Hội NDVN - Bộ Tài Nguyên Môi trường: Phối hợp vận động hội viên, nông dân tham gia bảo vệ môi trường
|
Từ những kết quả công tác bảo vệ môi trường đã góp phần xây dựng các vùng nông thôn Việt Nam trở thành những “miền quê đáng sống” |
Nhằm tăng cường sự phối hợp, Hội NDVN và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ký kết Chương trình phối hợp số 48 trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường với 07 nội dung trọng tâm giai đoạn 2018 - 2023, trong đó tiếp tục phối hợp triển khai có hiệu quả tiêu chí số 17 về môi trường và an toàn thực phẩm trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trọng tâm là tuyên truyền vận động cộng đồng tham gia thu gom, phân loại, xử lý chất thải rắn sinh hoạt nông thôn, nước thải sinh hoạt, xử lý chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp, chất thải làng nghề, xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn xanh, sạch, đẹp.
Việc triển khai chương trình phối hợp đã góp phần tăng cường sự tham gia của Hội ND các cấp và hội viên, nông dân trong công tác tư vấn, phản biện cơ chế, chính sách, luật pháp liên quan đến tài nguyên môi trường, giám sát việc thực thi chính sách, pháp luật về tài nguyên môi trường, tham gia phát hiện và giải quyết, xử lý các vi phạm pháp luật về tài nguyên môi trường trên địa bàn nông thôn.
Bằng nhiều hình thức đa dạng, phù hợp, Hội ND các cấp đã tích cực phổ biến, giáo dục nâng cao hiểu biết pháp luật về bảo vệ môi trường, đất đai cho hội viên nông dân để người dân hiểu quyền và nghĩa vụ của mình.
Hội đã tổ chức trên 300.000 cuộc phổ biến, giáo dục pháp luật bảo vệ môi trường cho gần 20.000.000 lượt hội viên, nông dân; đồng thời, tổ chức 27.762 buổi trợ giúp pháp lý cho 971.694 lượt hội viên, nông dân về lĩnh vực đất đai.
Bên cạnh đó, các cấp Hội ND cũng thường xuyên phát động và tuyên truyền về các chủ đề “Chương trình ngày thứ bảy nghĩ xanh, mua sạch”, “Đẹp nhà, sạch đường, sạch đồng ruộng”, “nói không với túi nilon”; vận động nông dân xây dựng “gia đình văn hóa”; tham gia xây dựng “thôn, ấp, bản, làng văn hóa, xã văn hóa”.
Hàng năm, có 9,5 triệu hộ nông dân đăng ký, trong đó 8,5 triệu hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa.
Ngoài ra, các cấp Hội đã chủ động phối hợp với các nhà khoa học, các nhà quản lý, các nhà xuất bản in ấn và phát hành hàng vạn cuốn tài liệu, tờ gấp, tờ rơi về bảo vệ môi trường cho cán bộ, hội viên, nông dân.
Trung ương Hội NDVN đã in ấn và phát hành trên 40.000 cuốn sách “Hỏi đáp về môi trường”, “Cẩm nang về môi trường”, “Giới thiệu những mô hình hay trong bảo vệ môi trường” và hàng chục vạn tờ gấp “Hướng dẫn sử dụng nhà tiêu”, “Sử dụng nước sạch”, “Hướng dẫn thu gom, xử lý rác”, “Hướng dẫn sử dụng an toàn thuốc bảo vệ thực vật”...
Tại các địa phương, hoạt động xây dựng cảnh quan môi trường thực sự mang lại hiệu quả, tạo nên những miền quê đáng sống với cảnh quan môi trường trong lành, sáng, xanh, sạch, đẹp.
Ngày càng có nhiều các tổ thu gom rác thải sinh hoạt, bao bì thuốc bảo vệ thực vật do cộng đồng thành lập và hoạt động theo hình thức tự nguyện như: Mô hình “Cánh đồng không vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật”.
Nhiều mô hình cải tạo cảnh quan ở thôn, bản, ấp đã được các địa phương áp dụng sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tế như: Trồng hoa, cây xanh; con đường bích họa, làng bích họa; dòng sông không rác; biến bãi rác thành vườn hoa; tuyến đường xanh- sạch- đẹp.
Với sự chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc của cấp ủy, chính quyền các cấp; sự vào cuộc trách nhiệm của các tổ chức đoàn thể xã hội, phong trào xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn khu vực Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ đã phát huy được hiệu quả tích cực.
Qua đó, hình thành ý thức hệ trong người dân, cụm dân cư, cộng đồng về vai trò, trách nhiệm của từng cá nhân trong công tác bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, với cách làm sáng tạo, tư duy không ngừng của người dân, nhiều khu vực trồng cây không chỉ mang lại giá trị cảnh quan mà còn mang lại giá trị lớn về kinh tế như: Mô hình trồng cây gió bầu dọc hàng rào để lấy trầm hương, trồng hàng rào mướp, hàng rào lá mơ ở nhiều địa phương của Hà Tĩnh...
Từ những kết quả công tác bảo vệ môi trường đã góp phần xây dựng các vùng nông thôn Việt Nam trở thành những “miền quê đáng sống”. Điển hình như: Huyện Yên Khánh - Ninh Bình; huyện Hải Hậu, huyện Nam Trực-Nam Định; huyện Đan Phượng, huyện Gia Lâm – thành phố Hà Nội; huyện Thanh Liêm - Hà Nam; các huyện: Nghi Xuân, Cẩm Xuyên - Hà Tĩnh; các huyện: Nam Đàn, Hưng Nguyên - Nghệ An.
Một số địa phương như: Đồng Nai, Hậu Giang, Trà Vinh, Hà Tĩnh, Nam Định đã chỉ đạo các xã tập trung xây dựng mô hình “Khu dân cư kiểu mẫu”. Đó là các khu dân cư nổi bật về cảnh quan đường làng, ngõ xóm “sáng, xanh, sạch, đẹp”.
Nhiều huyện đã đạt trên 50% các tuyến đường nông thôn trồng cây xanh, hoa như: Huyện Châu Thành A, thành phố Vị Thanh, thị xã Ngã Bảy (Hậu Giang); huyện Tiểu Cần (Trà Vinh); thị xã Bình Minh (Vĩnh Long); huyện Thoại Sơn (An Giang); huyện Vĩnh Cửu và Tân Phú (Đồng Nai); nhiều nơi có tuyến đê trồng cây, trồng hoa kiểu mẫu tạo nên cảnh quan môi trường nông thôn trong lành như: Huyện Thanh Liêm (Hà Nam), các huyện Nam Trực, Mỹ Lộc (Nam Định), thành phố Hưng Yên (tỉnh Hưng Yên).
Thời gian tới, hai ngành phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật và các biện pháp bảo vệ môi trường, xây dựng và nhân rộng các mô hình Hội ND tham gia thu gom, quản lý phù hợp, hiệu quả; phổ biến, áp dụng các giải pháp, mô hình đã áp dụng thành công; định hướng cho các hội viên, tổ chức Hội ND cấp xã phát triển các loại hình sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm thấp, sử dụng nguyên liệu tại chỗ, thân thiện với môi trường.