Đẩy lùi ô nhiễm môi trường làng nghề
15:47 - 30/03/2016
(MTNT) - Ô nhiễm môi trường làng nghề là nguyên nhân gây ra các bệnh, dịch cho người dân, đặc biệt người dân sống ở vùng nông thôn. Ô nhiễm môi trường gia tăng trong những năm gần đây tác động xấu trực tiếp tới các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội, trong đó nông dân là những người đầu tiên phải gánh chịu hậu quả, trước hết là về vấn đề sức khoẻ.

Môi trường nhiều làng nghề đang bị ô nhiễm nghiêm trọng ảnh minh họa

Thời gian gần đây, tại nhiều làng nghề, tỷ lệ người mắc bệnh (đặc biệt là nhóm người trong độ tuổi lao động) đang có xu hướng tăng cao. Theo các kết quả nghiên cứu, tuổi thọ trung bình của người dân tại làng nghề ngày càng giảm đi chỉ dừng lại ở 60 tuổi, thấp hơn 10 năm so với tuổi thọ trung bình toàn quốc và thấp hơn từ 5 đến 10 năm so với làng không làm nghề. Một nghiên cứu được tiến hành tại một số làng nghề ở Hà Nội cho thấy, tỷ lệ người dân bị mắc bệnh về hô hấp, tai, mũi, họng và bệnh ngoài da rất cao.



Làng nghề Văn Môn (Bắc Ninh) đúc nhôm, chì, kẽm có tỷ lệ các bệnh về đường hô hấp chiếm 44%, bệnh ngoài da chiếm tới 13,1%. Làng nghề sản xuất sắt Đa Hội (Bắc Ninh) có tỷ lệ người lao động bị mắc các bệnh mãn tính 29%. Tỷ lệ người mắc bệnh đau, khô họng nghề đúc là 31,7% và ở nghề cán là 31%. Ô nhiễm gây bệnh tật cho dân cư làng xã và làm tăng chi phí khám, chữa bệnh, làm giảm năng suất lao động, mất ngày công do nghỉ ốm. Ô nhiễm không khí ở làng nghề làm giảm năng suất của cây trồng, thiệt hại cho mùa màng. Ô nhiễm môi trường nước làm cho nhiều ao nuôi cá, thả rau trước đây giờ phải bỏ hoang...



Các làng nghề thuộc nhóm làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm, chăn nuôi - giết mổ, khối lượng nước thải có nơi lên tới 7.000m3/ngày nhưng không được xử lý mà xả trực tiếp vào môi trường. Kết quả nghiên cứu tại làng nghề Tống Xá (Nam Định) - nơi môi trường bị ô nhiễm - đã cho thấy tổng chi phí thiệt hại trung bình do ốm đau bệnh tật khoảng 1,3 tỉ đồng/1.000 dân/năm, cao hơn khoảng 800 triệu đồng đối với một làng nghề không bị ô nhiễm.



Hiện nay, Hà Nội là một trong những thành phố có nhiều làng nghề nhất cả nước. Để đạt được mục tiêu đến năm 2020 sẽ hoàn thành việc xử lý ô nhiễm môi trường tại 50 làng nghề có mức độ ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.


Hà Nội đã tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trong công tác bảo vệ môi trường làng nghề, trong đó TP vừa giao sở, ngành liên quan thẩm tra, đóng góp ý kiến dự thảo của thành phố để chỉ đạo khắc phục những tồn tại trong công tác bảo vệ môi trườnga làng nghề.



Theo dự thảo kế hoạch của UBND thành phố, tiến hành điều tra, thống kê, kiểm kê, phân loại làng nghề trên địa bàn thành phố theo 8 loại hình sản xuất (Chế biến lương thực, thực phẩm; thủ công, mỹ nghệ; nhuộm, thuộc da; tái chế chất thải; gia công cơ kim khí; sản xuất vật liệu xây dựng; chăn nuôi, giết mổ gia súc; loại hình khác) theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong hai năm (2016 - 2017).




Hoàn thành việc điều tra, thống kê, phân loại các cơ sở trong làng nghề trên địa bàn các xã, huyện theo các nhóm A (Cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường thấp), nhóm B (Cơ sở có một hoặc một số công đoạn sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao) và nhóm C (Cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao); đồng thời rà soát, phân loại các cơ sở trong làng nghề phải được cập nhật bổ sung hàng năm thực hiện trong hai năm (2016-2017).




Trong năm 2015, thực hiện phê duyệt Quy hoạch các khu, cụm công nghiệp thành phố Hà Nội năm 2020, định hướng đến năm 2030, trong đó lập danh mục 152 cụm tiểu thủ công nghiệp với diện tích quy hoạch hơn 1.500 ha nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hộ sản xuất trong làng nghề mở rộng mặt bằng sản xuất và xử lý triệt để ô nhiễm môi trường.Cũng trong văn bản này, UBND thành phố chỉ đạo xem xét đưa các điều kiện vệ bảo vệ môi trường đã được quy định là tiêu chí bắt buộc trong việc công nhận các làng nghề, thời gian thực hiện bắt đầu từ năm 2016.



Rà soát các điều kiện bảo vệ môi trường đối với các làng nghề đã được công nhận, lập kế hoạch khắc phục và triển khai thực hiện đối với các làng nghề đã được công nhận nhưng chưa đáp ứng các điều kiện vệ bảo vệ môi trường, thời gian thực hiện trong giai đoạn 2016 - 2020. Tổ chức thanh tra, kiểm tra thường xuyên, liên tục việc chấp hành quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất trong làng nghề hoặc cơ sở sản xuất nằm xen kẽ trong khu vực dân cư nông thôn. Đánh giá mức độ ô nhiễm, tình hình xử lý chất thải tại các làng nghề trên địa bàn thành phố, công khai thông tin về mức độ ô nhiễm môi trường làng nghề; cập nhật thông tin thường xuyên đối với các làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng.



Nhằm đẩy lùi ô nhiễm, thành phố đã tăng cường giáo dục và tuyên truyền thường xuyên, rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường. Tổ chức thường xuyên các khóa đào tạo, tập huấn về quản lý môi trường làng nghề cho cán bộ các cấp làm công tác quản lý môi trường làng nghề; các khóa đào tạo, tập huấn về xử lý chất thải và bảo vệ môi trường cho các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh trong làng nghề.



Quản lý việc thu gom, vận chuyển, tái chế và xử lý chất thải nông thôn, chất thải phát sinh từ hoạt động của các cơ sở trong làng nghề; kiểm soát chặt chẽ việc phát sinh và xử lý chất thải nguy hại từ khu, cụm công nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn nhằm phòng ngừa, phát hiện và xử lý kịp thời việc quản lý chất thải nguy hại trái với các quy định của pháp luật.



Đồng thời các cấp quản lý địa phương chú trọng nghiên cứu, thực hiện quy hoạch không gian làng nghề gắn với bảo vệ môi trường, tăng cường các hoạt động bảo vệ môi trường, xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.


Các bộ, ngành tập trung thực hiện, áp dụng đồng bộ các giải pháp khuyến khích và các giải pháp hạn chế nghiêm cấm đề xuất trong báo cáo. Hộ sản xuất, doanh nghiệp có trách nhiệm nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh và sớm loại bỏ công nghệ sản xuất lạc hậu gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Thứ năm là cộng đồng cần tăng cường các hình thức tham gia, hỗ trợ trực tiếp cho cơ quan quản lý môi trường địa phương để bảo vệ môi trường làng nghề.



Câu chuyện về phát triển làng nghề nông thôn sẽ tiếp tục là vấn đề nóng. Người dân làng nghề đang rất cần các ngành chức năng địa phương hỗ trợ thay đổi công nghệ, quy hoạch khu sản xuất với hệ thống xử lý nước thải, rác thải.



Có như vậy, mới giải quyết được phần nào bài toán giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường. Có lẽ không có người dân làng nghề nào muốn sống trong những ngôi nhà đầy đủ tiện nghi, tài chính khá giả, nhưng môi trường sống bị ô nhiễm đầy khói bụi, mùi hôi thối. Chắc chắn cũng không ai muốn con cháu mình trong tương lai bị huỷ hoại sức khoẻ do đất, nước, không khí bị ô nhiễm. Đã đến lúc toàn xã hội phải hành động quyết liệt vì sự bền vững ở các làng nghề và nông thôn Việt Nam.
Huy Hòa
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn