Giảm ô nhiễm không khí bằng những giải pháp thiết thực
14:52 - 31/05/2016
(MTNT) - Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ô nhiễm không khí là “sát thủ” môi trường lớn nhất toàn cầu và là thủ phạm cướp đi sinh mạng của hơn 7 triệu người trên thế giới năm 2012.Trước thực trạng ô nhiễm không khí ngày càng nghiêm trọng, nhiều giải pháp ứng phó đã ra đời với khả năng ứng dụng thực tiễn rất cao.
Một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí ở các thành phố là do khí thải từ các khu công nghiệp.

Kết quả đo lường, phân tích cho thấy các thành phố lớn với mật độ dân cư đông là những nơi có môi trường không khí ô nhiễm nặng. Điển hình là ở Hà Nội, Thành phố HCM, Hải Phòng… Tại hầu hết những thành phố này, nồng độ bụi và bụi mịn vượt quá tiêu chuẩn từ 1,5 đến 2,5 lần. Thậm chí thành phố môi trường Đà Nẵng, được mệnh danh là thành phố đáng sống nhất Việt Nam thì những năm gần đây ô nhiễm không khí cũng đang có chiều hướng tăng cao.
 

Nguyên nhân dẫn đến nồng độ bụi cao chủ yếu là từ các nguồn như hoạt động giao thông, công nghiệp, xây dựng, dân sinh và ô nhiễm xuyên biên giới. Trong đó, hoạt động giao thông đường bộ là nguyên nhân chính gây ô nhiễm bụi, nhất là các thành phố có mật độ phương tiện giao thông cao.

 
Việc đào lấp, sửa chữa hệ thống đường giao thông còn diễn ra thường xuyên mà không thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường cũng là tác nhân gây ô nhiễm không khí. Các khu, cụm công nghiệp cũng là nơi có hàm lượng bụi cao vượt mức cho phép. Vì các cơ sở sản xuất vẫn sử dụng công nghệ lạc hậu, chưa đầu tư, vận hành hệ thống xử lý dẫn đến lượng khí thải công nghiệp đưa ra môi trường khá lớn.
 

Ngay cả khu vực nông thôn thì tình trạng ô nhiễm không khí ở một số vùng cũng ở mức đáng báo động, với nồng độ bụi vượt xa so với tiêu chuẩn cho phép. Bởi những vùng này phải hứng chịu khí thải từ các làng nghề, các cơ sở sản xuất. Có một thực tế là các đơn vị sản xuất chưa đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường, mặc dù khi đi vào hoạt động đã phải cam kết với chính quyền và người dân địa phương.
 

Vấn đề ô nhiễm không khí, quản lý chất lượng không khí đã được quy định cụ thể trong Luật Bảo vệ môi trường 2014. Vấn đề hiện này là cần sớm ban hành chính sách và kế hoạch hành động trên cơ sở các quy định của Luật.Nhiều giải pháp đã được đưa ra nhằm làm giảm ô nhiễm không khí như thắt chặt mức tiêu chuẩn khí thải đối với xe nhập đã qua sử dụng và xe đang lưu hành; tăng cường kiểm soát khí thải lưu động trên đường; bố trí các trạm đăng kiểm xe ô tô trên cả nước; xây dựng Trung tâm Thử nghiệm khí thải phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; mở rộng cơ sở thực hiện kiểm định đạt tiêu chuẩn khí thải…
 

Bên cạnh đó, việc quy hoạch đô thị tổng thể phải kết hợp với giao thông, các khu dân cư, công viên cây xanh; tăng cường phương tiện giao thông công cộng như xe buýt, xe điện trên không, xe điện ngầm… và các hình thức giao thông không gây ô nhiễm. Đồng thời, đưa vào thử nghiệm các nguồn nguyên liệu sạch, thân thiện với môi trường nhằm giảm thiểu khí thải độc hại.


Song song với đó là chú trọng đầu tư công nghệ xử lý khí thải công nghiệp nhằm giảm thiểu ô nhiễm từ hoạt động sản xuất. Ngoài ra, nhiều địa phương đã chủ động đưa ra các giải pháp nhằm kiểm soát, giảm thiểu nguồn gây ô nhiễm.
 

Chẳng hạn như dự án Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ đã chuyển đổi hiệu quả công nghệ của 500 DN trên toàn quốc.
 

Mục đích tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải khoảng 962.000 tấn CO2. Trong đó, trên 40 tỉnh, thành trên cả nước đã chuyển đổi thành công hàng ngàn lò gạch thủ công sang lò gạch liên tục kiểu đứng, chuyển đổi lò nung gốm đốt than sang lò nung gas.
 

Để kiểm soát và từng bước giảm thiểu ô nhiêm môi trường không khí, Bộ TN&MT và nhiều thành phố lớn hiện đã và đang thiết lập các hệ thống quan trắc và phân tích môi trường để thu thập các thông tin môi trường nước, không khí, đất và chất thải rắn. Đồng thời tập trung vào công tác quản lý, giám sát các nguồn thải và trách nhiệm của các chủ đầu tư; xây dựng cơ chế trao đổi hạn ngạch phát thải giữa các doanh nghiệp. Đẩy mạnh các hoạt động quan trắc, kiểm kê khí thải, kiểm soát môi trường không khí tại các đô thị và khu công nghiệp.

 
Ngoài ra, cũng cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức của doanhnghiệp và cộng đồng. Từ đó thay đổi hành vi, góp phần cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường không khí hiện nay.
 
Thanh Nga
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn