%); còn lại, người dân dùng nước giếng đào, giếng khoan (giếng dân tự khoan, công trình cấp nước sạch nông thôn) không ổn định về nguồn nước, chất lượng. Hiện toàn tỉnh có 83 công trình cấp nước tập trung nông thôn, trong đó có 71 công trình còn hoạt động, 12 công trình ngưng hoạt động.
 
 
Nhiều năm qua, nước sạch sinh hoạt là vấn đề nan giải của huyện Cẩm Mỹ. Hiện 81% hộ dân trên địa bàn huyện sử dụng nước sạch nhưng chưa có nước sạch đô thị, tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước sạch nông thôn được đầu tư theo Chương trình 135 (Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi) trước đây chỉ khoảng 12%. Còn lại người dân dùng nước giếng khoan, giếng đào.
 
 
Tương tự, tại huyện Trảng Bom, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước đô thị đạt khoảng 28%. Nhiều khu vực hiện người dân thiếu cả nước cấp lẫn nước ngầm để khai thác. Các công trình cấp nước nông thôn trên địa bàn huyện đã hư hỏng, xuống cấp hoặc hết nước. Một số dự án đang triển khai nhưng chậm tiến độ.
 
 
Để khắc phục tình trạng trên, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1978 phê duyệt Chiến lược quốc gia cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
 
 
Theo đó, phấn đấu đến năm 2030 có 65% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch đạt chất lượng theo quy chuẩn với số lượng tối thiểu 60 lít/người/ngày. 100% hộ gia đình nông thôn, trường học, trạm y tế có nhà tiêu hợp vệ sinh đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn; 100% người dân nông thôn thường xuyên thực hiện vệ sinh cá nhân; 25% điểm dân cư nông thôn tập trung có hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt, 15% nước thải sinh hoạt được xử lý; 75% hộ chăn nuôi, trang trại được xử lý chất thải chăn nuôi.
 
 
Đến năm 2045, phấn đấu 100% người dân nông thôn được sử dụng nước sạch và vệ sinh an toàn, bền vững; 50% điểm dân cư nông thôn tập trung có hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt, 30% nước thải sinh hoạt được xử lý; 100% hộ chăn nuôi, trang trại được xử lý chất thải chăn nuôi.
 
 
Để đạt được mục tiêu trên, Chiến lược đưa ra các giải pháp cụ thể. Về cấp nước sạch nông thôn, Chiến lược thực hiện đầu tư xây dựng công trình cấp nước sạch tập trung gắn với khai thác, quản lý vận hành theo quy hoạch được duyệt, đảm bảo an ninh nguồn nước, thích ứng biến đổi khí hậu; đầu tư xây dựng công trình cấp nước sạch tập trung quy mô lớn, đồng bộ, liên xã, liên huyện, kết nối với hệ thống cấp nước đô thị ở những nơi phù hợp để đảm bảo công trình hoạt động hiệu quả, bền vững; ưu tiên sử dụng nguồn nước từ hệ thống công trình thủy lợi, hồ chứa, đập dâng cho cấp nước sinh hoạt.
 
 
Nhân rộng áp dụng mô hình thu, xử lý và trữ nước an toàn hộ gia đình; thí điểm áp dụng kiốt, cây ATM cung cấp nước uống trực tiếp cho cụm dân cư, trường học trong trường hợp khẩn cấp do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh.
 
 
Đối với vệ sinh nông thôn, ứng dụng và phổ biến các giải pháp công nghệ xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh đơn giản, phù hợp tập quán địa phương và khả năng chi trả của người dân; hỗ trợ kỹ thuật xây dựng, quản lý sử dụng công trình vệ sinh hộ gia đình, vệ sinh công cộng đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn; tiếp cận đồng bộ dịch vụ vệ sinh an toàn gắn với truyền thông thay đổi hành vi và phát triển thị trường.
 
 
Đồng thời, thí điểm áp dụng các mô hình công nghệ thu gom và xử lý nước thải chi phí thấp, hạn chế hóa chất, sử dụng năng lượng tái tạo, ít phát sinh chất thải thứ cấp phù hợp với đặc điểm và quy mô khu dân cư nông thôn tập trung.
 
 
Quản lý chất thải chăn nuôi đảm bảo đúng yêu cầu quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, đảm bảo mùi, khí thải, nước thải, chất thải rắn phát sinh từ cơ sở chăn nuôi không làm ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, không gây ô nhiễm môi trường. Hộ chăn nuôi, chủ trang trại chăn nuôi chịu trách nhiệm xử lý chất thải chăn nuôi đảm bảo đúng quy định.
 
 
Thực hiện chính sách tín dụng hỗ trợ người dân xây dựng chuồng trại hợp vệ sinh và xử lý chất thải chăn nuôi…
Thành Trung
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn