Đa dạng hóa hoạt động bảo vệ môi trường nông thôn
09:47 - 29/08/2016
(MTNT) - Với vai trò trung tâm, nòng cốt trong các phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới, những năm qua, Hội Nông dân các cấp đã tích cực tham gia hoạt động bảo vệ môi trường góp phần làm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm ở khu vực nông thôn.

 


Mỗi chúng ta hãy hành động vì môi trường xanh, sạch, đẹp


Hằng năm, Hội Nông dân các cấp chủ động phối hợp với các cấp ủy, chính quyền và các ban ngành có liên quan phát động phong trào thi đua “”, tổ chức các hoạt động  thiết thực hưởng ứng các sự kiện môi trường, tạo khí thế sôi nổi cho cán bộ, hội viên, nông dân tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường và nguồn nước sạch.



Để xử lý ô nhiễm môi trường, trong những năm qua, các cấp Hội ND tỉnh Phú Thọ đã tập trung thực hiện các biện pháp nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, trong đó có việc di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi khu vực dân cư tập trung, chuyển tới các cụm công nghiệp, làng nghề.


 
Tại một số xã khu vực nông thôn tình trạng ô nhiễm do: Chất thải chăn nuôi, lạm dụng hóa chất bảo vệ thực vật, rác thải sinh hoạt… có chiều hướng gia tăng. Hội ND các cấp đã phối hợp với cơ quan chức năng, các xã, thị trấn tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra chấp hành Luật Bảo vệ môi trường trên địa bàn; tuyên truyền vận động người dân thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn, không vứt rác bừa bãi; hướng dẫn các xã, thị trấn hình thành các HTX, tổ vệ sinh, hộ kinh doanh... để thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ các xóm đến trạm trung chuyển và vận chuyển đến nơi xử lý chất thải rắn của xã hoặc nơi xử lý tập trung của huyện theo quy định.




Hướng dẫn, khuyến khích các hộ chăn nuôi xây dựng hầm biogas để xử lý chất thải trong chăn nuôi và khuyến khích chăn nuôi tập trung, chăn nuôi quy mô lớn có xây dựng hệ thống xử lý chất thải. Áp dụng biện pháp sinh học, sử dụng các chế phẩm sinh học trong sản xuất nông nghiệp để hạn chế sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật nhằm bảo vệ môi trường và sức khỏe con người.



Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng đã vận động hội viên, nông dân trong tỉnh tích cực tham gia phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Từ đó đã có nhiều mô hình hay từ những người nông dân chân chất được nhân rộng, điển hình là sáng chế máy xay phế phẩm nông nghiệp chế biến phân vi sinh bảo vệ môi trường của nông dân Vũ Đình Phúc ở Phường 7 – thành phố Đà Lạt.



Hội Nông dân thành phố Đà Lạt đã triển khai nhân rộng mô hình tổ nông dân tự quản bảo vệ môi trường trong toàn thành phố và đã có 8 tổ với hơn 100 hộ nông dân tự nguyện tham gia. Các tổ tự quản này sẽ tuyên truyền về bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp cho bà con nông dân, hướng dẫn cách thức thu gom, phân loại và xử lý chất thải để tái chế, tất cả lượng rác rau, hoa của nông dân sau khi thu hoạch sẽ được thu gom mang đến bán cho các cơ sở chế biến phân vi sinh .



Bên cạnh việc tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, nông dân tham gia bảo vệ môi trường nông thôn, Hội Nông dân các tỉnh thành cũng đã phối hợp với Trung tâm Môi trường - Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tạo điều kiện hỗ trợ, tổ chức hướng dẫn triển khai thực hiện Dự án mô hình “Hội Nông dân thu gom, phân loại rác thải và bảo vệ môi trường nông thôn” tại thị trấn Đrăn, huyện Đơn Dương. Dự án đã thu hút 100 hộ hội viên, nông dân tham gia. Những người nông dân tham gia Dự án được tập huấn các kiến thức về phân loại rác, sản xuất nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường nông thôn. Ban điều hành dự án đã thành lập tổ dịch vụ thu gom rác của 03 tổ dân phố thuộc trung tâm thị trấn Đrăn, có 03 chi hội, gồm 09 thành viên, hàng ngày đi thu gom rác tại các hộ gia đình và các thùng rác công cộng đến điểm tập kết rác của thị trấn, đồng thời giám sát việc bỏ rác đúng chỗ, đúng nơi quy định.



Tại Bắc Giang, Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo mỗi cơ sở hội xây dựng ít nhất một mô hình điểm Hội Nông dân tham gia bảo vệ môi trường nông thôn. Kết quả, 100% cơ sở hội xây dựng được 275 mô hình điểm, tập trung vào các mô hình như: “Tuyến đường nông dân tự quản sáng - xanh - sạch - đẹp”, “chi hội nông dân thu gom rác thải…



Trong đó có nhiều mô hình đạt giải thưởng môi trường của tỉnh như mô hình ‘‘Vệ sinh môi trường, thu gom xử lý rác thải, vỏ thuốc BVTV, xây hầm khí bioga xử lý chất thải trong chăn nuôi” của chi hội thôn Hốt Hồ, xã Hương Vĩ, Yên Thế,... Sử dụng hiệu quả 08 mô hình điểm do Trung ương Hội đầu tư như: “xây dựng hệ thống hầm biogas liên hoàn, xây mương thoát nước thải”, “Xây dựng hệ thống tường bao bãi rác thải tập trung nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường”, “xử lý chất thải bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế trang trại của nông dân vùng nông thôn”, “Thu gom, xử lý chất thải trong cộng đồng dân cư bảo vệ môi trường nông thôn sáng, xanh, sạch đẹp”... 100% chi Hội nông dân đăng ký sửa chữa, bảo dưỡng, vệ sinh 01 km đường giao thông nông thôn toàn tỉnh được 2.429 km với trên 140.000 lượt hội viên nông dân thường xuyên tham gia dọn dẹp vệ sinh. Thông qua các mô hình đã nâng cao nhận thức để mọi người cùng hiểu, biết và hành động góp một phần lớn vào việc hình thành nếp sống văn minh, có trách nhiệm hơn với môi trường.


Nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của hội viên trong việc bảo vệ tài nguyên môi trường nông thôn, thời gian qua Hội Nông dân tỉnh Hưng Yên đã tổ chức được 45 lớp tuyên truyền truyền về bảo vệ môi trường cho 3.050 lượt cán bộ hội viên nông dân trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với Khoa Môi trường - Học viện nông nghiệp Việt Nam tổ chức tập huấn ứng dụng kỹ thuật xử lý chất thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi trong trang trại của hội viên nông dân cho 100 học viên là cán bộ HND 10 huyện, thành phố, các chủ trang trại chăn nuôi là hội viên nông dân tiêu biểu được lựa chọn.


Qua lớp các lớp tuyên truyền, tập huấn kiến thức về bảo vệ môi trường, cán bộ, hội viên nông dân tại các cơ sở Hội được trang bị những kiến thức cơ bản, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường, trách nhiệm của người cán bộ, hội viên nông dân trong bảo vệ môi trường. Hiện tại toàn tỉnh đã xây dựng trên 260 bể chứa, xử lý rác thải từ vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng tại các cánh đồng của nông dân; tập huấn kỹ thuật; đặt 475 thùng chứa rác thải để thu gom vỏ bao, chai, lọ đựng thuốc bảo vệ thực vật tại các trang trại lớn trên đồng ruộng tại địa bàn.



 Bên cạnh đó, Hội Nông dân tỉnh đã xây dựng được 08 mô hình xử lý chất thải trong chăn nuôi, chế biến; thành lập 14 tổ thu gom rác thải tại 8 cơ sở Hội, trang bị thêm dụng cụ và quần áo bảo hộ cho các Tổ thu gom rác thải tại các xã thực hiện dự án “Hội Nông dân thu gom, phân loại, xử lý rác thải, bảo vệ môi trường nông thôn”. "Xây dựng mô hình điểm về bảo vệ môi trường trong trang trại chăn nuôi của hội viên nông dân".


Trực tiếp hỗ trợ cho 22 hội viên nông dân xây dựng 22 hầm Biogas và hầm rút nước thải trong các trang trại chăn nuôi của hội viên, nông dân. Đồng thời, Hội Nông dân tỉnh Hưng Yên đã trực tiếp xây dựng được 20 Tổ tự quản vệ sinh môi trường, với 60 thành viên đều là hội viên nông dân. Bằng nhiều hình thức truyền thông đa dạng, phong phú, phù hợp, công tác tuyên truyền của Hội Nông dân các cấp đã góp phần tạo nên sự chuyển biến về nhận thức và hành động của cán bộ, hội viên, nông dân trong việc bảo vệ và sống thân thiện với môi trường. 


 
Như vậy, có thể thấy chỉ có nhận thức đúng, suy nghĩ đúng mới hành động đúng, và mỗi một hành động nhỏ sẽ góp một phần lớn vào việc hình thành nếp sống văn minh, có trách nhiệm hơn với môi trường, nhằm hướng tới một môi trường tốt đẹp và thân thiện hơn với con người. Công tác bảo vệ môi trường trong các cấp Hội đã tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của cán bộ, hội viên, nông dân, nâng cao vai trò của Hội, góp phần bảo vệ môi trường nông thôn ngày càng xanh – sạch – đẹp.


Mai Kim
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn