Tập trung bảo vệ môi trường làng nghề
16:42 - 08/10/2019
(MTNT) - Theo thống kê, cả nước có hơn 4.500 làng nghề và làng có nghề với lưu lượng xả nước thải trung bình khoảng 156.000 m3/ngày đêm. Hầu hết, nước thải từ hoạt động của các làng nghề đều xả trực tiếp ra ao, hồ, kênh mương tiêu ngay trong khu vực làng nghề và chưa được xử lý, hay xử lý chưa đáng kể gây ô nhiễm môi trường.
Sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền ở một số địa phương còn hạn chế nên chưa tạo ra sự chuyển biến tích cực về bảo vệ môi trường tại các làng nghề


Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hà Nam có 52 làng nghề, trong đó có 35 làng nghề truyền thống và 17 làng nghề mới được hình thành. Các làng nghề đã tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương. Song thực tế cho thấy, tình trạng ô nhiễm môi trường ở một số làng nghề ở mức báo động như làng nghề dệt, nhuộm Nha Xá - huyện Duy Tiên, làng nghề dệt nhuộm Hòa Hậu - huyện Lý Nhân, giặt tẩy Thanh Hà - huyện Thanh Liêm,  làng nghề làm bún, miến, bánh đa nem…


Nhìn chung các làng nghề sản xuất còn manh mún, tự phát, làm thủ công hoặc thiết bị máy móc còn lạc hậu. Trình độ quản lý còn thấp, hầu hết người quản lý chưa qua lớp đào tạo bồi dưỡng kiến thức quản lý, kỹ thuật mới một cách có hệ thống để đáp ứng các yêu cầu của cơ chế thị trường. Các sản phẩm của làng nghề sản xuất ra tiêu thụ còn khó khăn. Ý thức bảo vệ môi trường của các hộ làm nghề chưa cao. Hầu hết các làng nghề đều có mặt bằng sản xuất chật hẹp, việc đầu tư xây dựng các công trình xử lý nước thải, khí thải, bụi, tiếng ồn gặp nhiều khó khăn, đó là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường không khí, đất, nước.


Theo số liệu điều tra, 100% các hộ gia đình sản xuất trong các làng nghề đều không có hệ thống xử lý nước thải và 100% các làng nghề không có hệ thống xử lý nước thải tập trung, nước thải được xả trực tiếp vào các ao, hồ trong làng, gây ô nhiễm môi trường nước nghiêm trọng; nhất là làng nghề Nha Xá - xã Mộc Nam - huyện Duy Tiên và làng nghề dệt Nhuộm tại xã Hòa Hậu - huyện Lý Nhân. Theo kết quả phân tích nước ao, hồ của một số làng nghề cho thấy chỉ tiêu BOD, COD và colifom đều vượt tiêu chuẩn cho phép. Chỉ tiêu BOD vượt từ 4,5 -24,7 lần; COD vượt từ 12,32 -72 lần  so với tiêu chuẩn TCVN 5942-1995.


Qua kiểm tra các hộ gia đình dệt nhuộm của làng nghề Nha Xá và Hoà Hậu lượng hóa chất nhuộm được mua tự do, không có nhãn mác hàng hóa, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Chính lượng hóa chất này đã phát tán vào không khí gây ô nhiễm môi trường và trong quá trình nhuộm, lượng hóa chất dư thừa có trong nước thải ngấm xuống lòng đất gây ô nhiễm môi trường đất và nước dưới đất.


Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tích cực chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai các biện pháp bảo vệ môi trường làng nghề. Tuy nhiên, do sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền ở một số địa phương còn hạn chế, nên chưa tạo ra sự chuyển biến tích cực về bảo vệ môi trường tại các làng nghề.


Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có khoảng 169 làng nghề, với các loại hình sản xuất như hàng thủ công mỹ nghệ, thêu ren, đồ gỗ mỹ nghệ; khai thác và chế biến vật liệu xây dựng, chế tác đá mỹ nghệ; ươm tơ dệt lụa; chế biến lương thực, thực phẩm, giết mổ; luyện kim, cơ khí... Hầu hết, các làng nghề có quy mô nhỏ, trình độ sản xuất thấp, công nghệ lạc hậu, hoạt động sản xuất xen kẽ trong các khu dân cư gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng.


Theo kết quả điều tra của Chi cục bảo vệ môi trường Thanh Hóa, tất cả các làng nghề được điều tra (22% số làng nghề) chưa có biện pháp thu gom, xử lý khí thải tập trung. Tỷ lệ các cơ sở hoạt động trong các làng nghề xây dựng hệ thống xử lý khí thải rất thấp; việc vận hành chưa đạt hiệu quả. Qua kết quả phân tích chất lượng môi trường không khí xung quanh tại 9 làng nghề (lựa chọn) so sánh với QCVN 05:2009/BTNMT- Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCKTQG) về chất lượng không khí xung quanh; QCVN 06:2009/BTNMT - QCKTQG về một số chất độc hại trong không khí xung quanh; QCVN 26:2010/BTNMT/BTNMT: QCKTQG về tiếng ồn cho thấy: 7/9 làng nghề được lấy mẫu phân tích đều có dấu hiệu bị ô nhiễm bởi các chỉ tiêu như bụi, SO2, H2S.


Làng nghề vôi đá Đông Tân, Đông Hưng, huyện Đông Sơn có nồng độ bụi tại Trung tâm sản xuất của làng vượt QCVN 1,82 lần; tại khu dân cư Ngã Ba Nhồi, xã Đông Tân vượt 1,29 lần. Làng nghề chế biến hải sản tại xã Hải Thanh, huyện Tĩnh Gia, nồng độ NH3 tại khu vực trung tâm làng nghề vượt QCVN 1,08 lần. Làng nghề cơ khí Tiến Lộc, xã Tiến Lộc, huyện Hậu Lộc, tại khu vực trung tâm của làng nghề, nồng độ bụi vượt 1,21 lần; SO2 vượt 1,2 lần; khu vực cổng của làng nghề, nồng độ bụi vượt 1,16 lần.

Hầu hết, các làng nghề chưa được đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung; các cơ sở, doanh nghiệp có hệ thống xử lý nước thải chiếm tỷ lệ rất thấp; nước thải chưa được thu gom xử lý hoặc chưa qua xử lý thải trực tiếp ra môi trường gây ô nhiễm nước mặt, nước ngầm khu vực xung quanh.


Điển hình, làng nghề ươm tơ, dệt nhiễu Hồng Đô, xã Thiệu Đô, huyện Thiệu Hóa, hiện có 40 hộ trong làng làm nghề ươm tơ, dệt nhiễu. Lượng nước thải phát sinh từ quá trình ươm tơ khoảng 10 m3/ngày đêm/hộ gia đình. Loại nước thải này có độ màu cao, nhưng không được xử lý, thải trực tiếp ra môi trường.


Kết quả phân tích chất lượng môi trường nước thải, nước mặt và nước ngầm khu vực xung quanh của 9 làng nghề (đại diện) vào tháng 11/2013 cho các loại hình sản xuất khác nhau so sánh với QCVN 08:2008/BTNMT, cột B1; QCVN 09:2008/BTNMT; QCVN 40:2011/BTNM; QCVN 11:2008/BTNMT; QCVN 14:2008/BTNMT, cho thấy còn nhiều làng nghề đang bị ô nhiễm bởi các chỉ tiêu: TSS, COD, BOD; NH4+, Coliform.
Tại các làng nghề, chất thải rắn sản xuất phát sinh từ quá trình sản xuất, kinh doanh của các cơ sở, doanh nghiệp chưa được xử lý hoặc xử lý không triệt để đã và đang nảy sinh nhiều vấn đề ô nhiễm môi trường nông thôn, tác động xấu đến môi trường đất, nước, không khí và sức khỏe của người dân trong làng nghề. Điển hình là làng nghề chế biến và khai thác đá Đông Tân, Đông Vinh, thành phố Thanh Hóa; xã Yên Lâm, huyện Yên Định; xã Hà Phong, huyện Hà Trung… bột đá phát sinh từ quá trình sản xuất chưa được xử lý, hiện đang chất đống trong khuôn viên từng cơ sở trong làng nghề.


Theo số liệu thống kê của Chi cục Bảo vệ Môi trường Thanh Hóa, tại 37/169 làng nghề được điều tra, tổng lượng chất thải rắn phát sinh khoảng 37,5 tấn/ngày. Tỷ lệ thu gom, xử lý đạt khoảng 60%, khoảng 30% đưa đến nơi quy định của địa phương và 10% thải ra môi trường.


Trước thực trạng trên, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có nêu trách nhiệm, quyền hạn của các bên liên quan trong công tác BVMT làng nghề. Song quản lý môi trường làng nghề vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập chưa được giải quyết ở các mức độ và cấp độ quản lý khác nhau.


Các làng nghề rất đa dạng về quy mô sản xuất, loại hình sản xuất với những đặc thù riêng, tuy nhiên, cho đến nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định riêng đối với vấn đề bảo vệ môi trường làng nghề theo đặc thù của mỗi loại hình sản xuất. Các văn bản hướng dẫn hiện hành đều quy định chung cho tất cả các loại hình sản xuất kinh doanh, do đó, để áp dụng vào làng nghề nhiều khi không phù hợp hoặc khó áp dụng.


Tỉnh Nam Định có khoảng 120 làng nghề, với trên 55.000 lao động. Các làng nghề giữ vai trò quan trọng trong việc tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế của địa phương. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng ô nhiễm môi trường tại một số làng nghề đang ở mức báo động, gây ra nhiều hệ lụy ảnh hưởng đến môi trường sống.


Làng nghề sơn mài, mây tre đan xuất khẩu tại xã Yên Tiến, huyện Ý Yên có khoảng 3.000 hộ tham gia sản xuất các sản phẩm sơn mài tre, nứa chắp, mộc mỹ nghệ. Đa số các hộ dân tại đây đều sản xuất thủ công, nhận khoán sản phẩm gia công cho các doanh nghiệp nên ý thức bảo vệ môi trường hạn chế. Người dân thường ngâm tre nứa tại các con sông, kênh mương khiến môi trường nước bị ô nhiễm nghiêm trọng. Tại xã Yên Tiến, mỗi ngày làng nghề tiêu thụ khoảng 100 tấn nứa. Trước khi đưa vào sản xuất, tất cả số nứa này phải được ngâm nước nhằm chống mối mọt, do vậy gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường. Xã nhiều lần tuyên truyền, khuyến khích người dân tự đào hố để ngâm nhưng đây cũng chỉ là giải pháp tình thế, chưa giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm.


Làng nghề cơ khí, đúc đồng Tống Xá, xã Yên Xá, huyện Ý Yên với hơn 60% hộ dân làm nghề có nhiều vấn đề nhức nhối về môi trường trong những năm qua. Đa số các xưởng cơ khí, đúc đồng điều kiện làm việc thiếu thốn, không gian chật hẹp, không khí nồng nặc từ các lò nấu kim loại, nhất là nguồn nước thải từ những cơ sở sản xuất làm cho các dòng sông, kênh trên địa bàn bị ảnh hưởng.


Người dân địa phương phản ánh, các cơ sở sản xuất thường hoạt động vào ban đêm, lợi dụng thời điểm người dân đã ngủ, không có ai để ý, giám sát để xả nước thải, khí thải độc hại ra môi trường. Người dân nơi đây, đặc biệt lao động trực tiếp làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đang phải sống chung với ô nhiễm nguồn nước, tiếng ồn từ khu, cụm công nghiệp, làng nghề và đối mặt với nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe.


Hàng ngày, các làng nghề trên địa bàn huyện Ý Yên thải ra môi trường nhiều loại chất thải độc hại chưa được xử lý, tác động xấu tới môi trường và người dân. Bên cạnh đó, nhiều làng nghề sản xuất đơn lẻ nằm rải rác ở các địa phương khiến công tác quản lý Nhà nước về thực hiện các quy định an toàn, đảm bảo các tiêu chuẩn môi trường gặp nhiều khó khăn.


Kết quả quan trắc hiện trạng môi trường của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nam Định cho thấy, nước thải của các làng nghề trên địa bàn tỉnh bị ô nhiễm. Các thông số: COD, Sunfua, Amoni đều vượt giới hạn.


Ô nhiễm có xu hướng nghiêm trọng hơn tại các làng nghề đúc nhôm Bình Yên ở xã Nam Thanh, làng rèn Vân Chàng, cơ khí Đồng Côi ở thị trấn Nam Giang (huyện Nam Trực); làng nghề cơ khí, đúc đồng Tống Xá ở xã Yên Xá (huyện Ý Yên); làng nghề cơ khí Xuân Tiến (huyện Xuân Trường)... 


Việc các làng nghề tại Nam Định, đặc biệt là các làng nghề cơ khí, thủ công mỹ nghệ phát triển, mở rộng quy mô sản xuất đã khiến việc xử lý ô nhiễm môi trường gặp nhiều khó khăn. Trong khi những giải pháp xử lý các vấn đề về môi trường chưa mang lại hiệu quả, người dân làng nghề phải hứng chịu những tác động không nhỏ, ảnh hưởng tới đời sống, sức khỏe.


Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nam Định, để giải quyết triệt để vấn nạn ô nhiễm môi trường tại các làng nghề phải bắt đầu từ ý thức của người dân. Do đó, cùng với các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao hiểu biết, nhận thức cho cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường, gắn trách nhiệm bảo vệ, xử lý các vấn đề về môi trường cho lãnh đạo các xã có làng nghề.


 Đồng thời, đầu tư xây dựng hạ tầng Cụm Công nghiệp tại các địa phương trong tỉnh để chuyển làng nghề ra khu sản xuất tập trung nhằm giải quyết các vấn đề môi trường. Tỉnh cũng đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải cho hai Cụm Công nghiệp Xuân Tiến và Tống Xá; hỗ trợ xây dựng bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt tại 12 xã, thị trấn có làng nghề. Nam Định phấn đấu đến năm 2020, cơ bản kiểm soát tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề.


Để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, các địa phương cần đề ra một lộ trình triển khai thực hiện cụ thể và thực hiện đồng bộ các giải pháp trên, tại các địa phương, từng hộ gia đình và  các cá nhân. Có như vậy, tình trạng ô nhiễm môi trường ở các làng nghề sẽ từng bước được đẩy lùi.
 

Bình Lý

Nguồn:
https://dantocmiennui.vn/xa-hoi/cai-thien-moi-truong-cac-lang-nghe-tai-nam-dinh/230484.html
http://tapchimoitruong.vn/pages/article.aspx?item=Hi%E1%BB%87n-tr%E1%BA%A1ng-v%C3%A0-c%C3%A1c-gi%E1%BA%A3i-ph%C3%A1p-b%E1%BA%A3o-v%E1%BB%87-m%C3%B4i-tr%C6%B0%E1%BB%9Dng-l%C3%A0ng-ngh%E1%BB%81-tr%C3%AAn-%C4%91%E1%BB%8Ba-b%C3%A0n-t%E1%BB%89nh-Thanh-H%C3%B3a-38734
http://tnmthanam.gov.vn/index.php/vi/news/Moi-truong/Tinh-trang-o-nhiem-moi-truong-lang-nghe-o-Ha-Nam-67/
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn