Báo động ô nhiễm môi trường tại các làng nghề
10:55 - 29/03/2016
(MTNT)- Tình trạng ô nhiễm môi trường ở các làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm đang là vấn đề bức xúc, nó như một hệ quả tất yếu khó tránh khỏi khi làng nghề chưa đầu tư thỏa đáng cho công tác môi trường.
Hầu hết các hộ làm bún vẫn chưa có hệ thống xử lý nước thải. (Ảnh minh họa, nguồn Internet)


Các làng nghề này thường kết hợp với chăn nuôi lợn để tận dụng phụ phẩm trong nông nghiệp, vì vậy không chỉ nước thải từ hoạt động sản xuất mà nước thải, chất thải từ chăn nuôi cũng đang tác động đến môi trường sống.
 
Tại Hà Nội, qua phân tích nước thải cho thấy, các làng nghề chế biến nông sản thực phẩm có chỉ tiêu quan trắc vượt tiêu chuẩn cho phép cao nhất đến 9.200 lần so với quy chuẩn. Điển hình như: Làng bún Phú Đô (phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm) hiện trung bình sản xuất 50 tấn bún/ngày, cung cấp cho gần một nửa thị trường Hà Nội. Cả thôn có 205 hộ sản xuất và trên 250 hộ kinh doanh bún. Hàng ngày bụi bẩn, dầu rửa bát, xà phòng, nước thải sản xuất bún… thải ra cống tiêu nước đổ thẳng ra sông Nhuệ. Theo kết quả khảo sát của Viện Khoa học và Công nghệ môi trường – Đại học Bách khoa Hà Nội, thì mẫu nước thải tại hệ thống cống chung cuối làng có chứa hàm lượng BOD vượt tiêu chuẩn cho phép từ 3 – 4 lần, cặn lơ lửng, chất hữu cơ, nitơ, phốt pho trong nước thải rất cao gây ô nhiễm môi trường nước nghiêm trọng.
 
Làng nghề sản xuất bún, bánh và dịch vụ xóm Chùa (xã Phú Nham, huyện Phù Ninh, Phú Thọ) có 70 hộ làm nghề, trong đó có 24 hộ làm bún, bánh. Số hộ tham gia sản xuất không nhiều nhưng do quy trình sản xuất còn lạc hậu, nước thải với hàm lượng tinh bột lớn không được xử lý triệt để khiến môi trường xung quanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Một số ít hộ tự xử lý bằng cách xây hầm biogas, xây bể lắng còn đa phần thải trực tiếp ra kênh mương nên tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ ô nhiễm do nước thải, chất thải từ làm nghề thải ra.
 
Tại làng nghề nấu rượu Phú Lộc (xã Cẩm Vũ, huyện Cẩm Giàng, Hải Dương), toàn bộ nước thải của gần 200 hộ làm nghề nấu rượu, bánh đa và chất thải chăn nuôi được xả thẳng xuống ao, rồi đổ ra kênh trung thủy nông chảy ngang qua thôn, không qua bất cứ công đoạn xử lý nào. Nước của hệ thống kênh mương luôn có màu trắng đục. Nhiều ao trong làng trở thành nơi chứa nước thải, rác thải cùng với bùn, cỏ dại và bèo tây ken dày đặc, mùi hôi thối nồng nặc.
 
Còn ở làng nghề làm bánh đa Tống Buồng (xã Thái Thịnh, huyện Kinh Môn, Hải Dương), từ nhiều năm nay, toàn bộ nước thải sau khi sản xuất bánh đa không qua xử lý mà được thải trực tiếp ra hệ thống thoát nước chung của làng. Qua phân tích môi trường nước mặt của Trung tâm Quan trắc và Phân tích môi trường tỉnh cho thấy hàm lượng COD vượt từ 12-15 lần, TSS vượt từ 2-3 lần, Coliform vượt từ 11-19 lần, Amoni vượt từ 12-16 lần, Photphat vượt từ 26-31 lần tiêu chuẩn cho phép. Các hộ sản xuất chủ yếu bằng phương pháp thủ công truyền thống, chất thải qua ngâm gạo và sản xuất bánh đa được thải trực tiếp ra môi trường tự nhiên.
 
Làng nghề bánh, bún Huỳnh Dương (xã Diễn Quảng, huyện Diễn Châu, Nghệ An), từ nhiều năm nay tình trạng nước thải chưa qua xử lí của những hộ làm bún, được thải trực tiếp ra môi trường, khiến cả làng phải hứng chịu mùi hôi thối, nhất là vào mùa hè oi bức như hiện nay. Ảnh hưởng tới đời sống, sức khỏe cũng như hoạt động sản xuất của hàng nghìn hộ dân xung quanh. Không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe, cuộc sống của người dân, trong những năm gần đây, vấn đề ô nhiễm đã làm cho hơn 2.500 m2 lúa không gieo cấy được, hoặc gieo cấy thì chậm phát triển, thu hoạch năng suất thấp.
 
Nhìn chung, hiện các làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm cơ bản vẫn mang tính tự nhỏ lẻ, công nghệ chưa được cải tiến, thiết bị thủ công, mặt bằng sản xuất nhỏ hẹp, xưởng sản xuất lẫn vào khu dân cư. Trong khi đó, để đầu tư một hệ thống chuyên xử lý nước thải làng nghề rất khó vì các hộ sản xuất không tập trung, địa phương cũng chưa có kinh phí để làm.
 
Để giải quyết tình trạng này, những năm qua, chính quyền các cấp đã tập trung thực hiện các biện pháp nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, trong đó có việc di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi khu vực dân cư tập trung, chuyển tới các cụm công nghiệp, làng nghề. Cùng với đó, mở rộng và đa dạng các hình thức tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng trong làng nghề, góp phần tạo nên sự nhất trí trong nhận thức và hành động bảo vệ môi trường vì mục tiêu phát triển bền vững. Đồng thời, triển khai các mô hình công nghệ, các biện pháp kỹ thuật nhằm định hướng cho việc xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề.
 
Thời gian tới, các ban, ngành, chính quyền địa phương cần có chính sách khuyến khích và đa dạng hóa đầu tư cho bảo vệ môi trường làng nghề như xã hội hóa việc xử lý môi trường làng nghề; xử lý nghiêm những cơ sở gây ô nhiễm môi trường; tiếp tục nghiên cứu chuyển giao công nghệ sạch thân thiện với môi trường. Đồng thời, lồng ghép chương trình bảo vệ môi trường làng nghề vào các chương trình mục tiêu quốc gia, có như vậy môi trường trong các làng nghề hiện nay mới sớm được cải thiện.
 
Ô nhiễm môi trường là vấn đề nan giải của hầu hết các làng nghề tại Việt Nam hiện nay. Để giải quyết triệt để ô nhiễm, cần sự phối hợp của cả cơ quan chức năng, các tổ chức xã hội và của người dân. Trong đó, bản thân mỗi người dân chủ cơ sở sản xuất cần tuân thủ các quy định của cơ quan chức năng, nâng cao ý thức trong việc bảo vệ môi trường sống.

Việt Anh
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn