(MTNT) - Hiện nay, việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích tăng trưởng, các loại phân bón hóa học, cộng với việc trình độ khoa học kỹ thuật trong canh tác, chăn nuôi còn thấp, vấn đề xử lý nguồn thải còn mang tính giản đơn đã gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng.
|
Sử dụng thuốc BVTV sai cách gây ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe cộng đồng |
Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN & PTNT), Việt Nam hiện có khoảng 1.700 hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật với trên 4.000 sản phẩm thương mại có các tên gọi khác nhau. Đáng lưu ý, chỉ trong những tháng đầu năm 2019 nước ta nhập khẩu thuốc trừ sâu và nguyên liệu đạt gần 82 triệu USD.
Hiện nay, tại các vùng sản xuất nông nghiệp, tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực của bà con nông dân trên các loại cây trồng đang có chiều hướng gia tăng.
Tình trạng ô nhiễm môi trường vì rác thải thuốc bảo vệ thực vật ở nhiều vùng nông thôn hiện ở mức báo động. Người nông dân sau khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật thường có thói quen vứt vỏ chai, bao bì tuỳ tiện tại đồng ruộng, dưới mương nước, ao hồ; một số hộ còn tiêu hủy cùng với rác thải sinh hoạt.
Với tâm lý muốn phòng ngừa dịch hại, diệt sâu nhanh, hiệu quả, nên không ít nông dân tự ý tăng liều lượng, sử dụng thuốc ngoài danh mục. Nhiều vùng sản xuất, lượng thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng gấp 2 – 3 lần so với bình thường, với liều lượng, độc tính cao (vượt mức khuyến cáo).
Lượng thuốc bảo vệ thực vật được phun ra đồng cùng với một số còn tồn đọng trong chai, bao bì là nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng tới hệ sinh thái và sức khoẻ của con người.
Không chỉ vậy, những loại thuốc có vỏ đựng là chai, lọ thủy tinh, nhôm lại tiềm ẩn nguy hiểm cho người đi làm ruộng, vì khi giẫm phải sẽ gây sát thương, nhiễm trùng rất cao.
Theo Tổng hội NN & PTNT, Việt Nam là một trong những quốc gia sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhiều và khó kiểm soát.
Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng, hạn chế sử dụng và cấm sử dụng ở Việt Nam hiện hành có 217 hoạt chất với 664 tên thương phẩm đăng ký phòng trừ cỏ dại trên các loại cây trồng và đất trồng trọt.
Thống kê của Bộ NN & PTNT cho thấy khoảng 5 năm trở lại đây, trung bình mỗi năm Việt Nam chi khoảng 500-700 triệu USD để nhập khẩu nguyên liệu và thuốc trừ sâu từ Trung Quốc.
Trong số các loại thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ cỏ hóa học được sử dụng với khối lượng nhiều và phổ biến nhất do chi phí thấp, hiệu lực sinh học cao. Sản xuất nông nghiệp hữu cơ không sử dụng thuốc trừ cỏ hóa học phải chi phí gấp 20 lần cho phòng trừ cỏ dại so với sản xuất thông thường.
Thuốc trừ cỏ có vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp. Nếu không có tác động của các biện pháp bảo vệ thực vật, sâu bệnh hại và cỏ dại có thể làm giảm năng suất cây trồng 70-75%, trong đó riêng cỏ dại làm giảm năng suất 40-45%.
Mặc dù pháp luật về quản lý thuốc trừ cỏ đã khá đầy đủ, đồng bộ, hài hòa với các nước trong khu vực và trên thế giới. Song sản xuất của Việt Nam còn nhỏ, manh mún, hiểu biết của người sử dụng thuốc còn hạn chế, nông dân hiện vẫn sử dụng thuốc dựa vào thói quen.
Theo nhiều khảo sát cho thấy, 40% nông dân vẫn mua và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo thói quen, tự bắt bệnh, tự mua thuốc và sử dụng.
Trong khi đó, số lượng cửa hàng và người buôn bán thuốc còn nhiều, điều kiện kinh doanh còn lỏng lẻo, lực lượng thanh tra mỏng.
Vai trò của chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc buôn bán, sử dụng thuốc trên địa bàn quản lý chưa được quan tâm và phát huy đúng mức.
Việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật gây ra những hệ lụy xấu, tiêu cực. Thuốc gây độc hại cho người và gia súc, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe cộng đồng, làm ô nhiễm môi trường, diệt cả côn trùng và vi sinh vật có ích, từ đó tạo điều kiện cho dịch bệnh phát triển, bùng phát. Dùng thuốc không đúng kỹ thuật, sẽ nhanh chóng tạo nên tính kháng thuốc của sâu bệnh.
Thuốc bảo vệ thực vật nhiều khi còn để lại dư lượng độc hại trên nông sản làm ngộ độc người sử dụng giảm chất lượng và khả năng cạnh tranh của nông sản trên thị trường. Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật càng nhiều, càng rộng, càng không đúng kỹ thuật thì những nhược điểm, hạn chế, tiêu cực của thuốc càng lớn và nguy hại.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do trình độ hiểu biết về các loại thuốc còn hạn chế. Ý thức, trách nhiệm người sử dụng thuốc đối với bản thân và cộng đồng chưa cao, chưa thấy được trách nhiệm của mình đối với chất lượng sản phẩm do mình làm ra.
Họ chỉ quan tâm đến năng suất, mà chưa quan tâm đến việc bảo vệ sức khỏe của mình và người tiêu dùng, không đảm bảo thời gian cách ly khi phun thuốc bảo vệ thực vật.
Lạm dụng, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật quá liều lượng khuyến cáo, sử dụng sai mục đích là những nguyên nhân chính gây ra một số ảnh hưởng không mong muốn tới sức khoẻ cộng đồng và môi trường.
Do đó, trước tình trạng trên cần sớm xây dựng chiến lược sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ở Việt Nam trong 10-15 năm tới nhằm giảm nguy cơ, giảm thiểu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Đồng thời, cần có lộ trình giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng từ nay đến 2020, giảm từ 30-40% mỗi năm, đặc biệt trên lúa, rau, chè, quả, vùng nông sản xuất khẩu; giảm số lượng hoạt chất trong danh mục 30-40%, số sản phẩm thương mại cho một hoạt chất; nâng tỷ lệ thuốc sinh học, thuốc thân thiện với môi trường lên 40-60% từ nay đến năm 2020.
Phải hạn chế đăng ký sản phẩm cũng như nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật; hạn chế đăng ký sản phẩm thuốc nhóm độc I, II có thời gian cách ly dài, có độc tính cao với ký sinh thiên địch và cá; tăng thuế nhập khẩu với các loại thuốc thuộc diện không khuyến khích sử dụng; định kỳ 3 năm/lần cần rà soát lại sản phẩm; loại bỏ các loại thuốc không hoặc chưa sử dụng trên thị trường, thuốc đã bộc lộ nhiều nhược điểm, hạn chế.
Cùng với việc thắt chặt phương thức quản lý để chọn lọc các sản phẩm thuốc trừ cỏ an toàn và phù hợp điều kiện canh tác của Việt Nam, các địa phương cần tiếp tục tiến hành các hoạt động hướng dẫn, đào tạo nông dân sử dụng các sản phẩm thuốc một cách có trách nhiệm, an toàn và hiệu quả, thay đổi tập quán canh tác cũ là giải pháp bền vững và triệt để nhất.
Bên cạnh đó, cần sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng trong việc quản lý các cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng thuốc đúng cách, an toàn.
Các cấp, các ngành chức năng cần tăng cường tuyên truyền để bà con nông dân thấy được tác hại của rác thải thuốc bảo vệ thực vật, để sau khi sử dụng thì thu gom vỏ, bao bì, chai lọ để vào nơi quy định và đem đi tiêu hủy. Điều này sẽ góp phần bảo vệ môi trường sống ở địa phương cũng như sức khỏe cho chính bản thân, gia đình và xã hội.
Các cơ quan chức năng cần sớm có văn bản huớng dẫn về phương án xử lý các điểm ô nhiễm môi trường và tăng cường tuyên truyền, mở các lớp tập huấn cho cán bộ quản lý cơ sở, cán bộ kỹ thuật và người nông dân về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả.
Đồng thời, xây dựng và nhân rộng các mô hình thí điểm thu gom, tiêu hủy bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng trên phạm vi cả nước theo các vùng trọng điểm trồng lúa, rau, chè; cần có biện pháp quản lý, xử lý các điểm ô nhiễm để ngăn chặn nguy cơ đang ảnh hưởng đối với sức khỏe con người.
Có thể thấy, nếu thực hiện được đồng bộ các nhóm giải pháp trên thì môi trường nông thôn mới sớm được cải thiện, nền nông nghiệp sẽ phát triển ổn định và bền vững.
Đức Phúc
Nguồn:
https://baovemoitruong.org.vn/lam-dung-thuoc-bao-ve-thuc-vat-hau-qua-duoc-bao-truoc/
https://anninhthudo.vn/doi-song/xay-dung-chien-luoc-giam-thieu-nguy-co-do-lam-dung-thuoc-bao-ve-thuc-vat/780036.antd
http://congannghean.vn/kinh-te-xa-hoi/201503/an-hoa-tu-viec-su-dung-thuoc-bao-ve-thuc-vat-tran-lan-593512/