Hà Tĩnh: Báo động ô nhiễm môi trường từ rác, nước thải
14:38 - 30/09/2019
(MTNT)- Đó là tình trạng diễn ra phổ biến trên địa bàn tỉnh. Theo ước tính, mỗi ngày, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh khoảng 647 tấn.
Vẫn còn tình trạng người dân đốt rác gây ô nhiễm môi trường


Toàn tỉnh hiện có 211 đơn vị thu gom, vận chuyển rác thải, tỷ lệ thu gom rác thải ở khu vực nông thôn đạt 70%, trong đó có 10 bãi rác, 6 lò đốt và 2 nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt đang hoạt động với công suất thiết kế 700 tấn/ngày đêm. Các nhà máy chỉ xử lý được khoảng 220 tấn/ngày đêm.
 
 
Tại thị trấn Hương Khê (huyện Hương Khê), mỗi ngày có khoảng 13-14 tấn rác thải rắn nhưng đến nay địa phương vẫn chưa có bãi rác. Rác được tập kết tại hành lang đường giao thông, rồi vận chuyển sang tỉnh Quảng Bình xử lý. Tình trạng này đã kéo dài khiến mùi thối nồng nặc.
 
 
Bãi rác Phượng Thành là địa điểm tiếp nhận, xử lý rác thải khoảng 50 tấn/ngày đêm lượng rác thải phát sinh trên địa bàn huyện Ðức Thọ. Rác thải sinh hoạt sau khi tập kết sẽ được xử lý bằng hình thức đốt thủ công, san gạt và chôn lấp.
 
 
Cuối năm 2017, sau khi bãi xử lý rác thải sinh hoạt tại xứ đồng Trại Lợn, xã Gia Phố quá tải buộc phải đóng cửa, công tác thu gom, xử lý rác thải trở thành nhiệm vụ bất khả thi đối với chính quyền và người dân nơi đây. Dọc theo các tuyến quốc lộ đến các đường liên xã, liên xóm, hay dọc theo sông suối, ao hồ nơi đâu cũng ngổn ngang rác.
 
 
Bên cạnh đó, tình trạng nước thải sinh hoạt nông thôn phân tán trên diện rộng nên khó thu gom, xử lý, trở thành điểm nóng ở một số địa phương, gây bức xúc trong cộng đồng. Điển hình như khu vực 14 hồ nuôi tôm của Hợp tác xã Bảo An Phú, xã Kỳ Xuân (huyện Kỳ Anh), trong đó chỉ có 1 hồ xử lý nước thải, còn 13 hồ nuôi tôm thời vụ được xây dựng cạnh dòng nước Khe Ngâm. Qua kiểm tra của cơ quan chức năng, hồ tôm vẫn chưa có đánh giá tác động về môi trường.
 
 
Nhiều năm qua người dân nơi đây đã liên tiếp phản ánh, tố cáo việc xả chất thải gây ô nhiễm của dự án nuôi tôm này lên các cơ quan chức năng. Nước thải từ hồ nuôi đã khiến cho dòng nước khe này bị ô nhiễm, bốc mùi hôi thối. Đường ống dẫn nước từ điểm nuôi tôm tạo thành những con mương nhỏ, dẫn nước đen chảy ra biển Kỳ Xuân. Xác tôm chết cùng những lớp bùn dày này tạo nên mùi hôi thối làm ảnh hưởng đến người dân nơi đây.
 
 
Tương tự, tại xã Thạch Hải (huyện Thạch Hà) có 7 hộ dân cải tạo 11,8ha đất đầu tư nuôi tôm trên cát. Khu vực nuôi tôm không có hồ lắng xử lý nước thải, nước thải theo đường ống đổ thẳng ra biển. Những sai phạm trên không được chính quyền địa phương xử lý, gây bức xúc cho người dân.
 
 
Tại bãi biển thôn Bắc Hòa và Phú Hòa, xã Cẩm Hòa (huyện Cẩm Xuyên), hệ thống mương thoát nước chạy dài hàng trăm mét từ khu vực gần một số hồ nuôi tôm ở bên trong gần khu dân cư ra phía ngoài biển. Nước trên mương có màu đen, kèm theo mùi hôi thối khó chịu.
 
 
Mới đây, tại khu vực sông Già đoạn chảy qua hai xã Thạch Kênh và Thạch Liên (huyện Thạch Hà), nước có màu nâu sẫm, bốc mùi.
 
 
Nguyên nhân do người dân gặt lúa, không thu dọn rơm rạ, gặp mưa lũ đã bị ngập úng, phân hủy, nước chảy xuống sông Già cuốn theo nhiều hợp chất hữu cơ khiến nước sông chuyển màu đỏ, cặn. Bên cạnh đó nước sông Già còn chứa nhiều hợp chất khác mà theo kết qua phân tích ban đầu của cơ quan chức năng, hàm lượng sắt trong nước vượt mức cho phép 6 lần.
 
 
Sự việc ô nhiễm nghiêm trọng này đã khiến 4000 hộ dân thuộc các xã Thạch Liên, Thạch Kênh, Phù Việt, Việt Xuyên (huyện Thạch Hà) và xã Quang Lộc (huyện Can Lộc) đang sử dụng nước của Nhà máy nước sạch cụm Bắc Thạch Hà lọc từ sông Già phải tạm dừng sử dụng và quay lại dùng nước mưa, nước giếng để sinh hoạt.
 
 
Trước thực trạng trên, tỉnh đã đẩy mạnh phân loại xử lý rác thải tại nguồn ở các hộ gia đình hoặc tập trung ở các khu sản xuất nông nghiệp. Theo đó, rác thải được phân loại thành rác tái chế, rác khó phân hủy và dễ phân hủy. Từ đó các hộ gia đình, Hợp tác xã sản xuất sẽ tập trung rác hữu cơ tại các khu sản xuất nông nghiệp, kết hợp với chất thải chăn nuôi để ủ với chế phẩm sinh học làm phân bón hữu cơ vi sinh.
 
 
Một số xã đã xây dựng thành công nhiều mô hình phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình như: Tượng Sơn, Nam Hương, Thạch Điền, Thạch Tiến, Hương Trà, Tùng Ảnh... Trong đó, điển hình là xã Tượng Sơn, huyện Thạch Hà đã xây dựng nhiều mô hình phân loại xử lý chất thải tại nguồn trên địa bàn xã. Hiện, có hơn 71.000 hộ dân thực hiện phân loại rác tại hộ và hơn 30.000 hộ đã được tập huấn sử dụng chế phẩm sinh học ủ phân hữu cơ tại nhà. Đặc biệt, toàn tỉnh đã xây dựng gần 300 mô hình ủ phân vi sinh tập trung.
 
 
Để xử lý ô nhiễm nước thải, Văn phòng Điều phối thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM và Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ Hà Tĩnh thực hiện thí điểm thành công mô hình thu gom, xử lý rác thải, nước thải đầu nguồn tại một số địa phương.
 
 
Theo đó, người dân sẽ sử dụng hệ thống bể xử lý yếm khí kết hợp bổ sung chế phẩm sinh học gồm các vi sinh vật và enzyme đặc hữu để phân hủy nhanh chất hữu cơ, đạm, và một số vi khuẩn có hại. Sau khi nước được xử lý sẽ chảy sang bể lắng để ngưng tụ lại và tiếp tục phân hủy trước khi chảy ra môi trường hoặc tái sử dụng để tưới cây. Đối tượng nước thải được xử lý là nước thải sinh hoạt và nước thải chăn nuôi đã qua xử lý biogas.
 
 
Đến nay tỉnh đã xây dựng thí điểm một số mô hình thu gom, xử lý nước thải tại hộ gia đình ở các địa phương như: Huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên... bước đầu đã có những kết quả khả quan.
 
 
Mô hình khắc phục hạn chế về chi phí đầu tư cao cho thu gom xử lý tập trung; phương án thu gom xử lý nhỏ lẻ tại chỗ với công nghệ đơn giản, dễ áp dụng, chi phí thấp và phù hợp với khu vực nông thôn mà vẫn đạt hiệu quả.

Trần Thanh
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn