Nuôi tôm thâm canh giúp bảo vệ môi trường
15:31 - 27/10/2017
(MTNT) - Những năm gần đây, mô hình nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh, nuôi tôm 2 giai đoạn, nuôi tôm trong nhà lưới, nhà kính, nuôi tôm trải bạt… đang phát triển mạnh ở nhiều tỉnh, thành.
Nhờ ưu điểm vượt trội, hiện mô hình nuôi tôm thâm canh đang được triển khai tại nhiều địa phương trong cả nước

Ưu điểm của mô hình này là kiểm soát được thời tiết, không còn lệ thuộc vào thiên tai bất lợi; kiểm soát được mần bệnh, nguồn nước, làm chủ khoa học kỹ thuật… So với cách sản xuất truyền thống, việc ứng dụng mô hình này vào sản xuất, tuy chi phí đầu tư khá lớn, nhưng hiệu quả kinh tế mang lại không nhỏ, nhất là lợi nhuận. Điều mà nhà nông vui mừng hơn là việc ứng dụng các mô hình này vào sản xuất cho tỷ lệ thành công cao, ít rủi ro.


Ông Lương Ngọc Lân, Giám đốc, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu, cho biết, tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ cho quy hoạch, thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm. Đây là khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đầu tiên cả nước chuyên về lĩnh vực con tôm và cũng là tiền đề, bước ngoặt quan trọng để Bạc Liêu hướng đến trở thành “ thủ phủ” tôm của cả nước.


Với mục tiêu trên, việc nhiều nhà nông, doanh nghiệp tỉnh này ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào nuôi tôm theo mô hình thâm canh, siêu thâm canh là hướng phát triển đúng với chủ trương của tỉnh và đang được địa phương tiếp tục cho nhân rộng đối với những hộ, doanh nghiệp, khu vực đủ điều kiện về cơ sở hạ tầng cũng như kinh tế..


Bạc Liêu hiện có diện tích nuôi trồng thủy sản khoảng 120.000 ha, đến nay đã thả nuôi đạt 100% diện tích; trong đó, diện tích nuôi tôm theo mô hình thâm canh, bán thâm canh, siêu thâm canh… khoảng 7.500 ha.


Trong đó, mô hình nuôi tôm thẻ siêu thâm canh của một số hộ nuôi tại địa phương cho doanh thu 2,7 tỷ đồng/ha/vụ, lợi nhuận đạt 600 triệu đồng; mô hình nuôi tôm sú thâm canh, bán thâm canh, có doanh thu 710 triệu đồng/ha/vụ, lợi nhuận hơn 330 triệu đồng; mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh, tổng doanh thu hơn 900 triệu đồng/ha, lợi nhuận khoảng 400 triệu đồng.


Diện tích nuôi tôm trên địa bàn tỉnh Cà Mau hiện ổn định khoảng 278.000 ha; trong đó phải kể đến sự phát triển khá nhanh của mô hình nuôi tôm siêu thâm canh gần 400 ha, năng suất bình quân trên 22 tấn/vụ/ha, cá biệt có hộ 30 tấn/vụ/ha.


Năm 2017, tỉnh đặt mục tiêu đạt khoảng 500 ha nuôi tôm siêu thâm canh, sản lượng khoảng 10.000 tấn. Mục tiêu đặt ra là đến năm 2020, sản lượng đạt mốc 22.000 tấn. Năm 2030, tổng diện tích nuôi lên đến 2.000 ha, năng suất 25 tấn/ha, sản lượng đạt 50.000 tấn trong tổng số 415.000 tấn tôm.


Hiện toàn tỉnh có 49 hợp tác xã thuỷ sản, từ đầu năm đến nay, có 8 doanh nghiệp ký kết 27 lượt hợp đồng liên kết với 8 hợp tác xã và 1 tổ hợp tác.


Theo ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau, mục tiêu phát triển đã trở nên khả quan, bởi hiện nay tỉnh đã có 2 quy trình nuôi được áp dụng bởi hai công ty là Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Trúc Anh (đã được chứng nhận) và Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam.


Bên cạnh đó, trong quá trình nuôi, người dân có nhiều cải tiến 2 quy trình trên cho phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Hiện tại, 2 quy trình nuôi này được đánh giá khá phù hợp và mang lại nhiều ưu điểm với tỷ lệ thành công trên 80%.


Nổi bật nhất hiện nay phải kể đến mô hình nuôi theo quy trình Biofloc mà hợp tác xã nuôi tôm năng suất cao Tân Hưng (huyện Cái Nước) triển khai thành công. Quy trình này được xem là ưu việt, bởi nuôi được nhiều vụ trong năm, kiểm soát được dịch bệnh và đặc biệt là hạn chế ô nhiễm môi trường; khắc phục được tình trạng tôm thẻ chân trắng thường xuyên đào bới đáy ao, dẫn đến sau một thời gian thả nuôi nguồn nước trong ao đầm bị đục, làm cho môi trường bị biến động, tiềm ẩn xảy ra rủi ro thiệt hại.


Xã viên hợp tác xã đã mạnh dạn đầu tư hàng chục triệu đồng mua tấm bạt chuyên dùng về trải cho ao đầm nuôi tôm công nghiệp. Anh Huỳnh Diện, Chủ nhiệm hợp tác xã nảy ra ý tưởng dùng lưới mành thay thế cho bạt chuyên dùng và sáng kiến này được anh Nguyễn Văn Dương, xã viên, áp dụng thí điểm.


Với diện tích ao nuôi tôm thẻ chân trắng 1.600m2, tiền trải lưới mành tính ra giảm khoảng 1/3 chi phí so với sử dụng bạt chuyên dùng. Không dừng lại đó, anh Dương còn áp dụng hình thức thả tôm nuôi theo 2 giai đoạn. Giai đoạn đầu, anh thả nuôi trong diện tích 200m2, sau gần 1 tháng thì chuyển tôm nuôi xuống ao trải lưới mành, mật độ thả nuôi lên đến 150 con/m2, cao hơn gấp 3 lần so với ao đất.


Kết quả, sau gần 3 tháng chăm sóc, tỷ lệ tôm nuôi đạt đầu con khá cao, trọng lượng trung bình 40 con/kg và cho thu hoạch được hơn 4 tấn, trừ chi phí có lãi trên 200 triệu đồng.

 
Có thể nói, mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn ứng dụng công nghệ cao vào quy trình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, bảo vệ môi trường, như: Quản lý tốt môi trường nước, môi trường ao nuôi; đồng thời lắp đặt hệ thống hầm piogas để tận dụng các chất thải, võ tôm lột, thức ăn dư thừa trong quá trình nuôi để tái tạo thành khí gas sử dụng cho việc sinh hoạt của gia đình, góp phần hạn chế chất thải ra môi trường, bảo vệ vùng nuôi trách được nhiều loại dịch bệnh cho con tôm. Chính vì thế, mô hình đang được xem xét nhân rộng tại nhiều địa phương.
 
Thúy An
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn