(MTNT)- Hiện nay, tình trạng ô nhiễm môi trường ở một số làng nghề lương thực, thực phẩm ngày càng trở nên phức tạp. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt cộng đồng mà còn là nguy cơ gây mất vệ sinh an toàn của chính sản phẩm làm ra.
|
Quy trình sản xuất ở làng nghề chủ yếu là thủ công |
Làng nghề sản xuất bún, bánh và dịch vụ xóm Chùa, xã Phú Nham, huyện Phù Ninh (Phú Thọ) có 70 hộ làm nghề, trong đó có 24 hộ làm bún, bánh. Số hộ tham gia sản xuất không nhiều nhưng do quy trình sản xuất còn lạc hậu, nước thải với hàm lượng tinh bột lớn không được xử lý triệt để khiến môi trường xung quanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Một số ít hộ tự xử lý bằng cách xây hầm biogas, xây bể lắng còn đa phần thải trực tiếp ra kênh mương nên tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ ô nhiễm do nước thải, chất thải từ làm nghề thải ra.
Tại làng nghề nấu rượu Phú Lộc (Hải Dương), toàn bộ nước thải của gần 200 hộ làm nghề nấu rượu, bánh đa và chất thải chăn nuôi được xả thẳng xuống ao, rồi đổ ra kênh thủy nông chảy ngang qua thôn mà không qua bất cứ công đoạn xử lý nào. Còn ở làng nghề làm bánh đa Tống Buồng (Hải Dương), từ nhiều năm nay, toàn bộ nước thải sau khi sản xuất bánh đa không qua xử lý được thải trực tiếp ra hệ thống thoát nước chung của làng. Qua phân tích môi trường nước mặt của Trung tâm Quan trắc và Phân tích môi trường tỉnh Hải Dương cho thấy hàm lượng COD vượt từ 12-15 lần, TSS vượt từ 2-3 lần, Coliform vượt từ 11-19 lần, Amoni vượt từ 12-16 lần, Photphat vượt từ 26-31 lần tiêu chuẩn cho phép.
Ở làng nghề bún, bánh Huỳnh Dương ở xã Diễn Quảng, huyện Diễn Châu (Nghệ An), bình quân mỗi ngày có trên dưới 10 tấn bún được sản xuất và tiêu thụ trên thị trường. Với hơn 100 hộ làm nghề, mỗi ngày có hàng trăm lít nước ngâm tinh bột chưa qua xử lý được xả thẳng ra các con mương và bốc mùi hôi thối.
Tại làng nghề chế biến hải sản Ngọc Văn, xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu, cơ sở hạ tầng không được đầu tư nâng cấp thường xuyên đã dẫn đến thực trạng ô nhiễm môi trường đáng báo động. Làng có trên 100 cơ sở sản xuất nhỏ lẻ phát triển theo hướng làng nghề tự phát, sản xuất kinh doanh quy mô hộ gia đình. Quy trình sản xuất chủ yếu là thủ công, nguồn nước thải không qua xử lý mà xả thẳng ra môi trường khiến bốc mùi hôi thối trên diện rộng.
Căn nguyên chính dẫn đến thực trạng trên là do hầu hết quy hoạch của các làng nghề vẫn mang tính nhỏ lẻ, tự phát trong khu dân cư, dẫn đến công nghệ lạc hậu, thủ công, thiếu đồng bộ. Trong khi đó, để đầu tư một hệ thống chuyên xử lý nước thải làng nghề rất khó vì các hộ sản xuất không tập trung, địa phương cũng chưa có kinh phí để làm.
Để các làng nghề chế biến thực phẩm, hải sản phát triển bền vững, các địa phương cần sớm quy hoạch các khu, cụm công nghiệp làng nghề để đảm bảo hạ tầng thoát nước xử lý môi trường. Ngoài ra, các hộ thuộc làng nghề cũng cần tham gia vào mô hình làng nghề tập trung theo quy hoạch. Có như vậy, “bài toán” môi trường sống mới được giải quyết.