Ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại các làng nghề tái chế chất thải
15:00 - 23/12/2015
(MTNT)- Mức độ ô nhiễm môi trường từ các làng nghề tái chế chất thải hiện đang ngày càng đáng báo động. Tại các làng nghề tái chế phế liệu (gồm giấy; kim loại đồng, chì, sắt, kẽm; nhựa... chiếm 4%), các bệnh thường gặp là bệnh về hô hấp, ngoài da, thần kinh, nhiễm độc, đặc biệt tỷ lệ người mắc bệnh ung thư tương đối cao.
Ảnh minh họa

Tại làng tái chế nhựa Minh Khai (còn gọi là làng Khoai), thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, bình quân mỗi ngày một lượng lớn chất thải được tập kết. Ước tính có khoảng 500 chuyến xe tải chở nhựa phế thải bao gồm đủ loại: bao bì, túi nilon, vỏ hộp... được thu mua từ từ các tỉnh trong khắp cả nước và ở nước ngoài… Hàng trăm đống rác phế liệu được chất cao dọc hai bên đường từ đầu làng.
 
Tại một số cơ sở tái chế, túi nilon, rác thải được phân loại, xúc rửa một cách thủ công, sơ sài. Túi nilon, rác thải chưa qua xử lí nằm la liệt mọi ngóc ngách. Mùi hôi thối cộng thêm mùi khét của nhựa đốt tỏa ra trong không khí. Ở tại các xưởng, tất cả nước thải, khí thải đều được xả thẳng xa môi trường mà không hề có bất kì một biện pháp nào được xử lí, tạo mùi khó chịu gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của người dân.
 
Tại làng nghề tái chế chì Đông Mai, xã Chỉ Đạo, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên), theo kết quả giám sát môi trường, nguồn nước kênh rạch có hàm lượng chì cao hơn giới hạn cho phép 1.000 lần. Không khí tại cộng đồng và nơi sản xuất tái chế chì đều có hàm lượng chì cao hơn tiêu chuẩn, trong đó 3/5 mẫu không đạt tiêu chuẩn. Mặt khác, các mẫu đất lấy tại vườn các hộ gia đình trong thôn cũng có hàm lượng chì cao hơn giới hạn cho phép 10-16 lần. Kéo theo đó là rau, củ, quả trồng trên nền đất nhiễm chì cũng vượt giới hạn cho phép 1,3 lần.
 
Hơn 30 năm nay, thôn Đông Mai đã được biết đến là làng nghề tái chế chì từ pin và bình ắc quy hỏng được thu gom từ các địa phương trong cả nước. Nhờ có nghề này mà đời sống của người dân trong làng khấm khá hơn hẳn. Khá nhiều hộ dân nhờ chăm chỉ làm ăn mà xây được nhà lầu, mua xe hơi; con cái có điều kiện lên Hà Nội ăn học… Theo Phó Chủ tịch huyện Văn Lâm Nguyễn Văn Thủy, Đông Mai có 277 người trực tiếp tham gia tái chế chì, trong đó có 11 hộ dân tái chế chì ngay trong khu dân cư, bình quân mỗi lò nấu 14 tấn bột trong một tuần và cho ra lò khoảng 7-8 tấn chì. Mặc dù địa phương đã nhiều lần tuyên truyền, nhắc nhở, xử phạt nhưng những hộ này vẫn chưa thể di dời cơ sở tái chế chì ra khỏi làng.
 
Năm 2014, kết quả xét nghiệm sàng lọc 109 trẻ ở làng Đông Mai cho thấy, 97% nhiễm chì trong máu, trong đó có 33 trẻ phải tẩy độc chì khẩn cấp do lượng chì trong máu cao gấp 6-7 lần cho phép. Nhiều trẻ dù gia đình không làm nghề thu gom, tái chế chì nhưng cũng có hàm lượng chì trong máu rất cao. Tháng 5/2015, ngành y tế đã khám sức khỏe miễn phí cho toàn bộ người dân thôn Đông Mai, trong đó có 335 trẻ; 317 trẻ được làm xét nghiệm chì. Kết quả xét nghiệm mức độ nhiễm độc chì của người dân làng nghề Đông Mai cho thấy, có 207 trẻ (chiếm 65,3%) bị nhiễm độc chì trong máu ở mức 10-44,9mcg/dl. Với hàm lượng nhiễm chì này ảnh hưởng rất lớn tới trí tuệ của trẻ. Thực tế cho thấy, nhiễm chì ở mức càng cao thì chỉ số IQ của trẻ càng thấp, cứ tăng 1 mcg/dl thì trẻ sẽ mất 5 điểm về chỉ số IQ.
                           
Tại làng nghề tái chế lông vũ Triều Khúc (huyện Thanh Trì, TP.Hà Nội), ô nhiễm đã kéo dài hàng mấy chục năm do lông gà, lông vịt được ủ bốc mùi hôi thối quanh làng. Nghề tái chế lông vũ đã kéo dài gần 100 năm nay, hiện đang là kế sinh nhai của gần 10 hộ dân trong làng. Không chỉ gây ô nhiễm không khí, làng nghề còn khiến nhiều đoạn kênh, mương chảy trước cửa nhà dân bốc mùi tanh tưởi do tràn ngập rác thải, chủ yếu là lông gà, lông vịt. Phần lớn các hộ gia đình làm nghề tái chế lông vũ ở làng Triều Khúc thu mua lông gà, lông vịt ở nơi khác về, sau đó sản xuất, tái chế và xuất khẩu sang Trung Quốc mang lại nguồn thu nhập lớn.
 
Tại làng nghề tái chế nhôm Bình Yên (xã Nam Thanh, huyện Nam Trực, Nam Định), hiện có 269/570 hộ tham gia sản xuất. Trong đó, có 86 hộ chuyên cô, đúc nhôm, 161 hộ cán kéo và tạo hình, 22 hộ thuộc các loại hình sản xuất khác. Lượng chất thải của các hộ xả ra môi trường ngày càng lớn… khiến tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề rất nghiêm trọng. Kết quả quan trắc mới đây của Bộ TN&MT cho thấy, môi trường nước mặt sông Nam Ninh Hải, nơi chứa nước thải của các cơ sở sản xuất tại Bình Yên, có hàm lượng SS (chất rắn lơ lửng) cao gấp 12,2 lần, hàm lượng COD cao gấp 20 lần, BOD5 cao gấp 21,2 lần quy chuẩn cho phép. Lượng chất thải rắn nguy hại từ quá trình cô đúc nhôm lên tới 40 tấn/ngày, nước thải từ khâu tẩy rửa sản phẩm cũng lên tới 500m3 mỗi ngày.
 
Môi trường nước bị ô nhiễm quá nặng cũng đang ảnh hưởng đến hàng chục ha ruộng đất canh tác nông nghiệp của người dân. Không chỉ ô nhiễm nguồn nước, đất canh tác, hoạt động tái chế nhôm còn thải ra một khối lượng khói bụi lớn gây ô nhiễm không khí. Hoạt động của máy móc, lò đúc, các phương tiện giao thông hạng nặng di chuyển, gây ô nhiễm tiếng ồn nghiêm trọng. Đủ loại ô nhiễm “trên trời, dưới đất” đang khiến những nguy cơ về sức khỏe, bệnh tật của người dân tăng cao.
 
Tại làng nghề tái chế lốp xe cao su ở xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi, đâu đâu cũng thấy những đống cao su phế thải, lốp xe cũ chất cao như núi. Còn trong khu sản xuất, các mảnh cao su vương vãi đầy sân nếu bất cẩn nguy cơ cháy nổ rất cao. Làng nghề hiện có hơn 100 cơ sở. Tuy nhiên, số cơ sở trang bị dụng cụ hay xây bể chứa nước phòng cháy chữa cháy chỉ đếm trên đầu ngón tay. Hiểm họa cháy nổ rình rập làm cho người dân sống trong khu dân cư này luôn nơm nớp lo sợ.
 
Đến nay công tác khắc phục tình trạng khắc phục ô nhiễm môi trường tại các làng nghề tái chế vẫn chưa hiệu quả. Người dân các làng nghề tái chế chất thải tuy biết là ảnh hưởng đến sức khỏe, nhưng vẫn phải nhắm mắt mà làm vì nhu cầu mưu sinh. Trong khi đó, chủ trương xây dựng các cụm công nghiệp nhằm di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư do nhiều lý do chưa thể thực hiện ngay. Trước mắt, bản thân người dân phải nâng cao ý thức tự giác, tuân thủ các quy định, cùng góp sức bảo vệ môi trường chung.

Quốc Lâm
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn