Ô nhiễm môi trường làng nghề thủ công, mỹ nghệ
15:58 - 28/04/2016
(MTNT)- Hiện nay, nước ta có khoảng 2700 làng nghề, trong đó làng nghề thủ công, mỹ nghệ (TCMN) chiếm gần 40% tổng số làng nghề. Tuy nhiên, các chất thải phát sinh tại làng nghề TCMN hiện đã và đang gây ảnh hưởng làm suy thoái môi trường và tác động trực tiếp tới sức khỏe người dân. 
Hoàn thiện sản phẩm ở làng nghề chạm bạc (Ảnh minh họa, nguồn Internet)


Các làng nghề TCMN tác động nhiều đến môi trường thường sản xuất các sản phẩm như: Sơn mài, đồ gỗ mỹ nghệ, chạm bạc, mây tre đan, chiếu cói...
 

Ô nhiễm môi trường ở các làng nghề sơn mài chủ yếu ở công đoạn phun sơn, do mùi sơn và hơi dung môi gây ra. Kết quả đo đạc chất lượng tại làng nghề sơn mài cho thấy hàm lượng phun sơn gấp 16,7 lần TCVN so sánh trung bình ngày đêm và gấp 5 lần nồng độ tối đa cho phép.
 

Ở làng nghề đồ gỗ mỹ nghệ, ô nhiễm bụi và tiếng ồn từ các xưởng sản xuất nằm ngay trong hộ gia đình, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân. Nước thải của các làng nghề này do việc ngâm gỗ màu hoặc chất ngâm tẩm gây ra. Môi trường không khí ô nhiễm do bụi và tiếng ồn. Nguồn gây bụi chủ yếu ở công đoạn cắt, pha gỗ nguyên liệu, đánh bóng bề mặt. Mức độ ồn cao chủ yếu vào ban ngày với mức âm từ 77,2-85,8 dBA, trên chuẩn cho phép. Chất thải rắn từ gỗ thừa hoặc lọ đựng keo, chai đựng vecni, sơn thừa. Đây là chất thải nguy hại và dễ đi vào nguồn nước thải.
 

Ở làng nghề chạm bạc, ô nhiễm từ nguồn khí thải và nước thải không qua xử lý. Nước thải từ khâu mạ bạc, hóa chất bạc gây ô nhiễm nguồn nước mặt, nước ngầm và ô nhiễm kim loại nặng. Hàm lượng kim loại nặng trong nước thải đều vượt tiêu chuẩn cho phép nhiều lần. Chất tẩy gỉ đồng, mạ bạc chứa axit đều ảnh hưởng đến sức khỏe của người sản xuất và người dân xung quanh.
 

Tại làng nghề đúc đồng Đại Bái (xã Đại Bái, huyện Gia Bình, Bắc Ninh) chuyên đúc đồng, đúc nhôm và đồ mỹ nghệ… Cùng với sự tiến bộ của khoa học công nghệ, làng nghề đã đưa phần lớn máy móc vào sản xuất, đã giảm thiểu thời gian và sức lao động của người dân làng nghề. Tuy nhiên, môi trường làng nghề ngày càng bị ô nhiễm nghiêm trọng. Nguyên nhân chủ yếu là việc rác thải của các hộ làm nghề đúc đồng, bã nhôm đổ bừa bãi ra môi trường, nước thải của các hộ làm nghề có hóa chất như axit, sút… không được quy hoạch vào khu tập trung để xử lý mà đổ trực tiếp ra các lòng sông, ao hồ, mương máng. Các hộ đúc, cô phế liệu chưa xây dựng được các ống khói đạt tiêu chuẩn đã làm ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe của người dân trong làng.
 

Tình trạng làng nghề ô nhiễm nặng khiến người dân Đại Bái thường hít phải không khí nặng, có mùi khét do các hộ đúc đồng, nhôm gây ra nên thường xuyên mắc các bệnh hô hấp, bệnh về mắt. Qua kết quả theo dõi của trạm y tế xã, tính riêng xóm Trại từ năm 2001-2014 đã có 23 người chết do các bệnh ung thư.
 

Tại làng nghề gốm Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội) hiện nay cũng đang bị ô nhiễm nặng bởi khói bụi và khí CO2. Càng đi sâu vào trong làng, ô nhiễm càng nặng, khắp nơi bao phủ một lớp đất nung, bụi gốm. Đường vào làng cũng bụi mù mịt, nhất là khi ô tô, xe máy chạy qua.
 

Không chỉ thải bụi, trung bình mỗi lò nung gốm bằng than ở Bát Tràng thải ra khoảng 2,5 tấn chất thải rắn cho mỗi mẻ nung. Cùng với đó, phế phẩm, phế liệu đất nung, gốm, sứ vỡ, hỏng chất thành những đống bên đường, mỗi khi mưa xuống, đường lầy lội, bẩn thỉu.
 

Ở các làng nghề mây tre đan, chiếu cói, nguyên liệu sử dụng là mây, tre, lưu huỳnh, sơn bóng. Làng nghề mây tre đan gây ra nhiều bụi, khí SO2 và hơi dung môi pha sơn. Chất thải rắn là sợi dăm, mây, tre khi vuốt sợi, cắt các đoạn thừa và vỏ hộp sơn dầu bóng. Làng nghề chiếu cói ô nhiễm từ bụi khi dệt chiếu, gây ồn khi dệt, hơi hóa chất khi nhuộm và in. Nước thải nhuộm cói và in hoa trên chiếu chứa nhiều hóa chất, thuốc nhuộm.
 

Tại làng nghề truyền thống chế biến đồ gỗ Vân Hà (Đông Anh, Hà Nội), nhiều năm nay, ô nhiễm môi trường đã trở thành thực trạng nhức nhối mà chính người dân nơi đây phải hứng chịu. Làng có hơn 1.000 hộ dân trực tiếp mở xưởng sản xuất gỗ. Phần lớn các gia đình sản xuất theo hướng tự phát, gia truyền nên chỉ chú trọng đến lợi nhuận trước mắt, còn việc bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe cho chính mình thì chưa được đảm bảo. Vì sản xuất tự phát nên các cơ sở chế biến gỗ nằm xen lẫn các khu dân cư đông đúc, thậm chí nhiều hộ gia đình lấy luôn sân nhà làm xưởng chế biến thủ công.
 

Hiện xã Vân Hà đã thành lập một khu sản xuất gỗ tập trung và đang trong giai đoạn hoàn thiện. Mặc dù vậy, xã vẫn không thể quy hoạch hết các xưởng vào đó được vì số hộ sản xuất rất đông. Và một vấn đề đáng lo ngại là có quy hoạch nhưng vẫn chưa có cách xử lý bụi gỗ.
 

Tại làng nghề mộc Đức Minh (phường Thanh Bình, TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương), vào mùa cao điểm đường làng bụi mù mịt bởi mạt gỗ và mùi sơn PU phun các sản phẩm và tiếng cưa máy như “xé” tai. Làng nghề mộc tồn tại nhiều năm, gây bức xúc trong nhân dân nhưng vẫn chưa được giải quyết triệt để. Ở đây, mọi người về đến nhà là phải đóng chặt cửa. Tường bao phải xây thật cao hoặc che kín để ngăn bụi và mùi sơn. Nhiều gia đình và nhất là các nhà có trẻ nhỏ thường xuyên bị ốm đau, bệnh tật. Các bệnh chuẩn đoán, điều trị đều liên quan đến môi trường.
 

Vấn đề ô nhiễm môi trường các làng nghề TCMN đã gây tác động tiêu cực tới các hoạt động phát triển kinh tế – xã hội của địa phương và dẫn đến những xung đột môi trường trong cộng đồng. Ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp Hội làng nghề Việt Nam thừa nhận, tình trạng ô nhiễm tại làng nghề TCMN vẫn chưa được xử lý có hiệu quả, nhiều làng nghề vẫn phải sống chung với ô nhiễm, chịu nhiều bệnh tật, tuổi thọ giảm sút. Việc quy hoạch làng nghề triển khai chậm, nhiều cơ sở làng nghề ô nhiễm nặng chưa được di dời.
 

Để giải quyết ô nhiễm môi trường tại các làng nghề TCMN, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Bùi Cách Tuyến cho rằng: Trước mắt, để thực hiện bảo vệ môi trường tại các làng nghề, cần triển khai từng bước cụ thể theo lộ trình đã được xác định tại đề án Bảo vệ môi trường làng nghề của Chính phủ. Cùng với đó, cần có kế hoạch bảo tồn và phát triển làng nghề trở lại giá trị truyền thống của nó, phát huy vai trò cải thiện sinh kế cho người dân, không để hậu quả khôn lường cho môi trường và sức khỏe con người…


Tuấn Vũ
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn