|
Hàng trăm tấn phế thải làng nghề mộc thải ra mỗi ngày |
Tại huyện Hoài Đức, nơi có 51/53 làng có nghề, trong đó có làng nghề chế biến lương thực thực phẩm Lưu Xá, làng nghề bún bánh Cao Xá Hạ, làng nghề bánh kẹp, dệt kim La Phù… đang là nỗi bức bách, đe dọa môi trường sống, sức khỏe của người dân. Đặc biệt, tại các làng nghề chuyên sản xuất các sản phẩm miến, bún, đồng thời tận dụng phế phẩm để chăn nuôi thuộc 3 xã Dương Liễu, Cát Quế, Minh Khai hoạt động chủ yếu từ tháng 10 năm trước đến tháng 1 năm sau. Toàn bộ lượng nước thải từ các hộ sản xuất chế biến nông sản cùng nước thải sinh hoạt của dân cư đổ về kênh T2, gây ra tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng. Những ngày nắng, nóng mùi xú uế nồng nặc, những ngày mưa to, nước cống tràn ngập cuốn theo rác thải tràn ngập khắp các con phố.
Tại xã Vân Hà, huyện Đông Anh tình trạng ô nhiễm môi trường từ sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ cũng ngày một tăng. Để đáp ứng nhu cầu đồ gỗ cung cấp cho thị trường, nhiều hộ gia đình tại làng nghề Vân Hà không ngừng đầu tư trang thiết bị máy móc để nâng cao năng suất lao động. Trong khi việc sản xuất gỗ luôn làm phát sinh khói bụi, chất thải rắn… Việc làm này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống xung quanh của người dân trong khu vực.
Làng nghề Triều Khúc- xã Tân Triều, huyện Thanh Trì toàn bộ nước thải của các cơ sở sản xuất trong làng đều được xả thẳng ra môi trường chứ không qua hệ thống xử lý nào khiến hệ thống nước mặt bị ô nhiễm nặng.
Xã Vạn Ðiểm (huyện Thường Tín) từ lâu đã nổi tiếng với nghề mộc truyền thống. Cả xã như một xưởng mộc khổng lồ, với tiếng máy móc ồn ào, bụi gỗ vương vãi khắp nơi, mùi sơn nồng nặc. Cùng với đó, hàng trăm tấn phế thải làng nghề, nhất là mùn cưa, đầu mẩu gỗ thừa bừa bãi, thậm chí nhiều người còn đổ cả xuống ao hồ, ruộng sản xuất...
Còn tại xã Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa), có nghề sản xuất tăm hương quy mô lớn, mỗi ngày sử dụng từ 300 - 500 tấn nứa, vầu, thải ra môi trường khoảng 70 tấn mùn cưa, đầu mẩu. Chất thải cũng không được thu gom, xử lý, bị đổ bừa bãi ra đồng ruộng, ven đường, gây cản trở giao thông, tắc nghẽn hệ thống thủy lợi.
Kết quả khảo sát mới đây của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cho thấy, 100% làng nghề được quan trắc đều có ít nhất 3 chỉ tiêu phân tích vượt tiêu chuẩn cho phép, nguồn nước ngầm sử dụng trong sinh hoạt và sản xuất bị ô nhiễm; bề mặt ao hồ, kênh mương thủy lợi bị nhiễm độc… Nhiều quận, huyện trên địa bàn có chỉ số ô nhiễm môi trường vượt quá 30 lần cho phép.
Theo số liệu quan trắc của Trung tâm Quan trắc và Phân tích Tài nguyên và Môi trường tại 22 cụm và 43 làng nghề cho thấy, không khí ở một số làng nghề của Hà Nội có nồng độ bụi vượt 1,4 - 1,6 lần giới hạn; các làng nghề cơ khí có nồng độ các kim loại nặng nhiều nơi vượt giới hạn; nồng độ nhiều chất hữu cơ độc rất cao. Nước ngầm ở các khu vực này cũng chịu các hoạt đồng từ ô nhiễm nước thải ở mức khá nghiêm trọng.
Hoạt động sản xuất của các làng nghề trên địa bàn Hà Nội phát sinh ô nhiễm cao, tuy nhiên tại khu vực này hầu như không có công trình xử lý chất thải phù hợp. Đối với nước thải có khoảng 35,6% hộ gia đình không xử lý; 60% còn lại chỉ có hệ thống xử lý thô sơ.
Nguồn nước ngầm sử dụng trong sinh hoạt và sản xuất tại các làng nghề đều bị ô nhiễm bởi NH4, phenol; nước mặt tại các ao, hồ, kênh mương thủy lợi bị nhiễm độc; hay các chỉ tiêu sinh học như Ecoli, coliform, kim loại nặng As, Hg khá cao… Ước tính mỗi ngày, các làng nghề thải ra môi trường hàng trăm nghìn tấn chất thải rắn, khoảng 150 m3 nước thải sinh hoạt.
Một số dự án môi trường được thực hiện bằng hình thức xã hội hóa BT (xây dựng - chuyển giao) đã góp phần trong việc cải thiện môi trường như dự án Nhà máy xử lý nước thải làng nghề Cầu Ngà, xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức do Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và Thương mại Phú Điền đầu tư. Nhà máy xử lý nước thải có công suất thiết kế 20.000m3/ngày - đêm, sử dụng công nghệ xử lý sinh học khép kín, với dây chuyền thiết bị tự động hóa được nhập khẩu từ châu Âu. Sau khi đưa vào sử dụng, hiện hàng ngày nhà máy xử lý thường xuyên 5.000m3 nước thải.
Cùng với đó, Hà Nội đẩy nhanh và sớm hoàn thành dự án trồng 1 triệu cây xanh nhằm góp phần giảm ô nhiễm bụi, tiếng ồn. Mới đây, Sở Công thương Hà Nội đã và đang triển khai kế hoạch xử lý ô nhiễm môi trường tại các làng nghề trên địa bàn thành phố, với kinh phí 1.350 tỷ đồng.
Theo Sở Công Thương Hà Nội, thành phố đã có lộ trình cụ thể để từng bước khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề, nhưng quan trọng nhất vẫn là người dân trực tiếp tham gia sản xuất - cũng là tác nhân gây ô nhiễm, phải tự ý thức và có trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường.
Thời gian tới, thành phố sẽ thực hiện việc di dời, chuyển đổi ngành nghề sản xuất, tùy thuộc vào đặc điểm thực tế của địa phương để áp dụng các hình thức như quy hoạch tập trung theo cụm công nghiệp, quy hoạch phân tán hoặc phân tán kết hợp tập trung.
Đồng thời, chuyển đổi ngành nghề sản xuất hoặc di dời vào khu, cụm công nghiệp tập trung. Thành phố yêu cầu các địa phương phải khoanh vùng quản lý thu gom rác thải sinh hoạt nông thôn.