Ô nhiễm môi trường do hoạt động khai thác khoáng sản
13:25 - 25/12/2017
(Cổng ĐT HND)- Khi tiến hành khai thác khoáng sản, các điểm mỏ đều cam kết thực hiện nghiêm các quy định bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, với tình trạng xả thải trực tiếp ra môi trường như hiện nay và thậm chí những điểm mỏ dừng hoạt động khai thác nhưng không cải tạo, phục hồi môi trường thì người gánh hậu quả cuối cùng vẫn là người dân sống xung quanh.
Cần có chế tài mạnh trong khai thác chế biến, vận chuyển khoáng sản


Dòng suối Sảo bắt nguồn từ xã Ngọc Minh, huyện Vị Xuyên (Hà Giang) trước đây vốn trong xanh, là nguồn cung cấp nước sinh hoạt, sản xuất cho hàng nghìn hộ dân các xã Ngọc Minh, Bạch Ngọc (huyện Vị Xuyên) và Kim Ngọc (huyện Bắc Quang). Nhưng từ khi các điểm mỏ tại xã Ngọc Minh đi vào khai thác, dòng suối đã bị ô nhiễm, ngầu đục khi hứng chịu lượng lớn bùn thải từ các điểm mỏ.
 
 
Hiện nay, trên địa bàn xã Ngọc Minh có bảy điểm mỏ, trên thực tế có ba điểm mỏ đang hoạt động và một điểm mỏ đang thực hiện đóng cửa. Khi tiến hành khai thác, các điểm mỏ đều cam kết thực hiện nghiêm các quy định bảo vệ môi trường. Tuy nhiên hầu hết các điểm mỏ ở Ngọc Minh đều xảy ra tình trạng nước thải “bẩn” chảy trực tiếp ra môi trường. Như tại điểm mỏ thôn Bản Sám, xã Ngọc Minh của Công ty TNHH Tường Phong vẫn xảy ra tình trạng đất, đá tràn ra môi trường; còn điểm mỏ Man-gan của Công ty cổ phần Thiên Hàm, thôn Tân Bình, xã Ngọc Minh, các ao lắng, lọc chứa bùn thải gần như đã đầy, một khối lượng lớn bùn được đổ tràn ra mép dòng suối Sảo.
 
 
Trên địa bàn xã Minh Sơn, huyện Bắc Mê (Hà Giang) hoạt động khai thác khoáng sản đã và đang tác động xấu đến môi trường sống của cộng đồng địa phương, như: Ảnh hưởng của tiếng ồn, ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí, mất rừng, làm phá vỡ cảnh quan thiên nhiên và làm mất đi tính đa dạng sinh học. Hơn thế nữa, việc xử lý không triệt để chất thải rắn, nước thải; việc chuyên chở quặng, khoáng sản của các doanh nghiệp từ nơi khai thác đến nơi sơ chế, từ nơi sơ chế về khu công nghiệp đã và đang làm cho những cánh đồng, con suối, môi trường và cộng đồng dân cư trong khu vực đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Các chất thải của quá trình khai thác quặng của công ty An Thông tại mỏ sắt Sàng Thần như bụi, khí thải, nước thải, chất thải rắn phát sinh trong quá trình khai thác và chế biến còn làm ảnh hưởng tới hệ động, thực vật trong khu vực.
 
 
Yên Bái là tỉnh miền núi vùng Tây Bắc, có trữ lượng khoáng sản lớn, trong đó, tại huyện Yên Bình và Lục Yên đá vôi trắng chiếm hàng triệu m3, đang được thăm dò, khai thác để xuất khẩu và làm phụ gia cho các ngành công nghiệp.
 
 
Đáng lưu ý, việc ồ ạt khai thác, vận chuyển đá vôi trắng dạng block (đá khối) ở đây khiến các đường liên xã, tỉnh lộ 170 xuống cấp nghiêm trọng; gây ô nhiễm môi trường do bụi, tiếng ồn, nhất là bãi thải đổ chưa đúng cho nên khi trời mưa, bùn thải tràn xuống đồng, làm một số diện tích trồng lúa bị nghẽn đòng, mất trắng.
 
 
Tại Nghệ An, có trên 140 mỏ khoáng sản đã hết hạn khai thác hoặc ngừng hoạt động, cần phải thực hiện các thủ tục đóng cửa, cải tạo phục hồi môi trường theo quy định. Thế nhưng, hầu hết các chủ mỏ sau khi dừng hoạt động đều "quên" nghĩa vụ phục hồi môi trường.
 
 
Điển hình như huyện Quỳ Hợp, vào những giai đoạn cao điểm có tới hàng trăm điểm khai thác đá, quặng. Tuy nhiên, hiện nay, do chi phí sản xuất cao, đầu ra gặp khó khăn nên hàng loạt doanh nghiệp đóng cửa mỏ, ngừng hoạt động nhưng không phục hồi môi trường. Hệ quả, tại các xã Châu Quang, Châu Lộc, Châu Thành, Châu Hồng..., đồi núi bị cày xới tan hoang, nham nhở. Báo động nhất là một số mỏ khai thác đá hết hạn, ngừng hoạt động dẫn đến tình trạng các ngọn núi bị đục khoét gần hết phần chân, các khối đá lớn có nguy cơ đổ sập xuống phía dưới đe dọa sự an toàn của người dân.
 
 
Ở huyện Diễn Châu có 8 mỏ khoáng sản thì 6 mỏ đã hết phép. Sau khi ngừng hoạt động, hầu hết các doanh nghiệp đã không thực hiện công tác phục hồi môi trường. Điển hình là các mỏ đất ở xã Diễn Đoài, sau khi doanh nghiệp rút đi để lại cả "bãi chiến trường" nham nhở với hàng loạt hố sâu, gây nguy hiểm cho người và gia súc sống quanh khu vực.
 
 
Tại một số địa phương khác của tỉnh Nghệ An như các huyện Tương Dương, Hưng Nguyên, Nam Đàn, Nghi Lộc, Nghĩa Đàn, tình trạng doanh nghiệp "quên" hoàn thổ, phục hồi môi trường cũng diễn ra khá phổ biến.
 
 
Tỉnh Đồng Nai có số lượng mỏ khoáng sản nhiều nhất khu vực Đông Nam bộ. Trong suốt nhiều năm qua, việc khai thác đá luôn là vấn đề nóng bỏng ở Đồng Nai, gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường trầm trọng.
 
 
Trên cơ sở quy hoạch được phê duyệt, UBND tỉnh Đồng Nai và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cấp phép cho 39 doanh nghiệp hoạt động khai thác khoáng sản, với 52 mỏ, tập trung chủ yếu tại 3 khu vực: các xã Thiện Tân, Tân An (huyện Vĩnh Cửu); xã Phước Tân, Tam Phước (TP Biên Hòa); xã Gia Kiệm, Quang Trung (huyện Thống Nhất).
 
 
Tại xã Châu Pha, huyện Tân Thành (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), nơi có diện tích hơn 32km2 với hơn chục mỏ đá được cấp phép khai thác từ hàng chục năm nay. Hai bên lề đường, đá sỏi vung vãi trải dọc mép đường, còn bụi thì bay mù mịt khiến ai cũng nheo mắt mỗi lần những chiếc xe tải chở đầy đá chạy ầm ầm trên đường. Nhà cửa của người dân và cây cối hai bên đường cũng bạc trắng. Người dân sống ở quanh các mỏ đá hàng ngày vẫn chịu trận khi hít thở khói bụi ô nhiễm, tai nạn giao thông rình rập. Tình trạng khai thác đá để lại những hồ sâu tử thần hàng chục mét, những hồ nước mỗi năm có hàng chục người chết đuối…
 
 
Để giải quyết triệt để, không để dây dưa kéo dài đối với các hoạt động gây ô nhiễm trong khai thác chế biến, vận chuyển khoáng sản cần phải có chế tài mạnh. Cùng với đó tăng cường đội ngũ cán bộ hoạt động trong lĩnh vực tài nguyên khoáng sản cho UBND cấp huyện, cấp xã ở địa bàn tập trung hoạt động khai thác khoáng sản. Ưu tiên, lựa chọn, kêu gọi các doanh nghiệp có năng lực về tài chính, công nghệ và kinh nghiệm đầu tư vào lĩnh vực khai thác, chế biến, tránh tình trạng để cho các đơn vị yếu về năng lực tài chính, công nghệ tham gia khai thác vừa làm thất thoát nguồn tài nguyên, lại gây ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng.

Quốc Cường
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn