Hiểm họa do lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật
09:47 - 12/09/2017
(MTNT) - Thời gian qua, do thiếu thông tin và do chủng loại thuốc bảo vệ thực vật  còn nghèo nàn nên người nông dân đã sử dụng nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật có độc tính cao, tồn lưu lâu trong môi trường, thuốc trừ sâu, gây nên nhiều hệ quả môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng tới hệ sinh thái và con người.

 

Hiện nay nhiều người không được hướng dẫn mà tự sử dụng thuốc theo thói quen và nhu cầu diệt sâu hại


Theo thống kê của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho thấy, tỉ lệ nông dân sử dụng đúng nồng độ, liều lượng thuốc bảo vệ thực vật  trung bình chỉ vào khoảng 22-30%. Hơn thế, nhiều nông dân tăng liều lượng gấp 3-5 lần cho phép. Ngoài gây lãng phí hàng nghìn tỉ đồng còn đeo gánh nặng cho môi trường, tăng tồn dư hóa chất trong nông sản.


Hiện có các giải pháp được kì vọng giảm thiểu tình trạng này. Thông thường, người nông dân sau khi có thông báo của cơ quan khuyến nông về tình hình sâu bệnh và khuyến cáo về tên thuốc trừ sâu, liều lượng sẽ ra cửa hàng để mua thuốc trừ sâu.


Đa số đều chỉ cần nói diện tích và tên bệnh, sâu, người bán sẽ tự lấy thuốc và hướng dẫn cách pha. Nhiều khi dịch bệnh nặng, người nông dân tự quyết định phun 2 lần, cách nhau từ 3-5 ngày theo cách truyền thống.


Các nhà khoa học nông nghiệp cho biết, tâm lý trên là phổ biến trong nông dân. Nghiên cứu tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) do TS. Phạm Văn Toàn - Trưởng bộ môn Kỹ thuật môi trường, Đại học Cần Thơ - thực hiện cho thấy, hơn 85% số hộ được hỏi dùng thuốc để khống chế sâu bệnh, lý do chính là có hiệu quả tức thì. Người dân thường dùng liều cao hơn chỉ dẫn trên nhãn thuốc.


Những ai chưa thấy hiệu quả, họ sẽ tự động tăng liều ở lần phun sau. Lại có người được các hiệu thuốc thực vật hướng dẫn pha chế theo kinh nghiệm 2 - 3 loại thuốc với nhau, dù nhà sản xuất chỉ định dùng riêng từng loại. Đáng ra chỉ cần 1 loại đúng và đủ là được nên người dân mua 3 loại thuốc để phun vừa mất công, mất của lãng phí, lại gây hại vô cùng cho môi trường.


Trên mỗi vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật (trừ các loại thuốc không rõ nguồn gốc) đều hướng dẫn đầy đủ cách sử dụng và phòng tránh tác hại. Thế nhưng, chưa nói đến những lý do khách quan như vườn cây trái liền kề với nơi ở, nhiều nông dân chưa có ý thức tự bảo vệ trong quá trình sử dụng thuốc.


Người nông dân luôn đối mặt với các loại dịch hại, sâu bệnh phá hoại mùa màng nên họ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hầu như liên tục với mật độ và cường độ ngày càng tăng.


Rất nhiều người không được hướng dẫn mà tự sử dụng thuốc theo thói quen và nhu cầu diệt sâu hại; tự pha tăng nồng độ gấp rưỡi, hoặc gấp đôi để diệt tận gốc sâu hại mà không biết dư lượng thuốc còn lại sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống.


Hầu hết các loại thuốc bảo vệ thực vật  đều có tính độc cao và trong quá trình dùng, một lượng thuốc nào đó có thể đi vào trong thân cây, quả, hoặc dính bám chặt trên lá, quả. Người và động vật ăn phải các loại nông sản này có thể bị ngộ độc tức thời, hoặc nhiễm độc nhẹ, từ từ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.


Một số loại thuốc trừ sâu có khả năng bay hơi mạnh nên gây khó chịu, mệt mỏi, thậm chí choáng ngất cho người trực tiếp phun thuốc sâu trên đồng ruộng, nhất là trong trường hợp không có các biện pháp phòng tránh tốt. Một số loại thuốc trừ sâu có tính năng hóa học ổn định, khó phân hủy, nên sẽ tích luỹ trong môi trường.


Sau nhiều lần sử dụng, lượng tích lũy này có thể cao đến mức gây độc cho môi trường đất, nước, không khí và con người. Do thuốc tồn đọng lâu không phân hủy, nên có thể theo nước, gió và các loài sinh vật phát tán rộng rãi.


Thực tế cho thấy, quy trình phun thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng diễn ra quanh năm, tùy theo thời vụ, tăng trưởng của cây, trái. Trung bình mỗi loại cây phải phun thuốc từ tám đến 12 lần/ năm, chưa kể lúc sâu bệnh phát sinh. Mà lượng thuốc phun năm sau cao hơn năm trước.


Trước kia nhiều người trong thôn đi phun thuốc không đeo khẩu trang, không mang găng tay bảo hộ, cá biệt có người còn dùng tay trần để pha chế thuốc, nếm thuốc để kiểm tra nồng độ. Hậu quả nhãn tiền nhiều trường hợp mắc bệnh tâm thần; bại liệt. Có gia đình sinh con bị dị tật, chữa trị tốn kém.


Tiến sĩ Hồ Văn Chiến, Giám đốc Trung tâm bảo vệ thực vật phía Nam cho biết, hiện nay, nông dân trồng lúa cũng như cây ăn trái ở ĐBSCL vẫn sử dụng thuốc bừa bãi. Khi phun thuốc, đa số nông dân không trang bị phương tiện bảo hộ.


Thường là bà con phun thuốc để an tâm, diệt sâu bệnh chứ chưa nghĩ đến an toàn cho bản thân và môi trường. Đã có nhiều trường hợp bị ngộ độc tại chỗ khi phun thuốc bảo vệ thực vật , số bị bệnh do ảnh hưởng của dư lượng thuốc về lâu dài tất nhiên không thể tránh khỏi.


Trong thời gian qua, các phương tiện truyền thông đại chúng đã nhiều lần phản ánh về việc quá trình thực hiện phun thuốc trừ sâu có nguy cơ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và môi trường. Nhưng phần thì do việc vì mưu sinh của người dân, phần lại do nhận thức có hạn và thói quen tùy tiện của nhiều nông dân nên việc phun thuốc trừ sâu luôn tiềm ẩn những tác hại khôn lường.


Bên cạnh đó, vào thời điểm phun thuốc trừ sâu cho lúa là các địa phương cũng chỉ thông báo lịch phun, thuốc phun, ngày phun tập trung cho nông dân biết chứ ít có địa phương nào tuyền truyền hướng dẫn kỹ việc bảo vệ sức khỏe, bảo vệ môi trường tới người dân trước những kỳ xuất hiện dịch bệnh.


Chính vì vậy, kiểm soát tốt nguồn thuốc bảo vệ thực vật  cũng là vấn đề cần thiết và cấp bách. Hiện nay mỗi năm nước ta nhập khẩu gần 1.000 tấn thuốc bảo vệ thực vật, chưa kể một số lượng không nhỏ nhập lậu. Tại các vùng sản xuất nông nghiệp, số lượng thuốc bảo vệ thực vật không rõ xuất xứ, lưu hành trôi nổi khá phổ biến.


Một số nhà sản xuất không tuân thủ các quy định an toàn về thành phần, liều lượng hoặc sản xuất thuốc tăng độc tính, hạ giá thành sản phẩm để cạnh tranh. Ở nhiều vùng, chính quyền chưa thật sự quan tâm, người nông dân chưa được trang bị đầy đủ kiến thức để phòng, tránh những tác hại do sử dụng không đúng cách hoặc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật  trong sản xuất nông nghiệp.


Các cơ quan chức năng cần sớm có văn bản huớng dẫn về phương án xử lý các điểm ô nhiễm môi trường và tăng cường tuyên truyền, mở các lớp tập huấn cho cán bộ quản lý cơ sở, cán bộ kỹ thuật và người nông dân về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả.


Đồng thời, xây dựng và nhân rộng các mô hình thí điểm thu gom, tiêu hủy bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng trên phạm vi cả nước theo các vùng trọng điểm trồng lúa, rau, chè; cần có biện pháp quản lý, xử lý các điểm ô nhiễm này để có thể ngăn chặn nguy cơ đang ngày càng mở rộng đối với sức khỏe con người.


 

Bảo Tiến
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn