Tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường
16:25 - 30/08/2016
(MTNT) - Trong những năm qua, sản xuất công nghiệp luôn duy trì ở mức tăng trưởng cao, nhất là khu vực công nghiệp ngoài quốc doanh và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, cùng với quá  trình phát triển mạnh mẽ đó là vấn đề ô nhiễm môi trường công nghiệp cũng ngày càng gia tăng và đã trở nên đáng báo động.
Cần thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường

Từ đầu năm đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ động, tích cực phối hợp với các địa phương và các cơ quan liên quan kịp thời nắm bắt thông tin, tình hình diễn biến, nhanh chóng kiểm tra, xác định nguyên nhân và xử lý gần 50 vụ việc gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước gây bức xúc, nổi cộm được dư luận quan tâm, phản ánh. Qua xử lý các vấn đề môi trường cho thấy cần phải triển khai mạnh mẽ hơn một số giải pháp để tăng cường công tác kiểm soát ô nhiễm, giảm thiểu rủi ro về môi trường và kinh tế, xã hội, đồng thời tăng cường công tác quản lý môi trường ở các cơ quan cấp Trung ương và các địa phương.



Các sự cố, vấn đề môi trường thời gian qua xảy ra ngày càng nhiều, tác động ngày càng rộng lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và đời sống kinh tế - xã hội của nhân dân, được công luận rất quan tâm, đòi hỏi các cơ quan quản lý phải có chiến lược dài hạn, phù hợp để giải quyết vấn đề và đồng thời phải có các biện pháp xử lý nhanh chóng, hiệu quả.



Theo đó, cần khẩn trương xây dựng các quy định pháp luật về phòng ngừa, ứng phó và khắc phục sự cố môi trường, trong đó quy định rõ phân công trách nhiệm, phân cấp về việc tiếp nhận thông tin, xử lý các vấn đề nóng, triển khai các biện pháp ứng phó và khắc phục sự cố theo phạm vi lĩnh vực quản lý chuyên ngành của các Bộ, phân cấp trong công tác ứng phó sự cố giữa Trung ương và địa phương dựa trên tính chất sự cố, quy mô/cấp độ sự cố; cần xây dựng quy chế phối hợp liên ngành trong trao đổi thông tin về công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát ô nhiễm giữa các Bộ ngành; tăng cường cơ chế phối hợp giữa các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT và các đơn vị trực thuộc Tổng cục Môi trường; cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý về xác định thiệt hại và đền bù thiệt hại do ô nhiễm môi trường để hướng dẫn cho chính quyền địa phương các cấp, làm cơ sở xác định mức độ ảnh hưởng và thực hiện việc hỗ trợ, đền bù; xây dựng kế hoạch thiết lập và củng cố dữ liệu môi trường, sức khoẻ môi trường nền để làm căn cứ theo dõi, đánh giá.



Về lâu dài, cần tổ chức nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn, xây dựng mô hình thử nghiệm để xử lý khẩn cấp các sự cố gây ô nhiễm để thực hiện việc ứng phó các vụ việc nóng, các sự cố môi trường một cách hiệu quả hơn; hướng dẫn các địa phương thực hiện phương án, giải pháp úng phó, cô lập, xử lý các khu vực bị ô nhiễm; tăng cường hiệu quả phối hợp liên ngành.



Về giải pháp tăng cường năng lực kỹ thuật, sự hỗ trợ của cộng đồng, chuyên gia, cần tăng cường năng lực kỹ thuật của đội ngũ cán bộ của trung ương, địa phương và các tổ chức dịch vụ trong việc lấy mẫu phân tích, ứng phó, khắc phục sự cố để đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật, chất lượng dữ liệu, thông tin trong quá trình xử lý các vụ việc; tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ môi trường, cán bộ thanh tra, đảm bảo xử lý vụ việc đúng theo quy định của pháp luật.



Xây dựng giải pháp về truyền thông phù hợp với tính chất các vụ việc nóng để đảm bảo tính chính xác, khách quan trong việc cung cấp, truyền tải thông tin; khuyến khích sự tham gia của cộng đồng, các nhà khoa học, các nhà hoạt động xã hội, các tổ chức để hỗ trợ cung cấp thông tin, kiến thức khoa học, chia sẻ trách nhiệm trong xử lý các vụ việc liên quan đến môi trường, an ninh, xã hội.



Xây dựng mạng lưới chuyên gia trong nước và quốc tế nhằm hỗ trợ cần thiết trong xử lý các vụ việc nóng vượt quá năng lực xử lý của đơn vị hay của quốc gia; từng bước đầu tư các công nghệ hiện đại như hệ thống quan trắc tự động, hệ thống quản lý thông tin, hệ thống hỗ trợ ra quyết định;  tăng cường hoạt động quan trắc, giám sát chất lượng không khí, nước và trầm tích, các lưu vực sông, nguồn nước quan trọng để nhận biết kịp thời các dấu hiệu ô nhiễm môi trường nước trong lưu vực… 



Ngoài ra, do đặc thù của việc ứng phó các vấn đề nóng, sự cố môi trường, thảm họa môi trường cần có sự phản ứng nhanh, chính xác để hạn chế các tác động tức thời, tác động dây truyền lớn đến môi trường và sức khỏe con người, gây bức xúc, tác động đến an ninh, trật tự, nên cần có các cơ chế tài chính phù hợp để áp dụng và đảm bảo hiệu quả xử lý.



Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm BVMT trong quần chúng nhân dân thông qua các hoạt động như: Tổ chức các hội nghị/ hội thảo giới thiệu và phổ biến Nghị quyết đến toàn thể cán bộ viên chức trong các cơ quan. Đưa tiêu chí BVMT vào xét thi đua khen thưởng vàđánh giá tư cách Đảng viên. Xây dựng văn hóa môi trường trong sản xuất kinh doanh.


 
Tăng cường công tác BVMT trong hoạt động công nghiệp: Phối hợp với Bộ tài nguyên & Môi trường xây dựng các văn bản pháp luật, xây dựng và ban hành các Thông tư liên bộ để hướng dẫn triển khai công tác BVMT. Phân công, phân cấp quản lý môi trường trong các cơ quan thuộc Bộ và các tổng công ty, công ty thuộc Bộ. Tổ chức đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao năng lực quản lý và kiểm soát ô nhiễm môi trường tại các doanh nghiệp. Phối hợp xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật môi trường cho doanh nghiệp công nghiệp...
Hoàng Ngân
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn