40% lượng chất thải chăn nuôi vẫn thải trực tiếp ra môi trường
17:11 - 25/09/2017
(MTNT)- Ô nhiễm môi trường trong ngành chăn nuôi đang ngày càng trầm trọng khi đa phần nông dân không có biện pháp để xử lý chất thải mà xả trực tiếp ra môi trường. Nguồn chất thải vượt quá khả năng chịu tải của tự nhiên đã gây ô nhiễm đất đai và nguồn nước đến mức báo động, gây sức ép tới môi trường, đe dọa tác động trực tiếp tới cuộc sống của người dân.
Việc khắc phục triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường chăn nuôi nhỏ vẫn đang là bài toán khó


Theo Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNN) cho biết, tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi còn cao do phương thức và tập quán chăn nuôi vẫn còn nhỏ lẻ, phân tán xả thải tự nhiên ra môi trường và nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trực tiếp, phạm vi, quy mô rộng lớn.
 
 
Hiện nay, trên cả nước tỷ lệ các các trang trại áp dụng các biện pháp kỹ thuật sử lý chất thải trong chăn nuôi chỉ chiếm 33%, có đến 47% các hộ dân không có bất kỳ biện pháp xử lý chất thải trong chăn nuôi.
 
 
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT về chăn nuôi, cả nước hiện có khoảng 12 triệu hộ gia đình có hoạt động chăn nuôi và 23.500 trang trại chăn nuôi tập trung. Trong đó, phổ biến ở nước ta là chăn nuôi lợn (khoảng 4 triệu hộ) và gia cầm (gần 8 triệu hộ), với tổng đàn khoảng 362 triệu con gia cầm, 29 triệu con lợn và 8 triệu con gia súc, mỗi năm khối lượng nguồn thải từ chăn nuôi ra môi trường là một con số khổng lồ - khoảng 84,5 triệu tấn chất thải rắn và 50 triệu mét khối chất thải lỏng trong đó chỉ có khoảng 60% được xử lý, khoảng 20% được sử dụng hiệu quả (làm khí sinh học, ủ phân, nuôi trùn, cho cá ăn,…), còn lại 40% lượng chất thải chăn nuôi vẫn được thải trực tiếp ra môi trường gây ô nhiễm.
 
 
Ông Tạ Văn Tường, Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội cho biết: Nhìn chung, các trang trại chăn nuôi trước khi lập dự án đều có quy hoạch khu xử lý chất thải, nhưng do thiếu kinh phí nên đầu tư chắp vá, không đáp ứng sự tăng trưởng về số lượng vật nuôi khiến hệ thống xử lý chất thải quá tải, một số cơ sở lén lút xả trực tiếp ra môi trường. Cũng đã có nhiều trường hợp bị phạt với số tiền không nhỏ khi các cơ quan chức năng phát hiện, xử lý, nhưng tình hình ít biến chuyển.
 
 
Theo ông Trần Văn Chiến, Chủ nhiệm Hợp tác xã chăn nuôi dịch vụ Cổ Đông (Sơn Tây, Hà Nội), chăn nuôi quy mô lớn phải có hệ thống xử lý nước thải hoàn chỉnh, nhưng do kinh phí đầu tư không nhỏ (khoảng 20 - 30 tỷ đồng) nên rất ít trang trại có khả năng làm được.
 
 
Tại Thừa Thiên – Huế, theo thống kê, tổng đàn trâu toàn tỉnh có 22.442 con, đàn bò có 33.588 con, đàn lợn có 205.649 con, đàn gia cầm có 2.793.320 con. Toàn tỉnh có 49 trang trại chăn nuôi (gồm có 01 trại bò; 35 trại lợn và 13 trại gia cầm), trong đó có 07 trang trại do Doanh nghiệp đầu tư theo quy mô công nghiệp.
 
 
Theo Báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, qua kiểm tra trên 30 cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, các cơ sở chăn nuôi này chưa quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường, cụ thể là các thủ tục hành chính về môi trường không đầy đủ và đa phần không đầu tư xây dựng các công trình xử lý nước thải, chất thải rắn. Đặc biệt, công trình xử lý chất thải không được đầu tư xây dựng trước khi đưa vào hoạt động. Tất cả các cơ sở được kiểm tra đều vi phạm qui định của pháp luật về bảo vệ môi trường; thiếu sự hướng dẫn, kiểm tra và đôn đốc của cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương, chưa xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng thẩm quyền, điều này dẫn đến vi phạm pháp luật về môi trường kéo dài, gây ô nhiễm môi trường/ ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
 
 
Bộ NN & PTNN cho biết, qua khảo sát thực tế ở Việt Nam, chăn nuôi quy mô trang trại và thâm canh, mặc dù có áp dụng biện pháp xử lý môi trường, nhưng vẫn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Việc quản lý môi trường chăn nuôi còn nhiều bất cập về quản lý, bế tắc về công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi quy mô trang trại, thiếu sự quan tâm thỏa đáng của các cấp chính quyền, thói quen lao động chưa gắn chặt với việc bảo vệ môi trường; phương thức và tập quán chăn nuôi vẫn còn nhỏ lẻ, phân tán xả thải tự nhiên ra môi trường và nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trực tiếp, phạm vi, quy mô rộng lớn.
 
 
Các chuyên gia chỉ ra một số bất cập: Các trang trại quy mô lớn không có khả năng xử lý toàn bộ chất thải do hạn chế về diện tích, công nghệ xử lý và chi phí đầu tư cho xử lý cao; nhu cầu với phân bón hữu cơ còn thấp do sự tiện lợi của việc sử dụng phân bón vô cơ; các yếu tố khác như giá thành cao trong xử lý, thu gom, bảo quản và vận chuyển…
 
 
Có thể nói, chăn nuôi nhỏ vẫn là sinh kế của hàng triệu hộ nông dân, việc khắc phục triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường vẫn đang là bài toán khó. Cục trưởng Cục Chăn nuôi Hoàng Thanh Vân cho rằng, đối với các cơ sở chăn nuôi lớn, địa phương cần rà soát lại quy hoạch phát triển phù hợp với điều kiện sinh thái, số lượng, chủng loại để không gây quá tải.
 
 
Đặc biệt, những trang trại xây mới phải nằm trong quy hoạch và xa khu dân cư, phải có hồ sơ thiết kế, đánh giá tác động môi trường trước khi xây dựng. Khi vận hành, nếu không bảo đảm về môi trường, các ngành chức năng phải thẩm định lại dự án. Việc quy hoạch chăn nuôi và rà soát lại quy hoạch cần thực hiện theo định kỳ, thường xuyên. Bên cạnh đó, tăng cường ngân sách cho hoạt động điều tra, khảo sát về môi trường chăn nuôi, hỗ trợ một phần kinh phí khi xây dựng hệ thống xử lý chất thải cho các cơ sở; tuyên truyền cho người dân về tầm quan trọng của bảo vệ và xử lý môi trường trong chăn nuôi; yêu cầu 100% trang trại và hộ chăn nuôi ký cam kết bảo vệ môi trường là những giải pháp quan trọng.
 
 
Cũng cần có chính sách hỗ trợ nông hộ xử lý chất thải chăn nuôi quy mô nhỏ hiệu quả hơn như sử dụng biện pháp khí sinh học, kết hợp các công nghệ xử lý chất thải nhằm tạo điều kiện cho các nông hộ vừa tiếp tục chăn nuôi trong khu dân cư, bảo đảm các chỉ tiêu môi trường ở mức độ chấp nhận được.

Minh Hải
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn