Hà Nam: Ô nhiễm môi trường từ rác, nước thải
10:02 - 26/08/2019
(MTNT)- Thời gian gần đây, tình trạng ô nhiễm môi trường từ rác, nước thải trên địa bàn tỉnh đã và đang ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, đời sống của người dân. 
Nâng cấp, duy tu, bảo dưỡng để giảm thiểu ô nhiễm môi trường trên các tuyến đường (ảnh minh họa, nguồn Internet)


Tỉnh hiện có ba doanh nghiệp đang hoạt động thu gom, xử lý rác thải. Trong đó, Công ty cổ phần môi trường Thanh Thủy đang có công suất thu gom, xử lý rác thải lớn nhất. Theo cam kết với UBND tỉnh, ngày 2-1-2019, công ty chính thức đưa nhà máy xử lý rác thải số 2 đi vào hoạt động. Với công suất thiết kế 120 tấn rác thải/ngày đêm, cộng với công suất 100 tấn/ngày đêm của nhà máy số 1, nâng tổng công suất xử lý rác thải của công ty lên hơn 200 tấn/ ngày đêm. Tro xỉ sau xử lý bảo đảm yêu cầu 100 tấn rác thải tươi sau khi xử lý chỉ còn 10 tấn tro xỉ. Mặc dù lượng tro xỉ thải ra không thật sự lớn, song với lượng rác còn tồn đọng quá nhiều từ Công ty cổ phần Môi trường Ba An trước đây, cùng với lượng rác thải xử lý mỗi ngày quá lớn khiến cho công ty này gặp khó khăn về bãi chôn lấp.
 
 
Mỗi ngày Công ty cổ phần môi trường Hà Nam xử lý được 50 tấn rác thải/ngày đêm. Dù đã đi vào hoạt động được gần ba tháng, tuy nhiên có những ngày Công ty không có rác để xử lý, bởi hiện nay công ty chưa được tiến hành thu gom rác mà vẫn phải phụ thuộc vào lượng rác vận chuyển đến từ Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Hà Nam. Do đường vận chuyển khó khăn nên các xe rác từ Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Hà Nam vào rất hạn chế.
 
 
Công ty cổ phần môi trường Tâm Sinh Nghĩa đóng trên địa bàn huyện Duy Tiên đã dừng hoạt động từ 02 năm nay, dẫn đến tình trạng ứ đọng rác thải sinh hoạt tại một số xã của các huyện: Duy Tiên, Lý Nhân và Bình Lục. Mặc dù trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Hà Nam, lãnh đạo công ty đã hứa sẽ tiến hành lắp đặt thêm dây chuyền xử lý để hết quý I-2019, tiến hành thu gom và xử lý toàn bộ rác thải trên địa bàn huyện Duy Tiên. Nhưng đến nay, công ty vẫn chưa xử lý xong lượng rác còn tồn đọng, chưa lắp đặt thêm dây chuyền xử lý.
 
 
Tại Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Ðọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh phải tiến hành chôn lấp rác thải sinh hoạt của nhân dân ngay tại các cánh đồng của xã Ðọi Sơn 4 lần/tháng. Bởi lượng rác thải được tập kết về địa điểm trung chuyển của xã quá lớn. Nếu không chôn lấp sẽ gây ô nhiễm môi trường ngay tại các bãi rác tập trung, ảnh hưởng lớn tới sản xuất cũng như đời sống của người dân. Song điều đáng nói là việc chôn lấp rác thải hiện nay ở địa phương cũng đang gặp khó khăn vì quỹ đất để chôn lấp hiện không còn. Việc chôn lấp thủ công đang gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường cục bộ, do lượng nước thải từ các bãi rác ngấm ra chung quanh. Cùng với đó là kinh phí mà chính quyền xã phải chi lên đến cả chục triệu đồng cho một lần chôn lấp rác cũng là quá sức đối với địa phương.
 
 
Bên cạnh đó, nhiều năm qua, nguồn nước sông ở Hà Nam thường bị ô nhiễm nặng nề. Nguồn nước từ các kênh tưới tiêu phục vụ nông nghiệp cũng vì thế mà ảnh hưởng.
 
 
Tại kênh A48, đặt tại thôn Chợ Lương, xã Yên Bắc, huyện Duy Tiên là kênh phục vụ tưới tiêu, trồng trọt cho cả địa bàn thường xuyên xảy ra tình trạng nổi bọt trắng xóa, bốc mùi hôi thối khiến người dân điêu đứng.
 
 
Cuối năm 2018, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh đã ra thông báo về tình hình ô nhiễm nước ở sông Duy Tiên đã chảy tới sông Châu Giang và có khả năng ảnh hưởng đến sông Đáy do cống Nhật Tựu đang đóng. Tại Đập Phúc, cầu Câu Tử nước đã có màu đen, mùi thối. Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường đã lấy và phân tích mẫu nước tại các vị trí trên, phát hiện nồng độ các chất ô nhiễm vượt nhiều lần mức cho phép.
 
 
Bên cạnh đó, khu vực phía Tây sông Đáy gồm 2 huyện Thanh Liêm và Kim Bảng hiện có hàng chục doanh nghiệp khai thác, chế biến đá, sản xuất vật liệu xây dựng gây ô nhiễm môi trường tạo nên những bức xúc đối với nhân dân trên địa bàn như: Công ty TNHH SAVINA Hà Nam sản xuất vôi công nghiệp; Công ty Tầm nhìn Quốc tế sản xuất bột đá; Công ty Bình Minh, khai thác đá; Công ty Thiên Sơn, khai thác đá; Công ty TNHH Nam Sơn, khai thác đá…
 
 
Điển hình như Công ty TNHH SAVINA Hà Nam sản xuất vôi công nghiệp xuất khẩu hoạt động từ 2012, nhưng đến nay không xây dựng hệ thống xử lý khói thải và bụi thải, ngang nhiên xả trái phép ra môi trường. Bởi vậy, sau khi khói bụi, nước xỉ, nước vôi được thải ra đã ảnh hưởng xấu đến môi trường, cuộc sống của người dân bị đảo lộn.
 
 
Hiện trên địa bàn tỉnh có 09 mỏ đá vôi, sét xi măng của 06 doanh nghiệp đang hoạt động đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép và 88 mỏ khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp tỉnh đang hoạt động, chủ yếu ở hai huyện này.
 
 
Tại các xã Thanh Thủy, Thanh Tân, Thanh Nghị và thị trấn Kiện Khê của huyện Thanh Liêm; xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng, nơi tập trung nhiều nhà máy sản xuất xi-măng và nhà máy khai thác, chế biến đá, tình trạng ô nhiễm môi trường do hoạt động khai thác, chế biến vật liệu xây dựng, hoạt động sản xuất xi-măng, hoạt động cầu cảng, máng rót trái phép và các xe vận chuyển vật liệu chở quá tải, làm rơi vãi vật liệu ra đường, gây bụi, tiếng ồn… gây bức xúc trong cộng đồng dân cư.
 
 
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, nhiều doanh nghiệp ở khu vực phía Tây sông Đáy chưa xây dựng các công trình bảo vệ môi trường đã đi vào hoạt động; chưa đóng góp kinh phí hỗ trợ các đơn vị dịch vụ môi trường thực hiện các biện pháp giảm ô nhiễm. Doanh nghiệp khai thác, chế biến đá không thực hiện đúng các giải pháp xử lý bụi, khí thải, nước thải, chất thải rắn theo cam kết trong báo cáo đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường đã được phê duyệt và nhiều đơn vị chưa lập báo cáo hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường. Một số doanh nghiệp khai thác đá không đúng thiết kế mỏ, vượt công suất, lập hộ chiếu nổ mìn không đầy đủ… Đáng chú ý, hầu hết các doanh nghiệp cầu cảng không thực hiện nghiêm túc các biện pháp bảo vệ môi trường trong quá trình xuất; vẫn còn hoạt động của một số cầu cảng, máng rót tự phát.
 
 
Trước tình trạng trên, chính quyền tỉnh đã chỉ đạo các địa phương, chủ động đưa ra các phương án, linh hoạt trong triển khai thực hiện; tổ chức thu gom, phân loại, xử lý bằng hình thức phun chế phẩm; sau khi phân loại rác sơ bộ, các địa phương đã chôn lấp lộ thiên và đốt thủ công.
 
 
Các sở, ngành, địa phương tiếp tục chỉ đạo, quán triệt các đơn vị liên quan và doanh nghiệp tổ chức thực hiện nghiêm nội dung, nhiệm vụ trong Đề án 2617 về giảm thiểu ô nhiễm môi trường; tuyên truyền phổ biến quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường để doanh nghiệp, địa phương nâng cao ý thức trách nhiệm trong công tác bảo vệ môi trường; tăng cường sử dụng các biện pháp trinh sát, nghiệp vụ để nắm bắt tình hình, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp hoạt động khai thác, chế biến vật liệu xây dựng vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; thường xuyên kiểm tra, đảm bảo quy trình hoạt động của các trạm cân để phát huy hiệu quả việc kiểm tra, xử lý; nâng cấp, duy tu, bảo dưỡng để giảm thiểu ô nhiễm môi trường trên các tuyến đường; thường xuyên kiểm tra việc thực hiện quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, công nghệ trong khai thác khoáng sản…

Thái Hoàng
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn