Xử lý nước và vệ sinh môi trường sau bão lụt
20:01 - 28/10/2016
(MTNT) - Các chuyên gia y tế dự phòng cho biết, sau mưa lũ, rất nhiều các loại vi sinh vật từ đất, bụi, chất thải… hòa vào dòng nước đã tạo ra nguy cơ và mầm mống dịch bệnh với con người, rất nhiều bệnh truyền nhiễm có thể xảy ra. Phải kể đến các nhóm bệnh truyền nhiễm chính như bệnh tiêu chảy, tả, lị, thương hàn, nhiễm khuẩn đường ruột.
Dùng phèn chua lọc nước là phương pháp truyền thống mang lại hiệu quả cao

Nguyên nhân là do ô nhiễm phân do môi trường bị úng ngập nên nguồn bệnh rất dễ lây lan, cùng với điều kiện vệ sinh không đảm bảo, nếu người dân ăn, uống phải nguồn nước, thực phẩm nhiễm các vi khuẩn, vi - rút sẽ rất dễ lây bệnh. Ngoài ra, còn phải kể đến bệnh da liễu như nước ăn chân tay, nấm móng, nấm kẽ chân, mẩn ngứa da, bệnh đau mắt đỏ...


Trước tình hình rất nhiều hộ gia đình tại một số tỉnh miền Trung không có nước sạch để sử dụng sau mưa lũ, Cục Quản lý môi trường y tế – Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn cách xử lý nước hộ gia đình bằng các biện pháp đơn giản để có nước an toàn sử dụng ngay. Theo đó, người dân nên lựa chọn nước giếng đào, nước giếng khoan để xử lý. Trong trường hợp không có nguồn nước ngầm phải sử dụng nước ao hồ, sông suối, kênh rạch cần lựa chọn những điểm có khả năng ít bị ô nhiễm nhất, cố gắng lấy nước càng xa bờ càng tốt để xử lý nước.


Sau khi đã lựa chọn được nguồn nước, người dân cần tiến hành làm trong nước và khử trùng nước. Có nhiều cách làm trong nước, đơn giản nhất là dùng phèn chua hoặc lọc bằng vải sạch. Sau khi nước đã được làm trong cần tiến hành khử trùng nước.


Xử lý nước ăn có thể bằng phương pháp lý học hoặc phương pháp hóa học. Khử trùng bằng phương pháp lý học bằng cách đun sôi hoặc chiếu xạ, bảo đảm nước uống an toàn. Phương pháp này đơn giản nhưng lại không thực tế, khó tiến hành trong và sau lũ, lụt do không có chỗ để đặt bếp đun, không có nhiên liệu đốt và tốn kém...


Xử lý nước ăn bằng phương pháp hóa học là thực tế, tiện lợi hơn nhiều. Loại hóa chất đang được sử dụng rộng rãi nhất ở Việt Nam hiện nay là cloramin B và cloramin T. Đây là những hóa chất mà Bộ Y tế cấp cho các địa phương để xử lý nước cho nhân dân trong và sau bão, lụt. Cloramin B hoặc cloramin T được sử dụng dưới hai dạng: Viên 0,25g mỗi viên có thể dùng cho 25 lít nước và bột có hàm lượng clo hoạt tính thường là 25%.


Nếu khử trùng bằng bột cloramin B thì theo tỷ lệ sau: 30 lít nước cần 0,3g cloramin B 25%. Có thể dùng thìa canh để đong bột hóa chất, mỗi thìa canh đầy tương đương 10g, như vậy để khử 300 lít nước cần khoảng 1/3 thìa canh bột cloramin B. Lượng hóa chất khử trùng này phải được hòa tan đều trong nước và để sau 30 phút là có thể dùng được nhưng vẫn phải đun sôi mới uống được.


Nếu nước đục, lọc qua vải sạch hoặc gạn nước trong. Nước định khử trùng phải để trong bình không ăn mòn, đậy kín. Tùy theo nồng độ clo trong hóa chất mà dùng liều lượng phù hợp. Khuấy nước đã được xử lý thật kỹ rồi để yên trong 30 phút, dụng cụ chứa nước cần có nắp đậy, nước sẽ hơi có mùi clo.


Nếu nước đã xử lý có mùi clo quá mạnh, để nước đứng yên tiếp xúc với không khí vài giờ hoặc đổ nước từ bình này sang bình khác vài lần. Xử lý nước bằng viên aquatabs, đây cũng là một loại hóa chất khử trùng bằng clo hoạt tính được đóng thành viên có thành phần chủ yếu là dichloroisocyanurate natri, khi hòa tan vào nước sẽ giải phóng ra clo. Viên aquatabs được đóng dưới dạng viên nén với 4 loại hàm lượng: 3,5mg để khử trùng cho thể tích nước tương ứng là 1 lít nước, 17mg để khử trùng 5 lít, 67mg để khử trùng 20 lít nước và 500mg dùng để khử trùng 150 lít nước.


Xử lý nước giếng: Nhiều gia đình chủ động dùng nắp, ni lông bịt miệng giếng nhưng do mưa lớn, lũ, lụt vẫn làm ô nhiễm nước giếng. Vì vậy việc đầu tiên cần làm là thau rửa giếng: Khơi thông tất cả các vũng nước xung quanh khu vực giếng; tháo bỏ nắp hoặc ni lông bịt giếng; nạo vét bùn cặn trong giếng. Tuy nhiên không phải lúc nào cũng có thể nạo vét giếng dễ dàng nên có thể tiến hành khử trùng ngay nước trong giếng để sử dụng.


Làm trong nước giếng: Dùng phèn chua (loại thường dùng là phèn nhôm) với liều lượng 50g/1m3 nước, nếu nước đục nhiều có thể cho lượng phèn tối đa tới 100g/m3. Hòa tan hết lượng phèn cần thiết vào một gầu nước, tưới đều lên giếng nước, thả gầu chìm sâu xuống nước rồi kéo mạnh lên khoảng 10 lần rồi để sau 30 phút đến 1 giờ cho cặn lắng hết thì tiến hành khử trùng.


Khử trùng nước giếng: Về nguyên tắc nước giếng sau khử trùng phải có nồng độ clo thừa là 0,5 - 1,0 mg/lít. Tính lượng cloramin B cần thiết cho giếng nước trên cơ sở nồng độ cần thiết là 10g cloramin B 25%/m3.


Cách thực hiện: Múc một gầu nước, hòa lượng hóa chất nói trên vào nước, lưu ý phải khuấy cho tan hết. Tưới đều gầu nước này vào giếng. Thả gàu cho chìm sâu đến nửa cột nước giếng rồi kéo lên xuống nhẹ nhàng khoảng 10 lần. Dùng nước này dội lên thành giếng để khử trùng, để khoảng 30 phút sau là có thể dùng được. Nước đã khử trùng bằng cloramin vẫn phải đun sôi mới được uống. Riêng với giếng khoan thì phải bơm hết nước đục và bơm tiếp 15 phút nữa bỏ nước đi sau đó có thể sử dụng được.


Làm trong nước: Dùng phèn chua với liều lượng 1g phèn chua cho 20 lít nước. Hoà tan lượng phèn cần thiết cho lượng nước cần làm trong, chờ khoảng 30 phút cho cặn lắng xuống đáy rồi gạn lấy nước trong. Nếu không có phèn chua thì dùng vải sạch để lọc nước giữ lại các cặn bẩn, làm vài lần cho đến khi nước trong. Khử trùng bằng hoá chất: Có thể dùng cloramin T hoặc B dạng viên hàm lượng 0,25g, mỗi viên có thể dùng cho 25 lít nước.


Khử trùng bằng bột cloramin B theo tỷ lệ sau : 30 lít nước cần 0,3g cloramin B 25%. Có thể dùng thìa canh để đong bột hoá chất, mỗi thìa canh đầy tương đương 10 g, như vậy để khử 300lít nước cần khoảng 1/3 thìa canh bột cloramin B. Lượng hoá chất khử trùng này phải được hoà tan đều trong nước và để sau 30 phút là có thể dùng được. Nước này vẫn phải đun sôi mới uống được.


Bão lụt ảnh hưởng rất xấu đến sức khoẻ con người và môi trường sống. Sau bão lụt, thường xảy ra nhiều loại dịch bệnh mà nguyên nhân chính là do môi trường và nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm. Vì vậy, cần có biện pháp xử lý tốt để ngăn bùng phát những vụ dịch bệnh lớn.            
 
Thúy Lan
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn