|
Ô nhiễm môi trường do chăn nuôi gia súc nhỏ lẻ đang trở nên báo động (Ảnh minh họa, nguồn Internet) |
Địa phương nuôi lợn lớn nhất miền Bắc là xã Ngọc Lũ (Bình Lục, Hà Nam) với hơn 2.000 hộ thì có đến 1.600 hộ nuôi lợn. Ông Trần Đình Thiện, Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Lũ cho biết, việc chăn nuôi quy mô lớn tại xã đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Hiện, toàn xã có 1.600 hộ chăn nuôi với tổng quy mô khoảng 64.000 - 70.000 con/lứa, mỗi ngày xả hàng nghìn mét khối nước thải, chất thải chưa qua xử lý ra môi trường.
Tại xã Ngọc Lũ, đội 1 và đội 12 là nơi có số hộ nuôi và có số đàn lợn lớn nhất của xã. Hiện con mương quanh xã đã đặc quánh bùn, nước đen ngòm, nhiều hộ phải xả cả chất thải ra vườn, thậm chí là ruộng lúa.... . Khắp các rãnh, mương nước, ao, hồ từ đầu đến cuối xã đều đen và bốc mùi hôi thối nồng nặc. Hàng ngày phải sống chung với ô nhiễm nặng nề, môi trường sống không đảm bảo, nhiều năm qua người dân xã Ngọc Lũ cũng đang phải sống với sự ám ảnh về bệnh tật, đặc biệt là căn bệnh ung thư. Mỗi năm, trung bình có khoảng 7 - 8 người trong xã chết vì ung thư gây hoang mang cho người dân trong xã.
Tình trạng chất thải xả bừa bãi trong khu dân cư, chảy ra những cánh đồng hoa màu đang hàng ngày hàng giờ “đầu độc” nguồn đất canh tác và nguồn nước ngầm. Đáng chú ý, khi kênh mương quá tải thì cả nghìn khối chất thải ô nhiễm này lại đổ ra dòng sông Châu Giang sau mỗi trận mưa lớn, nơi có khoảng 20.000 hộ dân ven sông sinh sống.
Theo phản ánh của người dân, hiện nhiều héc-ta diện tích đất cấy lúa của địa phương phải bỏ hoang vì ô nhiễm trầm trọng, người dân không thể cấy lúa. Nhiều mảnh ruộng bỏ hoang để cho bèo mọc...
Để khắc phục tình trạng ô nhiễm trên các hộ chăn nuôi đều có làm hầm biogas, nhưng mỗi hầm chỉ có dung tích 25-30 m3. Với dung tích này, hầm chỉ giải quyết chất thải cho đàn lợn từ 20-30 con. Phần lớn phân, nước thải còn lại vẫn xả thẳng ra môi trường.
Trước tình trạng ô nhiễm này, Bộ Tài Nguyên và Môi Trường đã hỗ trợ xây dựng thí điểm nhà máy xử lý chất thải tại xã Ngọc Lũ. Tuy nhiên theo tính toán, nhà máy cũng chỉ xử lí được chất thải cho gần 200 hộ, trong khi đó ở đây có tới 1500 hộ trực tiếp chăn nuôi. Chính vì vậy, nhà máy xử lý chất thải hoạt động được hơn 1 năm nhưng không có kinh phí để chi cho hoạt động hàng ngày nên đành đóng cửa ngừng hoạt động.
Tại Thanh Hóa, huyện Quảng Xương hiện có 110 trang trại, trong đó có 75 trang trại lợn với tổng giá trị hàng hóa ước đạt 100,2 tỷ đồng. Thực tế cho thấy chăn nuôi lợn ở huyện Quảng Xương cũng như ở hầu hết các địa phương trong tỉnh thường mang hình thức tự phát, quy mô nhỏ lẻ, đa số các trang trại, gia trại nằm xen kẽ trong các khu dân cư, quỹ đất nhỏ, hẹp không đủ diện tích xây dựng các công trình xử lý chất thải theo quy trình, không đảm bảo khoảng cách các khu dân cư... Vì thế mức độ ô nhiễm môi trường do chăn nuôi gây ra đang trở nên báo động.
Ngoài ra, phần lớn các trang trại, gia trại được xử lý chất thải bằng hệ thống hầm biogas, nhưng hầm xây dựng nhỏ hơn mức độ cần thiết nên chỉ giải quyết vấn đề thu hồi khí sinh học tận thu làm nhiên liệu, không giải quyết được ô nhiễm nước và mùi hôi thối. Thêm vào đó, ý thức, trách nhiệm của một số chủ trang trại chưa cao lại thiếu hiểu biết, thiếu vốn xây dựng các công trình xử lý chất thải chăn nuôi đã làm gia tăng tình trạng ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng sức khỏe người dân, giảm sức đề kháng vật nuôi, tăng tỉ lệ mắc bệnh và chi phí phòng bệnh, giảm năng suất và hiệu quả kinh tế.
Tại Hà Tĩnh, đại dự án chăn nuôi bò tại địa bàn xã Cẩm Mỹ và Cẩm Quan, huyện Cẩm Xuyên của Công ty CP Chăn nuôi Bình Hà (thuộc Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai) mặc dù mới đưa vào hoạt động nhưng mức độ ô nhiễm môi trường đã ở mức đáng báo động, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của hàng ngàn hộ dân trên địa bàn các xã lân cận.
Dự án được triển khai ngay tại thượng nguồn của các con sông chảy về khu dân cư làm cho nguồn nước bị ô nhiễm, đục ngầu, bốc mùi hôi thối do phân bò của dự án thải thẳng ra môi trường, ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt của người dân.
Đặc biệt, Cty Bình Hà chưa xây dựng được nhà máy xử lý phân, các công trình phụ trợ như bể lắng, bể xử lý phân chưa có nên hầu hết phân và rác thải của nhà máy đang đổ trực tiếp ra môi trường. Ngoài ra, nghĩa trang chôn bò không đúng quy trình, hiện nay chôn bò chết rất sơ sài chỉ đào hố, rải vôi rồi lấp đất chứ không trải bạt chống thấm, không xử lý đề phòng dịch bệnh lây lan.
Tại Đồng Nai, theo thống kê của Sở Nông nghiệp – phát triển nông thôn, toàn tỉnh có tổng đàn lợn khoảng 1,7 triệu con (trong đó chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm 32,5%). Do chăn nuôi nông hộ là chủ yếu nên biện pháp xử lý chất thải vật nuôi chủ yếu là ủ phân chuồng, hoặc không được xử lý gây ô nhiễm môi trường.
Điển hình như: xã Gia Tân 3 (huyện Thống Nhất, Đồng Nai) đang quản lý 222 trang trại chăn nuôi lợn, nhưng chỉ có khoảng 5% trang trại có hệ thống hầm biogas để xử lý chất thải, còn lại hầu hết đều thải ra môi trường, một số ít bán phân cho các điểm thu mua phân tươi để bón cây trồng; khu vực phường Trảng Dài (TP. Biên Hòa), đến nay vẫn còn 198 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ…
Tại Đồng Nai, tỉnh đã quy hoạch và triển khai xây dựng 139 vùng chăn nuôi tập trung thuộc 8 huyện, TX.Long Khánh với tổng diện tích trên 15,6 ngàn ha. Nhiều năm qua, tỉnh đã quan tâm, đốc thúc các địa phương triển khai thực hiện, nhưng đến nay nhiều vùng quy hoạch chăn nuôi tập trung vẫn chưa thu hút được người chăn nuôi đến đầu tư. Các hộ chăn nuôi hoặc trại quy mô nhỏ không mấy quan tâm vì họ thường xây chuồng nuôi ngay sau nhà và e ngại bất tiện khi phải dời khu chăn nuôi cách xa khu dân cư.
Nhằm khắc phục, giảm thiểu ô nhiễm môi trường do chăn nuôi gia súc, trước mắt các ngành chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao kiến thức, năng lực cho người chăn nuôi các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, dần hình thành quy hoạch các vùng chăn nuôi tập trung, hạn chế chăn nuôi manh mún, xen kẽ trong khu dân cư; các trang trại phải có biện pháp bảo vệ môi trường, đáp ứng yêu cầu xử lý ô nhiễm, sử dụng hệ thống biogas trong chăn nuôi…