Hội ND các cấp đa dạng hóa các hoạt động bảo vệ môi trường
15:23 - 02/03/2020
(MTNT) - Những năm qua, các cấp Hội trên cả nước đã vận động hội viên, nông dân tham gia phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Các cấp Hội vận động hội viên, nông dân không sử dụng các chế phẩm trong sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi không xả thải trực tiếp ra kênh rạch, gây ô nhiễm môi trường



Để thực hiện hiệu quả Chỉ thị 19 của Thành ủy thực hiện Cuộc vận động “Người dân thành phố Hồ Chí Minh không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước”, Ban Thường vụ Hội ND thành phố đã tập trung chỉ đạo, lãnh đạo các cấp Hội thực hiện thông qua hệ thống văn bản nâng cao ý thức của cán bộ, hội viên, nông dân về công tác bảo vệ môi trường, góp phần thực hiện chủ trương, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn.


Ban Thường vụ Hội ND thành phố ký kết chương trình phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường nhằm tuyên truyền cho cán bộ, hội viên nông dân nâng cao kiến thức về bảo vệ môi trường với nhiều hình thức phong phú.


Cùng với đó, Hội phát huy hiệu quả của 137 CLB “Nông dân với môi trường” và 172 mô hình “Hội tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu” làm nòng cốt trong tổ chức các hoạt động ra quân vệ sinh môi trường.


Các cấp Hội đã tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, nông dân để nâng cao tinh thần trách nhiệm, tiên phong, gương mẫu vận động gia đình, người thân, nhân dân cùng thực hiện, tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường như: Bỏ rác đúng nơi quy định, thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, ra quân ngày chủ nhật xanh hàng tuần, thực hiện phong trào “15 phút quét sân trước nhà”, hằng ngày; phát động phong trào “Chống rác thải nhựa”; phối hợp thông tin tuyên truyền trên hệ thống các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao trách nhiệm, ý thức cộng đồng trong thực hiện Chỉ thị 19 của Thành ủy.


Các cấp Hội tuyên truyền, quán triệt đến 100% cán bộ Hội thực hiện tốt Cuộc vận động gắn với việc đăng ký học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tổ chức 232 buổi tuyên truyền, quán triệt Chỉ thị 19 kết hợp tuyên truyền, vận động hội viên tham gia bảo vệ môi trường, không xả rác ra đường, kênh rạch cho 4,5 nghìn lượt hội viên; tổ chức tập huấn kỹ thuật, vệ sinh chuồng trại, nhà hàng, vườn gắn với tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi an toàn, hiệu quả cho trên 13 nghìn hội viên; vận động hội viên, nông dân không sử dụng các chế phẩm trong sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi không xả thải trực tiếp ra kênh rạch, gây ô nhiễm môi trường.


Từ quá trình thực hiện Chỉ thị 19, đã xuất hiện nhiều mô hình, cách làm hiệu quả như vận động 1.242 hộ sản xuất nuôi tôm ký cam kết sản xuất an toàn thực phẩm; vận động các hộ nuôi mô hình thâm canh, bán thâm canh sản xuất, cải tạo xử lý ao trước khi nuôi, không xả nước thải, nước có mầm bệnh chưa xử lý ra môi trường; không sử dụng hóa chất có nồng độ hóa chất vượt mức quy định; tổ chức 03 đợt ra quân làm sạch bãi biển khu du lịch 30/4 từ xã Long Hòa đến thị trấn Cần Thạnh, làm sạch 5km đường dọc biển, thu gom 20 tấn rác. Đến nay, Hội ND huyện Cần Giờ đã mở rộng vận động những nông dân sản xuất trong khu vực lân cận tham gia thực hiện.


Mô hình “Thùng trồng rau sạch từ rác hữu cơ tại hộ gia đình” của Hội ND quận Thủ Đức ban đầu được thí điểm tại phường Bình Chiểu với 10 thùng trồng rau tại gia đình hai hội viên, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, 6 thùng tại 06 chi Hội và 02 thùng tại Cơ quan Quân sự phường. Mô hình đã tạo thói quen phân loại rác tại hộ gia đình, góp phần tiết kiệm tài nguyên, mang lại lợi ích cho chủ nguồn thải từ việc tận dụng phế liệu tái chế và phân hữu cơ tự chế biến, tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển; đồng thời cung cấp lượng rau an toàn cho gia đình và cộng đồng, giúp nông dân tự cung tự cấp thực phẩm sử dụng hằng ngày, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.


Một trong những mô hình tiêu biểu đến nay được nhân rộng tại xã Nhơn Đức, Phướng Kiển, Phước Lộc của huyện Nhà Bè là mô hình xây dựng tuyến hẻm “Văn minh - sạch đẹp - an toàn” của Hội ND xã Phú Xuân.


Với tổng chiều dài tuyến hẻm là 350m, có 150 hộ sinh sống đã gắn, treo cờ đồng nhất; nhân dân sinh sống tại hẻm thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, xây dựng nếp sống văn minh đô thị.


Thực hiện phong trào nông dân tham gia bảo vệ môi trường, Hội ND tỉnh Nam Định đã phát động phong trào đường nông thôn tự quản sáng - xanh- sạch- đẹp theo hướng hạ tầng giao thông nông thôn hiện đại hoàn chỉnh, về cảnh quan đường giao thông có hoa, có cây xanh, người dân có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường và có nếp sống văn hóa mới.


Để triển khai hiệu quả phong trào, Hội ND tỉnh đã chọn huyện Vụ Bản là mô hình điểm để chỉ đạo nhân ra diện rộng, trong đó điểm mấu chốt là thành lập các “Tổ tự quản đường nông thôn sáng - xanh- sạch- đẹp”. Thông qua các hội nghị, các đợt sinh hoạt chi Hội, CLB nông dân, các cấp Hội đã tuyên truyền tới cán bộ, hội viên, nông dân về một số chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường, mục đích, ý nghĩa của việc bảo vệ môi trường, vận động hội viên, nông dân góp đất, hiến đất để bê tông hóa đường giao thông nông thôn, lắp đặt hệ thống chiếu sáng trên các tuyến đường theo phương châm dân cần, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng, đồng thời nâng cao ý thức, trách nhiệm, tạo thói quen sinh hoạt bảo vệ cảnh quan môi trường trong mỗi người dân.


Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập 2.019 tổ tự quản đường nông thôn đảm bảo vệ sinh môi trường do đồng chí chi Hội trưởng làm tổ trưởng chiếm 63% số chi Hội (trung bình có 7 thành viên/1 tổ tự quản).


Huyện Vụ Bản có 100% chi Hội có tổ tự quản đường nông thôn. Nhiệm vụ từng thành viên của tổ tự quản được phân công phụ trách theo tuyến đường có nhiệm vụ tuyên truyền, vận động, đôn đốc, nhắc nhở các hộ dân giữ gìn vệ sinh môi trường tại khuôn viên hộ gia đình và khu dân cư, không vứt rác bừa bãi nơi cộng cộng; hướng dẫn các hộ dân tự phân loại rác tại nhà, đồng thời giao trách nhiệm cho từng gia đình tuyến đường thuộc địa phận của gia đình nào thì gia đình đó có trách nhiệm quản lý và vệ sinh, còn tổ tự quản làm vệ sinh cho các hộ già cả neo đơn, các tuyến đường trục xã và làm vệ sinh theo các đợt tập trung.


Thành viên của tổ tự quản tham gia giám sát việc thực hiện qui định quản lý rác thải của các hộ gia đình, cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc địa bàn mình quản lý, thông báo kịp thời với cơ quan chức năng các vi phạm hành chính về quản lý rác thải trên địa bàn, không để vứt rác ra ngoài đường, không để hình thành các bãi rác tại các đường làng, ngõ xóm.


Tổ tự quản đã tích cực tuyên truyền, vận động cho nhân dân thực hiện phong trào tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm, đặc biệt là những nơi công cộng, cống rãnh thoát nước trong khu dân cư, mỗi tháng ít nhất 1 lần. Thời gian tổ chức các cuộc tổng vệ sinh đa số các tổ lựa chọn vào ngày thứ 6, thứ 7, chủ nhật cuối cùng của tháng. Một số ít tổ chọn vào các ngày cụ thể khác trong tháng. 


Hội ND đảm nhận trồng và chăm sóc trên 100 km đường hoa, 170 tuyến đường mang tên hàng cây nông dân. Để duy trì cảnh quan môi trường việc thành lập các tổ tự quản là hết sức quan trọng, các tổ tự quản do Hội ND thành lập đã tổ chức 14.700 cuộc tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm với trên 400 nghìn người tham gia. Các tổ đã nhận trách nhiệm tự quản các tuyến đường (chiếm 41% tổng số tuyến đường chính trong thôn xóm) tương ứng với 1.390 km đường giao thông thôn xóm và liên xã.


Ngoài việc xây dựng các mô hình bảo vệ môi trường, Hội ND tỉnh còn phối hợp với ngân hàng CSXH tín chấp cho hơn 700 ngàn hộ nông dân vay vốn xây dựng công trình nước sạch, nhà vệ sinh, với tổng số dư nợ khoảng 403 tỷ đồng.


Hiện, tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99,78%; tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch đạt 64,3%; trên 80% số hộ chăn nuôi có chuồng trại đảm bảo vệ sinh môi trường; 90% số hộ gia đình có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh và đảm bảo 3 sạch.


Bên cạnh đó, Hội đã chỉ đạo cán bộ, hội viên, nông dân tích cực tổ chức các hoạt động bảo vệ môi trường: Khơi thông 1.620 km cống rãnh, mương thoát nước góp phần đảm bảo môi trường xanh, sạch, đẹp.


Xác định bảo vệ tài nguyên môi trường là một trong những hoạt động trọng tâm của các cấp Hội và phong trào nông dân, Hội ND các cấp trên địa bàn thành phố Cần Thơ đã vận động hội viên, nông dân tích cực tham gia bảo vệ môi trường.


Cụ thể, Hội đã vận động hội viên, nông dân tham gia phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” phấn đấu đạt danh hiệu gia đình văn hóa, khu, ấp văn hóa; xây dựng cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch đẹp.


Công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ môi trường được Hội chú trọng thực hiện. Hội ND các quận, huyện phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường, các đơn vị liên quan tổ chức “Lễ ra quân” hướng dẫn phân loại, xử lý rác thải tại hộ gia đình. Xác đinh việc gắn sản xuất với bảo vệ môi trường là giải pháp để phát triển bền vững, từng bước nâng cao hiệu quả kinh tế, Hội ND phối hợp địa phương và các ngành liên quan tổ chức hội thảo, tập huấn kỹ thuật hỗ trợ nông dân áp dụng các mô hình sản xuất nông nghiệp thân thiện với môi trường theo hướng VietGAP. Mô hình được bà con nông dân ủng hộ và nhân rộng.


Hội ND các cấp trên địa bàn tích cực tham gia xây dựng chính sách, pháp luật về tài nguyên và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, giải quyết khiếu nại, tranh chấp đất đai, ô nhiễm môi trường.


Đồng thời, chủ động phối hợp cơ quan chức năng vận động, tổ chức lắp đặt thùng chứa rác thải thuốc bảo vệ thực vật, giới thiệu hỗ trợ xây dựng hầm biogas trong chăn nuôi; vận động nhân dân thực hiện các tiêu chí nông thôn mới, trong đó có tiêu chí về môi trường.


Các cấp Hội thường xuyên tổ chức tuyên truyền tập huấn giúp người dân ý thức về sản xuất an toàn, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng”, thực hiện sản xuất lúa theo quy tắc “1 phải 6 giảm” góp phần hạn chế tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trên sản phẩm và trong nguồn nước, hạn chế ô nhiễm môi trường.


Qua đó, bà con nông dân đã cụ thể hóa bằng việc phát quang bụi rậm quanh nhà, trồng cây xanh; thu gom bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng. Các hoạt động trên đều được cán bộ, hội viên, nông dân tích cực tham gia.


Ngoài ra, Hội ND tiếp tục phối hợp cùng Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố tổ chức các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức và tăng cường năng lực cho cán bộ và hội viên, nông dân trong quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm tài nguyên đất, nước, khoáng sản, bảo tồn đa dạng sinh học.


Đồng thời, tham gia giám sát, phát hiện và đề xuất xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật về  môi trường, quản lý đất đai, triển khai hiệu quả tiêu chí số 17 về môi trường và an toàn thực phẩm trong chương trình xây dựng nông thôn mới.


Trong đó, trọng tâm là tuyên truyền vận động cộng đồng tham gia thu gom, phân loại xử lý chất thải rắn sinh hoạt nông thôn, nước thải sinh hoạt, xử lý chất thải chăn nuôi, xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn xanh, sạch, đẹp.


Các cấp Hội tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng và nhân rộng các phong trào, các mô hình như: “Nông dân tham gia giám sát việc quản lý và sử dụng đất đai”; “Cánh đồng không bao bì thuốc bảo vệ thực vật”; “Nông dân thu gom, phân loại và xử lý rác thải, chất thải nông thôn thành phân bón tại nguồn”; “Nông dân tham gia bảo vệ môi trường biển; bảo vệ môi trường làng nghề, trang trại, hộ gia đình”.


Có thể khẳng định, những hoạt động của các cấp Hội đã góp phần nâng cao nhận thức và hành động của hội viên, nông dân trong công tác bảo vệ môi trường.
 

Xuân Hòa


Nguồn:
https://baocantho.com.vn/nong-dan-chu-dong-tham-gia-bao-ve-moi-truong-a106008.html
http://dangcongsan.vn/tien-toi-dai-hoi-dang-bo-cac-cap-va-dai-hoi-xiii-cua-dang/phong-trao-thi-dua-chao-mung-dai-hoi-dang-bo-cac-cap-tien-toi-dai-hoi-xiii-cua-dang/nang-cao-y-thuc-bao-ve-moi-truong-cho-hoi-vien-nong-dan-541927.html
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn