Vẫn còn tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật
15:44 - 21/06/2016
(MTNT)- Từ lâu, nhân dân ta đã sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật (BVTV) trong sản xuất nông nghiệp nhằm diệt trừ sâu bệnh gây hại cây trồng để bảo vệ mùa màng. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của ngành nông nghiệp, vấn đề ô nhiễm môi trường do sử dụng tùy tiện các loại hóa chất BVTV trong nông nghiệp đang ngày trở nên nghiêm trọng. 
Việc tồn dư thuốc bảo vệ thực vật ngày một nhiều (Ảnh minh họa, nguồn Internet)

Hiện trạng sử dụng thuốc BVTV
 
 
Ở nước ta, hóa chất BVTV đã được sử dụng từ những năm 40 của thế kỷ trước để phòng trừ các loại dịch bệnh. Đến những năm gần đây, việc sử dụng HCBVTV đã tăng lên đáng kể cả về khối lượng lẫn chủng loại, với hơn 1.000 loại HCBVTV đang được lưu hành trên thị trường.
 
 
Ông Hồ Kiên Trung, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất thải và Cải thiện môi trường - Tổng Cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, trong 3 năm gần đây, hàng năm Việt Nam nhập và sử dụng từ 70.000 - 100.000 tấn. Việc lạm dụng thuốc BVTV đã gây nên những tác hại lớn tới môi trường.
 
 
Tại ĐBSCL, việc lạm dụng, sử dụng không đúng cách thuốc BVTV gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước ở ĐBSCL cũng rất đáng lo ngại. Đây là vùng sản xuất lúa chính của cả nước với khoảng 1,8 triệu ha. Trong sản xuất nông nghiệp, phân bón và các loại thuốc BVTV phòng trừ dịch hại đóng vai trò quan trọng, quyết định đến năng suất. Theo khảo sát của Trường đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh cho thấy nông dân ĐBSCL đã sử dụng 75 loại thuốc trừ dịch hại, trong đó có 28 loại thuốc BVTV, 17 loại thuốc diệt cỏ và 30 loại trị nấm bệnh. Trong số này thuốc trừ sâu chiếm đến 43% mà phần lớn thuộc nhóm I, nhóm II có độc tính cao và trung bình theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
 
 
Tiến sĩ Hồ Văn Chiến, Giám đốc Trung tâm BVTV phía Nam cho biết, hiện nay, nông dân trồng lúa cũng như cây ăn trái ở ĐBSCL vẫn sử dụng thuốc bừa bãi. Khi phun thuốc, đa số nông dân không trang bị phương tiện bảo hộ. Thường là bà con phun thuốc để an tâm, diệt sâu bệnh chứ chưa nghĩ đến an toàn cho bản thân và môi trường. Đã có nhiều trường hợp bị ngộ độc tại chỗ khi phun thuốc BVTV, số bị bệnh do ảnh hưởng của dư lượng thuốc về lâu dài tất nhiên không thể tránh khỏi.
 
 
Người nông dân không hề tuân thủ theo các nguyên tắc đảm bảo an toàn khi sử dụng thuốc BVTV. Vẫn còn có từ 30-60% mẫu rau còn tồn dư lượng hóa chất BVTV vượt ngưỡng cho phép. Nguyên tắc sử dụng thuốc BVTV “4 đúng” (đúng thuốc, đúng thời gian, đúng liều lượng và đúng cách) gần như không được áp dụng.
 
 
Đây là nguyên nhân của tình trạng ngộ độc thực phẩm kéo dài từ nhiều năm nay trong các bếp ăn tập thể, trường học. Vẫn còn từ 30-60% nông dân ta chỉ thực hiện thời gian cách ly đến lúc thu hoạch từ 1-3 ngày, 25-43% cách ly từ 4-6 ngày, trong khi phần lớn thuốc BVTV cần thời gian cách ly tối thiểu từ 7-14 ngày. Theo điều tra của Cục Y tế dự phòng về môi trường Việt Nam, hàng năm có trên 5.000 trường hợp nhiễm độc hóa chất do thuốc bảo vệ thực vật phải cấp cứu tại các bệnh viện và trên 300 trường hợp tử vong.
 
 
Ở vùng lúa An Giang, mỗi năm người dân ở đây sử dụng hơn 1.000 tấn thuốc BVTV. Ngoài số lượng thuốc trừ sâu được cây trồng hấp thu, số còn lại sẽ chảy tràn trên đồng ruộng, kênh rạch hay ngấm vào đất, các mạch nước ngầm.
 
 
Trên mỗi vỏ bao bì thuốc BVTV (trừ các loại thuốc không rõ nguồn gốc) đều hướng dẫn đầy đủ cách sử dụng và phòng tránh tác hại. Thế nhưng, chưa nói đến những lý do khách quan như vườn cây trái liền kề với nơi ở, nhiều nông dân chưa có ý thức tự bảo vệ trong quá trình sử dụng thuốc. Đáng lo ngại hơn, việc sử dụng thuốc BVTV hiện nay hết sức tùy tiện, không theo quy trình bảo đảm an toàn. Rất nhiều người không được hướng dẫn mà tự sử dụng thuốc theo thói quen và nhu cầu diệt sâu hại; tự pha tăng nồng độ gấp rưỡi, hoặc gấp đôi để diệt tận gốc sâu hại mà không biết dư lượng thuốc còn lại sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống.
 
 
Theo một con số được đưa ra bởi các chuyên gia quốc tế, có tới 80% thuốc bảo vệ thực vật tại Việt Nam đang được sử dụng không đúng cách, không cần thiết và rất lãng phí.
 
 
Việc người dân lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, sau đó vứt rác thải bừa bãi đang là thực trạng báo động. Rất nhiều vỏ thuốc bảo vệ thực vật tồn dư lâu năm, được vùi xuống lòng đất, không phân hủy được, ngấm vào mạch nước ngầm. Khiến cho môi trường đất và nước, không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng.
 
 
Trong nghiên cứu của Viện Bảo vệ thực vật cho biết, lượng thuốc còn bám lại trên vỏ bao bì trung bình chiếm tới 1,85 % tỉ trọng bao bì. Có tới hơn 65% những người dân được hỏi khẳng định họ vứt vỏ bao bì ngay tại nơi pha thuốc. Như vậy, dựa trên số lượng thuốc BVTV sử dụng hàng năm thì môi trường Việt Nam đã ngẫu nhiên “đón nhận” khoảng 195 tấn thuốc BVTV. Lượng chất độc này nếu đem ra cân đong đo đếm về tác hại tới sức khỏe con người là không thể tính được. Song cả nước hiện có duy nhất 1 công ty đảm nhiệm việc xử lý chất thải từ hóa chất độc hại này.
 
 
Theo thống kê, cả nước hiện có 98 cơ sở sản xuất thuốc BVTV, tập trung chủ yếu tại các khu công nghiệp phía Nam. Nhiều nhất là ở TP Hồ Chí Minh với 66 cơ sở. Nhưng hầu hết các cơ sở sản xuất trong tình trạng gia công, sang chai, đóng gói ra thành phẩm thuốc BVTV, không có cơ sở nào trực tiếp sản xuất nguyên liệu thuốc BVTV, đa số nguyên liệu nhập khẩu và 90% là nhập từ Trung Quốc, rất khó kiểm soát thành phần.
 
 
Hiện cả nước có 16.659 doanh nghiệp kinh doanh buôn bán thuốc BVTV, tức trung bình mỗi tỉnh có 265 cơ sở. Song nhiều cơ sở tại các khu vực đông dân cư xen kẽ thì không thể kiểm soát nổi.
 
 
Tác hại của việc lạm dụng và giải pháp
 
 
Hầu hết các loại thuốc BVTV đều có tính độc cao và trong quá trình dùng, một lượng thuốc nào đó có thể đi vào trong thân cây, quả, hoặc dính bám chặt trên lá, quả. Người và động vật ăn phải các loại nông sản này có thể bị ngộ độc tức thời, hoặc nhiễm độc nhẹ, từ từ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Một số loại thuốc trừ sâu có khả năng bay hơi mạnh nên gây khó chịu, mệt mỏi, thậm chí choáng ngất cho người trực tiếp phun thuốc sâu trên đồng ruộng, nhất là trong trường hợp không có các biện pháp phòng tránh tốt. Một số loại thuốc trừ sâu có tính năng hóa học ổn định, khó phân hủy, nên sẽ tích luỹ trong môi trường. Sau nhiều lần sử dụng, lượng tích lũy này có thể cao đến mức gây độc cho môi trường đất, nước, không khí và con người. Do thuốc tồn đọng lâu không phân hủy, nên có thể theo nước, gió và các loài sinh vật phát tán tới các vùng khác...
 
 
Không chỉ gây ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu với bốn tính chất độc hại, khó phân hủy, khả năng di chuyển xa, tích lũy sinh học còn gây ra những ảnh hưởng có hại đối với khả năng sinh sản, sự phát triển, hệ thần kinh, tuyến nội tiết và hệ miễn dịch đều có liên quan tới hóa chất. Con người bị nhiễm chủ yếu thông qua các thực phẩm ô nhiễm, các đường khác ít phổ biến hơn là uống nước ô nhiễm và tiếp xúc trực tiếp với hoá chất. Đối với con người và động vật có vú, các hóa chất bảo vệ thực vật có thể được lây truyền thông qua nhau thai và sữa mẹ tới động vật sơ sinh.
 
 
Theo các nhà khoa học, bao bì thuốc bảo vệ thực vật được liệt kê vào dạng chất thải nguy hại, khi đốt sẽ phát thải khí đi-ô-xin, một trong những chất gây ung thư. Do đó, loại rác thải này phải được tiêu hủy đúng quy trình, và có phương pháp xử lý an toàn.
 
 
Bà con nông dân cho biết: “Phải sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc tăng trưởng, thuốc kích thích ra hoa… vì nếu cây mắc bệnh là mất trắng. Vậy nên dù biết có ảnh hưởng sức khỏe, môi trường, con người, nhất là trẻ em, nhưng không còn cách nào khác”.
 
 
Để khắp phục tình trạng ô nhiễm môi trường, các Bộ, ngành trung ương đã tích cực thực hiện nhiều biện pháp nhằm hạn chế tác động nguy hại từ việc sử dụng thuốc BVTV. Các chương trình tuyên truyền để cải thiện ý thức dùng thuốc BVTV an toàn đã được triển khai và từng bước đem lại hiệu quả thiết thực.
 
 
Theo TS. Hồ Văn Chiến - Giám đốc Trung tâm BVTV phía Nam: “Khi phun thuốc cần có phương tiện bảo hộ tốt, sử dụng đúng loại thuốc, đúng liều lượng, tránh đứng xuôi chiều gió, tránh xa nhà ở. Tốt nhất là nên cách ly khu vực phun, nên sơ tán người, nhất là trẻ em từ ba giờ trở lên...”.
 
 
Hiện nay, Bộ TN&MT cũng đang phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn soạn thảo một Thông tư ban hành về việc thu gom và xử lý rác thải từ việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong nông nghiệp. Một khi được thông qua, quy định đó sẽ có những chế tài cụ thể đối với những hành vi gây hại cho môi trường, góp phần trả lại môi trường sản xuất nông nghiệp sạch.
 
 
Hiện nay, để đối phó với việc tồn dư thuốc bảo vệ thực vật ngày một nhiều, một số hộ dân có điều kiện ở vùng cao đã mua máy lọc nước, để phần nào yên tâm hơn mỗi khi sử dụng nguồn nước từ các khe, suối.
 
 
Dù việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật là không thể thiếu trong sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, xử lý những trường hợp buôn bán, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không có trong danh mục cho phép. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra chất lượng nguồn nước, để kịp thời phát hiện, xử lý nguồn nước bị nhiễm độc, tránh những hậu quả đáng tiếc.
 
 
Trước tình trạng vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật vứt tràn lan khắp nơi gây ô nhiễm môi trường, người dân cần tự nâng cao ý thức của bản thân trong khâu sử dụng và thu gom loại rác thải này, để không ảnh hưởng đến sức khỏe của chính mình và những người xung quanh.
 

Trung Kiên
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn