|
Năm 2016, các cấp, các ngành trong tỉnh đã giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, đặc biệt là các sự cố môi trường nghiêm trọng |
Tính đến hết năm 2016, trên địa bàn tỉnh có 45 khu vực tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật, 6 làng nghề, 7 bãi chứa rác thải sinh hoạt, 4 cơ sở sản xuất nằm trong danh sách các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn nhiều điểm tồn dư hóa chất thuốc bảo vệ thực vật, gây ra tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng.
Mặc dù được đầu tư, nâng cấp nhưng một bãi rác thải tại TP Sầm Sơn ngày càng phình to không thể kiểm soát. Được quy hoạch từ những năm 1997, bãi tập kết rác của TP Sầm Sơn với hơn 2ha, cùng với sự phát triển của thành phố, bãi rác càng ngày càng trở nên quá tải. Mặc dù được đầu tư gần 30 tỷ đồng nhưng tình trạng ô nhiễm vẫn ngày càng nghiêm trọng. Rác tại đây chủ yếu là rác từ hải sản tại các khách sạn, nhà hàng nên rất nặng mùi. Mùi hôi, thối từ bãi rác nồng nặc, nước bị ô nhiễm, bà con sống xung quanh dễ mắc các bệnh về hô hấp, da liễu.
Hiện 5 thôn thuộc xã Hưng Lộc, huyện Hậu Lộc chỉ có một nơi tập kết rác tạm thời tại khu đất ven biển thuộc thôn Kiến Long, tuy nhiên trong thời gian gần đây, do không chịu nổi mùi hôi của các loại rác thải nên những hộ gia đình sống quanh khu vực đã lên tiếng ngăn cản, không cho đổ rác nữa. Hàng ngàn hộ dân phải dùng bao thu gom rác rồi mang ra đặt trước nhà chờ người gom rác mang đi đổ. Rác không được thu gom vì không có chỗ đổ nên có những người phải mang rác ném xuống sông. Đây cũng chính là nỗi khổ tâm của những người làm công việc thu gom rác bởi nếu không đi thu thì dân khiếu nại, còn thu về rồi cũng chẳng biết đổ ở đâu.
Không những thế, còn có tình trạng nhiều loại phương tiện vận chuyển chất thải sinh hoạt, chất thải nguy hại, phế thải khó phân hủy đến đổ trái phép tại thôn Kiến Long, xã Hưng Lộc. Các loại chất thải được đổ chất đống trên diện tích rộng, rồi đốt tại chỗ, khói bụi của các tạp chất, tạp khí bốc mịt mù, phát tán trên diện rộng khiến cho đời sống người dân ở các trục đường, thôn xóm lân cận bị đảo lộn, ăn ở miễn cưỡng trong bầu không khí ngột ngạt, người dân luôn cảm thấy bất an vì nguy cơ bệnh tật.
Mấy năm qua, hàng chục người dân sinh sống xung quanh bãi rác thải tại xã Xuân Cẩm, huyện Thường Xuân đang phải từng ngày "gồng mình" chống chọi với cảnh ô nhiễm môi trường trầm trọng. Rác thải khi đổ không chảy xuống được lòng hồ chứa rác mà chỉ nằm trên taluy của hố chứa rác. Không chỉ thế, rác thải còn tràn làn ra ngoài gây lấn chiếm gần hết mặt đường giao thông. Chiều cao của bãi rác thải đã đổ cao hơn mặt đường gần 2 mét và trải hết chiều dài của taluy hồ chứa rác.
Theo như phản ánh của người dân, từ khi bãi rác thải được tập kết trên đỉnh đồi đã khiến cho cuộc sống của người dân bị đảo lộn, gây ảnh hưởng trầm trọng tới sức khỏe, không chỉ vậy nước thải từ bãi rác đen xì chảy lênh láng làm ngấm xuống lòng đất gây ô nhiễm nguồn nước.
Khu du lịch Hải Tiến thuộc huyện Hoằng Hóa đi vào hoạt động từ năm 2012 thế nhưng đến nay vẫn chưa xây dựng được nơi xử lý nước thải. Từ đầu năm 2017 đến nay, lượng lớn nước thải chảy trực tiếp từ các hệ thống nhà hàng, khách sạn khu du lịch Hải Tiến ra khu vực hồ nước sâu xuống khu đất trũng thuộc địa phận thôn Trung Hải, Trung Hải xã Hoằng Thanh gây bốc mùi hôi thối. Một số gia đình có trẻ nhỏ và người già phải sơ tán vì không chịu được mùi hôi thối bốc lên cả ngày lẫn đêm, khiến người dân vô cùng bức xúc.
Nằm sát bên đường QL217, hàng chục cơ sở, công ty, doanh nghiệp chế tác đá mỹ nghệ trải dài trên địa bàn 2 xã Vĩnh Minh và Vĩnh Thịnh (huyện Vĩnh Lộc) hoạt động suốt ngày đêm khiến môi trường nơi đây bị ô nhiễm nghiêm trọng. Mỗi ngày, hàng chục cơ sở chế biến đá mỹ nghệ tại đây thải ra môi trường hàng trăm mét khối nước thải, bột đá kèm theo khói bụi. Điều đáng nói là hơn đó là hầu hết các cơ sở tại đây đều không đảm bảo an toàn lao động, vệ sinh môi trường và nước thải trước khi thải ra môi trường cũng không được xử lý đúng quy định. Không chỉ thế, nhiều cơ sở chế biến đá còn vô tư xả nước thải xay đá ra đường mương nước, đổ chất thải (bột đá) tràn lan hai bên đường QL 217 gây mất mỹ quan đô thị, ô nhiễm môi trường.
Để tận dụng phế liệu như nhựa bao bì, ni lông, các cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa thường thu gom rác ở các xã, huyện về tái chế lại thành nguyên liệu thô rồi đem đi tiêu thụ. Hoạt động này đem lại việc làm cho hàng trăm lao động và nguồn thu đáng kể cho cá nhân, doanh nghiệp nhưng lại gây ô nhiễm môi trường sống, đất, nước, không khí ở nơi đặt các cơ sở tái chế. Điển hình tại các cơ sở tái chế nhựa, bao bì do ông Lê Thúc Lan làm chủ ở thôn Thái Yên xã Thái Hòa, huyện Triệu Sơn và cơ sở sản xuất nhựa do ông Nguyễn Đình Bình - thôn 7 xã Hoằng Ngọc, huyện Hoằng Hóa làm chủ, bầu không khí, nước bị ô nhiễm nặng nề, hàng trăm tấn ni lông, nhựa nằm ngổn ngang. Mùi khét, mùi xú uế bốc lên, khói từ cơ sở tái chế thải ra, tiếng máy nghiền nhựa kêu inh tai, nhức óc.
Hàng trăm hộ dân thuộc 3 phường Đông Sơn, Lam Sơn và xã Hà Lan nằm quanh khu vực nhà máy xi măng Long Sơn (TX Bỉm Sơn) liên tục phản ánh về tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng xuất phát từ nhà máy xi măng như khói, bụi, tiếng ồn… ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống của người dân nơi đây. Theo những người dân này, khi mới đi vào hoạt động nhà máy chỉ có một dây chuyền nhưng khói bụi khí độc thải ra kèm theo tiếng ồn của máy móc, xe cơ giới, tiếng mìn nổ khiến cho đời sống của người dân đảo lộn hoàn toàn, các bệnh về hô hấp, ung thư đang có chiều hướng tăng cao.
Năm 2016, các cấp, các ngành trong tỉnh đã giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, đặc biệt là các sự cố môi trường nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh như các sự việc cá chết hàng loạt trên sông Bưởi, huyện Thạch Thành; vùng cửa sông Lạch Bạng, huyện Tĩnh Gia; cá nuôi lồng chết tại khu vực ven biển xã Nghi Sơn, huyện Tĩnh Gia và sự cố ngao chết tại một số vùng nuôi trên địa bàn huyện Hậu Lộc và Hoằng Hóa... đã mang lại niềm tin cho nhân dân địa phương.
UBND tỉnh đã giao Sở TN&MT làm chủ đầu tư để thực hiện 7 dự án xử lý hóa chất BVTV tồn lưu. Các dự án sau khi triển khai thực hiện đã được bàn giao cho địa phương để quản lý, sử dụng. Đối với các điểm tồn lưu hóa chất BVTV còn lại, trong thời gian chưa có nguồn kinh phí, Sở đã phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh khảo sát, khoanh vùng, cô lập và cảnh báo cho nhân dân biết để tránh không tiếp xúc với khu vực bị ô nhiễm và có văn bản hướng dẫn các cơ sở, địa phương thực hiện các biện pháp khống chế ô nhiễm môi trường.
Thời gian tới, tỉnh sẽ tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về BVMT tiếp tục là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác BVMT cho chủ các cơ sở sản xuất kinh doanh, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, góp phần xây dựng Thanh Hóa có môi trường sống trong lành.