|
Mỗi chúng ta nên thay đổi thói quen, nói không với các sản phẩm nhựa sử dụng một lần, túi ni-lông thông qua việc mua sắm, sinh hoạt |
Rác thải nhựa có ở khắp nơi, không tập trung vào một vùng nào vì từ lâu nhựa đã được con người sử dụng phổ biến.
Theo Hiệp hội Nhựa Việt Nam, trên phạm vi cả nước mỗi ngày có khoảng 80.000 tấn rác thải nhựa được đưa ra môi trường.
Rác thải nhựa được “xả” nhiều nhất hiện nay là bao xốp. Trong đó, 80% được xử lý dưới dạng chôn lấp, phần còn lại được xử lý quay vòng theo dạng tái chế.
Việt Nam đang đứng thứ 17 trong số 109 quốc gia có mức độ ô nhiễm rác thải nhựa lớn nhất và cũng là một trong những quốc gia có lượng rác thải nhựa ra đại dương nhiều nhất thế giới.
Theo Hiệp hội Nhựa Việt Nam, mỗi tháng, riêng thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, có tới 25.000 tấn bao xốp được tiêu thụ.
Theo thống kê, bình quân sử dụng nhựa của Việt Nam hiện chỉ khoảng 45kg/người, thấp hơn rất nhiều so với 150 kg/đầu người của Thái Lan, hay trên 200 kg/đầu người của Nhật.
Nhưng dù có mức sử dụng thấp hơn một số nước khá lớn, nhưng Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia xả rác thải nhựa hàng đầu thế giới hiện nay.
Tại Hội thảo “Rác thải nhựa, khu vực công-tư cùng giải quyết thách thức” được tổ chức đầu tháng 6, Tổ chức Lương nông Liên hợp quốc (FAO) tại Việt Nam cho rằng, năng lực quản lý chất thải ở Việt Nam còn rất hạn chế khiến gánh nặng gia tăng từ chất thải nhựa đối với môi trường và sức khỏe cộng đồng ngày một lớn.
Ước tính có 1,8 triệu tấn chất thải nhựa được tạo ra ở Việt Nam/năm, trong khi lượng nhựa tiêu thụ ước tăng 16-18%/năm.
Cùng với sự phát triển kinh tế là cuộc “xâm lấn” của đồ nhựa, trong đó một lớn là đồ nhựa dùng một lần. Người dùng đồ nhựa không biết rằng một chiếc túi nylon mất hàng trăm năm mới phân hủy được, một chiếc cốc nhựa xốp có thể mất đến 50 năm, còn chai nhựa đựng hóa chất mất hàng trăm năm.
Theo Vụ Quản lý chất thải (Tổng cục Môi trường), nếu trung bình khoảng 10% chất thải nhựa, túi nylon dùng một lần không được tái sử dụng, lượng chất thải nhựa từ sản phẩm sử dụng một lần lên tới 2,5 triệu tấn mỗi năm.
Theo một số nghiên cứu, chất thải nhựa ni-lông khi đốt sẽ tạo ra khí thải tồn tại lâu dài trong môi trường, ảnh hưởng trực tiếp sức khỏe con người; rác thải nhựa nằm rất nhiều dưới đáy đại dương và sẽ trở thành một phần thức ăn đầu độc các sinh vật biển.
Đáng lo ngại, ô nhiễm nhựa gây thiệt hại to lớn cho môi trường và hệ sinh thái như rác thải nhựa bóp nghẹt dòng chảy của các dòng sông, gây phá hủy, hoặc suy giảm đa dạng sinh học.
Nhiều loại sinh vật bị chết do vướng vào lưới đánh cá bị mất, hoặc bị bỏ lại trên các đại dương, cũng như ăn nhầm nhựa do nhầm lẫn với thức ăn.
Các hạt vi nhựa có lẫn trong nước biển có khả năng hấp thụ các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy có sẵn trong nước biển và trầm tích biển. Các hạt này theo chuỗi thức ăn sẽ làm tăng nguy cơ dẫn đến nhiều bệnh lý cho các loài sinh vật bậc cao hơn, bao gồm cả con người.
Rác thải nhựa, ô nhiễm nhựa đang trở thành một trong những thách thức lớn nhất mà con người phải đối mặt.
Vì vậy, Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn (tuần thứ ba tháng 9 hằng năm) năm 2019, được Liên hợp quốc tập trung vào vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa bằng việc khuyến khích tất cả các quốc gia và địa phương cùng nhau hành động chống ô nhiễm rác thải nhựa.
Rác thải nhựa còn ảnh hưởng xấu tới sức khỏe con người. Nhựa sẽ tan chảy trong khoảng nhiệt độ từ 70 – 800 độ C và hòa vào thực phẩm, đi vào cơ thể của con người.
Những chất độc đó tích lũy lâu ngày sẽ gây ra các bệnh vô cùng nguy hiểm. Đặc biệt, trong nhựa có chứa một chất độc hại là DOP có thể gây ảnh hưởng giới tính ở các bé trai và gây vô sinh ở các bé gái.
Hiện chúng ta vẫn dùng cách đốt hoặc chôn lấp rác, đều chỉ giải quyết trước mắt chứ không phải là giải pháp thật sự hữu ích.
Để thực hiện tốt mục tiêu đã đề ra, hiện thực hóa chủ đề “Hành động địa phương, tác động toàn cầu”, Bộ TN và MT đề nghị các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và cộng đồng không sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần tại các cơ quan, đơn vị; phát động phong trào thu gom, phân loại các sản phẩm dùng từ nhựa, bao bì, túi ni-lông và vận chuyển đến nơi tái chế, xử lý theo quy định.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về tác hại của chất thải nhựa, túi ni-lông đối với kinh tế - xã hội, môi trường và sức khỏe con người; xây dựng các giải pháp hữu hiệu nhằm giảm tiêu thụ, tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa đến cộng đồng và người dân.
Các doanh nghiệp, siêu thị, chợ, trung tâm thương mại sử dụng các sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường, từng bước giảm đến mức thấp nhất, hạn chế sản phẩm nhựa dùng một lần, khó phân hủy; tổ chức sản xuất các sản phẩm thay thế các sản phẩm nhựa dùng một lần bằng các sản phẩm thân thiện với môi trường bảo đảm chất lượng, kỹ thuật và quy định của pháp luật...
Mỗi người dân cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực tham gia, tổ chức các hoạt động chống rác thải nhựa bằng các sáng kiến và hành động cụ thể, thiết thực.
Thay đổi thói quen, nói không với các sản phẩm nhựa sử dụng một lần, túi ni-lông thông qua việc mua sắm, trong sinh hoạt, làm việc, lao động thường ngày; sử dụng thay thế bằng các loại sản phẩm thân thiện với môi trường.
Tham gia tích cực các hoạt động bảo vệ môi trường tại nơi sinh sống bằng những hành động nhỏ nhất như phân loại, tái chế, tái sử dụng chất thải, sử dụng tiết kiệm nguyên, nhiên liệu; lên án kịp thời những hành vi gây ô nhiễm môi trường, thói quen sử dụng lãng phí tài nguyên, năng lượng.