(MTNT) - Việt Nam hiện có trên 60 triệu dân sống ở vùng nông thôn, chiếm hơn 73% dân số trong cả nước. Mỗi năm khu vực nông thôn phát sinh trên 13 triệu tấn rác thải sinh hoạt, khoảng 1.300 triệu m3 nước thải sinh hoạt và khoảng 7.500 tấn vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Khoảng trên 80% khối lượng rác thải, nước thải sinh hoạt và hầu hết lượng vỏ bao bì thuốc BVTV chưa được thu gom để xử lý hợp vệ sinh và xả trực tiếp vào môi trường.
|
Vấn đề xử lý rác thải tại nông thôn cần sự chung tay của các cấp chính quyền cũng như ý thức chấp hành của bà con nông dân |
Việc thu gom Chất thải rắn (CTR) tại nông thôn chưa được coi trọng, nhiều thôn, xã, chưa có các đơn vị chuyên trách trong việc thu gom CTR nông thôn. Một số địa phương đã áp dụng các biện pháp thu gom rác thải sinh hoạt nhưng với quy mô nhỏ, phần lớn do hợp tác xã tự tổ chức thu gom, phương tiện thu gom còn rất thô sơ với các xe cải tiến chuyên chở về nơi tập trung rác. Mặt khác, hoạt động thu gom này không được diễn ra thường xuyên mà kết hợp với các đợt nạo vét kênh mương do xã phát động. Theo thống kê có khoảng 60% số thôn hoặc xã tổ chức thu dọn định kỳ, trên 40% thôn, xã đã hình thành các tổ thu gom rác thải tự quản. Tỷ lệ thu gom CTR sinh hoạt tại khu vực nông thôn mới đạt khoảng 40 - 55%. Do tỷ lệ thu gom chưa đáp ứng nhu cầu, nên rác vẫn tràn ngập khắp nơi công cộng, ao, hồ...
Đối với CTR từ các hoạt động sản xuất nông nghiệp như bao bì, chai lọ hóa chất BVTV thì việc thu gom còn rất hạn chế. Tuy đây là nguồn CTR thuộc danh mục độc hại cần thu gom, xử lý đúng quy định, nhưng thực tế, sau khi được sử dụng người nông dân "tiện thể" vứt ngay tại bờ ruộng, góc vườn hoặc nguy hiểm hơn, có trường hợp còn vứt xuống ao, hồ, đầu nguồn nước sinh hoạt. Mặc dù đã có một số tỉnh/thành phố như Nghệ An, Tuyên Quang, Vĩnh Long thực hiện công tác tổ chức thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý các loại hóa chất, vỏ bao bì hóa chất BVTV, nhưng còn gặp rất nhiều khó khăn và hầu như chưa có mô hình thu gom bao bì hóa chất BVTV phù hợp với đặc thù của nền sản xuất nhỏ, phân tán như Việt Nam.
Đối với CTR từ các hoạt động làng nghề, mặc dù, công tác thu gom vận chuyển ngày càng được chính quyền các địa phương quan tâm nhưng dường như vẫn không thể đáp ứng được với yêu cầu và nếu có thu gom thì chưa triệt để. vẫn còn rất nhiều làng nghề xả thải trực tiếp ra môi trường gây ô nhiễm không khí, đất, nước, tác động xấu đến cảnh quan.
Thực tế cho thấy, chức năng quản lý nhà nước về môi trường khu vực nông thôn giữa các ngành chưa có sự phân công rõ ràng cho một cơ quan quản lý dẫn đến hoạt động chồng chéo và… bỏ ngỏ. Chưa có chính sách hỗ trợ cho các hoạt động quản lý chất thải nông thôn: Trong khi ở khu vực đô thị, các Công ty dịch môi dịch vụ môi trường đô thị là các doanh nghiệp công ích Nhà Nước, 80% kinh phí hoạt động từ ngân sách Nhà Nước, 20% do dân đóng góp thì các tổ chức dịch vụ môi trường ở nông thôn kinh phí hoạt động chủ yếu từ nguồn thu phí dịch vụ môi trường do người dân đóng góp chỉ đủ để trả thù lao cho người thu gom rác với mức chỉ bằng 30-40% thu nhập của người thu gom rác ở đô thị. Người thu gom chưa được hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, nhiều nơi chưa có bảo hộ lao động.
Bên cạnh đó, các tổ chức dịch vụ môi trường nông thôn chưa đủ năng lực để giải quyết trọn vẹn các vấn đề quản lý chất thải: Hầu hết các tổ chức xã hội ở nông thôn mới chỉ thực hiện được các nội dung về tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng, tổ chức thu gom chất thải mà chưa có các biện pháp xử lý dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải ngày càng gia tăng. Nhận thức của cộng đồng còn hạn chế cũng là nguyên nhân làm cản trở công tác xã hội hóa các hoạt động quản lý chất thải rắn sinh hoạt nông thôn.
Mỗi năm, hàng trăm tỷ đồng đã được chi cho công tác bảo đảm vệ sinh môi trường, đặc biệt là khu vực ngoại thành nhưng chất lượng môi trường ở nhiều địa phương vẫn còn hạn chế. Vì vậy, để sớm giải quyết những bất cập, bảo đảm môi trường nông thôn, đòi hỏi phải thực hiện giải pháp căn cơ, đồng bộ như:
Xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường và quản lý chất thải là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Phong trào xã hội hóa hoạt động quản lý chất thải ở nông thôn đã phát triển ở nhiều địa phương nhưng hoạt động kém hiệu quả và không bền vững. Trên cơ sở kết quả điều tra thực địa đánh giá những tồn tại trong các mô hình tổ chức dịch vụ quản lý chất thải nông thôn, bài viết đã đề xuất một số giải pháp về cơ chế chính sách; tổ chức quản lý; công nghệ, kỹ thuật; giải pháp huy động sự tham gia của cộng đồng trong quản lý chất thải nông thôn nhằm đẩy mạnh xã hội hóa công tác quản lý chất thải, góp phần bảo vệ môi trường nông thôn.
Cần xây dựng qui chế quản lý, hương ước, qui ước nhằm huy động sự tham gia của cộng đồng trong quản lý chất thải nông thôn. Thực hiện chính sách khuyến khích và các biện pháp chế tài trong quản lý chất thải nông thôn. Đồng thời ban hành cơ chế hỗ trợ phát triển các tổ chức dịch vụ môi trường nông thôn.
Đề xuất cơ chế phối hợp giữa các loại hình dịch vụ, kết hợp giữa các cấp trong quản lý chất thải nông thôn. Nâng cao năng lực quản lý của địa phương: Thực hiện phân công trách nhiệm quản lý Nhà nuớc giữa các cấp trong quản lý chất thải nông thôn. Nâng cao năng lực, chất lượng hoạt động của các tổ chức dịch vụ môi trường. Nâng cao vai trò của mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên.
Lựa chọn các công nghệ phù hợp với điều kiện kinh tế, trình độ quản lý và tập quán của từng vùng để phổ biến áp dụng. Ưu tiên các biện pháp giảm thiểu chất thải tại nguồn phát sinh, tăng cường tận thu, tái chế, tái sử dụng chất thải trong nông nghiệp.
Huy động sự tham gia của cộng đồng trong quản lý chất thải nông thôn. Truyền thông về quyền và trách nhiệm của cộng đồng trong quản lý chất thải. Huy động đóng góp về tài chính, nhân lực. Huy động cộng đồng tham gia các dịch vụ quản lý chất thải nông thôn. Xây dựng và thực hiện các chương trình tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, hướng dẫn tổ chức dịch vụ, kỹ năng giám sát cộng đồng dân cư trong quản lý chất thải nông thôn