Hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm gây ô nhiễm môi trường
16:06 - 23/09/2016
(MTNT)- Hoạt động của các lò giết mổ gia súc, gia cầm đang khiến người dân xung quanh đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm trầm trọng vì nước thải, rác thải từ giết mổ chưa được xử lý đúng cách.
Hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm gây ô nhiễm môi trường (Ảnh minh họa, nguồn Internet)

Tại TP.HCM, cơ sở giết mổ heo Tân Phú Trung tại khu dân cư thuộc ấp Đình, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, sau 12 giờ đêm hằng ngày đến rạng sáng ngày hôm sau, cơ sở này giết mổ khoảng từ 200 - 220 con heo. Tuy nhiên, hệ thống nước thải không được xử lý bằng bất kì phương pháp nào, tất cả lượng nước sau khi sử dụng trong quá trình giết mổ đều chảy trực tiếp ra ao nước nhỏ phía trước “lò” mổ khiến ao bốc mùi hôi thối, nước đen kịt. Mùi hôi thối nồng nặc từ ao nước này ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân xung quanh đặc biệt là gây tổn hại đến sức khỏe của người già, trẻ em và dân cư.
 
 
Cơ sở giết mổ heo Xuân Thới Sơn gần ngã tư Hóc Môn, huyện Hóc Môn, ước tính khoảng 300-400 con heo được đem đến đây để giết mổ mỗi ngày, nhưng hệ thống xử lý nước thải ở đây lại rất sơ sài, tạm bợ. Nước thải từ quá trình giết mổ chảy trực tiếp ra ruộng, không qua một quy trình xử lý nào, những lúc trời mưa lại tràn ra những khu vực khác. Đằng sau cơ sở này là một bãi đất trống, cỏ mọc um tùm, nên dường như toàn bộ lượng nước thải đều thải ra khu vực này, gây ô nhiễm trầm trọng, nước thải đọng lại lênh láng và đen kịt, bốc mùi hôi thối khó chịu.
 
 
Lò giết mổ gia cầm tập trung (phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh, Hà Tĩnh), trung bình mỗi ngày tiếp nhận khoảng 400-500 con gà thịt, thời gian giết mổ khoảng từ 2h-7h sáng. Đối diện chợ gia cầm là cơ sở giết mổ gia súc do ông Trương Hữu Hà (phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh) quản lý. Tại hai cơ sở này, rác thải được đổ trực tiếp ra môi trường vì hệ thống thu gom và xử lý không có. Nước thải đen ngòm lẫn với phân, nội tạng xả bừa bãi, chất thành từng đống, ruồi, nhặng bu kín, bốc mùi hôi thối nồng nặc.
 
 
Tại thị xã Ayun Pa (Gia Lai), theo thống kê của Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã, trên địa bàn hiện có 23 cơ sở giết mổ gia súc. Các cơ sở này hầu hết là các hộ gia đình giết mổ gia súc một cách manh mún, nhỏ lẻ tùy theo nhu cầu của thị trường. Trong 23 cơ sở này thì chỉ một phần có giấy đăng ký kinh doanh còn lại hầu hết đều tồn tại theo dạng tự phát. Ông N.V.S.-một người dân trong khu vực phường Đoàn Kết (thị xã Ayun Pa) cho biết: “Không biết họ xử lý rác và nước thải thế nào nhưng mỗi sáng lại thấy xộc lên mùi hôi cực kỳ khó chịu. Nhiều người đi qua đoạn đường này đều phải bịt mũi, nói gì đến những hộ dân sống quanh đây”.
 
 
Đã hơn 10 năm nay, lò giết mổ gia súc tập trung Long Hiệp nằm trên địa bàn 2 ấp Phước Toàn và ấp Chánh, xã Long Hiệp thuộc huyện Bến Lức, Long An gây ô nhiễm môi trường trầm trọng. Với công suất giết mổ từ 500 – 700 con/ngày, cơ sở bắt đầu giết mổ từ khoảng 3 giờ chiều mỗi ngày. Trên địa bàn 2 ấp Phước Toàn và ấp Chánh có một con kênh Phước Toàn với bề ngang khoảng 4m, chiều dài khoảng 2 km chảy dài rồi đổ ra sông. Theo lời của người dân, từ khi cơ sở giết mổ này được xây dựng nếu mùa mưa lượng nước ở con kênh dâng cao, nước chảy được mạnh, dòng nước bớt đen ngòm nhưng mùi hôi thối thì không chịu được. Còn mùa nắng thì dòng nước không chảy được vì đặc sệt rác thải từ cơ sở giết mổ Long Hiệp chảy ra, nước đen ô nhiễm nặng và mùi hôi thối bao trùm.
 
 
Theo qui định của Pháp luật, các cơ sở giết mổ phải được quy hoạch rõ ràng, cụ thể, có xây dựng hệ thống xử lý nước thải đảm bảo tiêu chuẩn thì mới được phép hoạt động. Theo đó, mỗi một cơ sở giết mổ tập trung muốn đầu tư hệ thống xứ lý nước thải thì cần phải đầu tư khoảng 5 - 7 tỷ đồng. Khi nước thải đã được xử lý, cần được lọc trong bồn chứa có hóa chất một thời gian nhất định mới có thể xả ra môi trường, có như vậy mới có thể đảm bảo an toàn môi trường nước, không gây ô nhiễm môi trường.
 
 
Ngoài ra, có thể gom các lò mổ tự phát về một mối để xử lý tập trung. Điển hình như TP. Đà Nẵng từng có hơn 400 lò giết mổ tự phát và hàng trăm hộ dân chăn nuôi nhỏ lẻ gây ô nhiễm môi trường, không đảm bảo VSATTP đã được gom thành 8 điểm giết mổ tập trung cách xa khu dân cư. Tại đây không còn giết mổ dưới nền xi măng mà chuyển qua giết mổ treo 100% và được áp dụng những công nghệ giết mổ hiện đại. Đến nay, các cơ sở giết mổ TP. Đà Nẵng được xếp loại A.
 
 
Để có thể kiểm soát được điểm giết mổ thì các ngành chức năng cũng cần siết chặt công tác quản lý, kiểm tra và có chế tài xử phạt nghiêm đối với các hành vi vi phạm, tái diễn. Đồng thời, tuyên truyền và nâng cao ý thức cho người dân trong việc đảm bảo vệ sinh, môi trường trong giết mổ, ngăn ngừa dịch bệnh bùng phát trên diện rộng.
 
Các hành vi bị nghiêm cấm trong giết mổ động vật bao gồm: Giết mổ gần khu dân cư, giết mổ động vật ốm, chết, động vật có sử dụng chất cấm; Bơm nước vào động vật trước khi giết mổ, sử dụng hóa chất tẩy rửa độc hại; Không xử lý chất thải rắn, lỏng trước khi thải ra ngoài môi trường...

Anh Hoàng
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn