Lạm dụng phân bón hóa học ngày càng tăng
10:47 - 24/07/2017
(MTNT)- Những năm gần đây, việc lạm dụng phân bón hóa học không chỉ gây ô nhiễm môi trường, tổn hại sức khỏe con người mà còn gây nên tình trạng thoái hóa đất, ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển nền nông nghiệp bền vững.
Bón nhiều phân hóa học làm cho hệ hấp thu của đất bị phá hủy (Ảnh minh họa, nguồn Internet)


Theo số liệu của Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, nước ta có khoảng 26 triệu ha đất nông nghiệp, trung bình khoảng 0,1 ha/người (Trung bình thế giới khoảng 1,2 ha/ người). Nhu cầu sử dụng phân bón trung bình mỗi năm khoảng trên 10 triệu tấn. Kết quả điều tra của Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên hiệp quốc cho thấy, hiệu quả sử dụng phân bón ở Việt Nam chỉ đạt 45-50%.
 
 
TS Nguyễn Quang Hải – Phó Viện trưởng Viện Thổ nhưỡng Nông hóa (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) cho biết: Cách đây khoảng 20 năm, trung bình 1 ha đất canh tác nông nghiệp, người dân bón khoảng 104 kg phân bón các loại. Vài năm gần đây, đã tăng lên khoảng 680 kg phân bón (gấp 4 – 5 lần). Việc bón phân mất cân đối không chỉ gây ra sự lãng phí tiền bạc, công sức mà còn khiến đất thoái hóa nghiêm trọng.
 
 
Hầu hết các nhà khoa học đều thừa nhận, đất sản xuất nông nghiệp của Việt Nam đang bị suy thoái và ô nhiễm. Thủ phạm “đầu độc” đất ngoài lượng tồn dư kim loại nặng, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thì việc bón phân mất cân đối khiến đất bị thoái hóa cả về mặt vật lý, hóa học và sinh học.
 
 
Hiệu quả sử dụng phân bón ở Việt Nam đang rất thấp. Trung bình, cây trồng chỉ hấp thu được khoảng 50% lượng đạm, 30% lân và 60% kali so với lượng phân được bón. Số còn lại bị thất thoát ra môi trường bằng nhiều con đường khác nhau, gây ô nhiễm.
 
 
Bên cạnh đó, lượng phân hữu cơ ngày càng sử dụng ít đi, thay thế bằng phân bón hóa học. Nếu bón phân hóa học quá nhiều sẽ làm cho đất trở nên chai cứng, độ thoáng khí giảm, khả năng giữ nước kém… Đất dần dần bị thoái hóa về mặt vật lý.
 
 
Các nghiên cứu cho thấy, nếu chúng ta bón dư đạm vào đất dẫn đến đất bị giảm nguyên tố đồng. Nếu bón dư lân dẫn đến thiếu kẽm. Nếu bón dư Kali sẽ bị đồng hóa Magie và Bo. Nếu bón dư vôi thì dẫn đến tình trạng giảm sắt và Mangan làm cây mất đề kháng, ô nhiễm đất và nước.
 
 
Hệ lụy là các vi sinh vật hảo khí (ưa khí), hầu hết là vi sinh vật có ích, bắt đầu suy giảm dần. Trong khi đó vi sinh vật có hại (ưa sống trong môi trường yếm khí) ngày càng phát triển và gây hại cho cây trồng. Nguy cơ cây trồng bị nhiễm bệnh sẽ tăng cao. Nguy cơ đất bị thoái hóa về mặt sinh học là tất yếu.
 
 
Bón nhiều phân hóa học cũng làm cho hệ hấp thu của đất bị phá hủy, đất bị trơ về mặt hóa học, khả năng giữ phân bón lại trong đất để cung cấp từ từ theo nhu cầu của cây trồng bị suy giảm.
 
 
Ở những vùng trồng cà phê, hồ tiêu tập trung tại khu vực Tây Nguyên, rất nhiều nông dân bón hàng ngàn kg phân bón/ha, chủ yếu là phân vô cơ. Đấy là những đối tượng cây trồng có giá trị cao và người dân không tiếc tiền đổ các loại phân bón vào. Thậm chí, cả thuốc bảo vệ thực vật nữa, cứ có bệnh là phun, không có bệnh cũng phun phòng trừ.
 
 
Khi đất bị chai lì, bộ rễ kém phát triển, khả năng hấp thu dưỡng chất thấp và vi khuẩn có hại gia tăng lên thì sâu bệnh sẽ phát sinh (điển hình như bệnh chết nhanh chết chậm trên cây tiêu).
 
 
Ví dụ tại xã Minh Lập, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước, hiện hơn 30% diện tích đất sản xuất của xã được nông dân trồng tiêu với mật độ bình quân 2.500 nọc/ha. Do chưa quan tâm đến mặt trái từ việc lạm dụng phân bón hóa học và tâm lý càng phun nhiều năng suất càng cao nên không ít nông hộ trộn nhiều loại phân và bón không đúng thời điểm, các loại bao bì, túi đựng phân bón hóa học vứt bỏ tràn lan. Không chỉ làm môi trường đất, nước, không khí bị ô nhiễm mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng và sự phát triển nông nghiệp bền vững. Hiện khoảng 80% số hộ trồng tiêu trong xã sử dụng phân bón hóa học và mỗi năm bón gần 1 tấn phân bón hóa học cho 1 ha đất sản xuất.
 
 
Theo các chuyên gia, tình trạng lạm dụng hóa chất, phân bón một phần bắt nguồn từ những bất cập liên quan đến các công tác chuyển giao kỹ thuật trong lĩnh vực này. Theo đó, việc chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về phân bón qua Hệ thống Khuyến nông Nhà nước gần như không có. Việc khuyến cáo sử dụng phân bón hầu như khoán trắng cho doanh nghiệp, trong khi các doanh nghiệp đặt mục tiêu lợi nhuận lên hàng đầu.
 
 
Trước thực trạng trên, các nhà khoa học cho rằng, muốn xây dựng một nền sản xuất nông nghiệp Việt Nam an toàn, phát triển ổn định bền vững, vừa đáp ứng yêu cầu tăng năng suất, sản lượng, vừa đảm bảo chất lượng sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường, giảm thiểu tối đa tác động biến đổi khí hậu, cần xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ với việc sử dụng các loại phân bón hữu cơ.
 
 
Nguồn nguyên liệu hữu cơ bổ sung cho đất và sản xuất phân hữu cơ phong phú và sẵn có tại địa phương: Phế thải nông nghiệp (rơm rạ, sản phẩm thừa sau thu hoạch); các loại phân gia súc, phân bắc; các loại phân xanh; phế thải chế biến nông sản.
 
 
Phương thức và công nghệ sản xuất các loại phân hữu cơ không phức tạp, dễ làm đối với đông đảo nông dân: Trồng các loại cây phân xanh với cây trồng chính theo kiểu xen canh hoặc luân canh; thu gom phế thải nông nghiệp, phân gia súc, rác thải sinh hoạt hữu cơ: Có thể vùi ngay xuống ruộng (đối với phế thải nông nghiệp hoặc phân xanh), hoặc ủ phế thải nông nghiệp hoặc phân xanh, rác thải hữu cơ với phân gia súc có phun thêm chế phẩm vi sinh vật để tạo nên sản phẩm phân hữu cơ sinh học có chất lượng dinh dưỡng cao và đảm bảo vệ sinh, an toàn.
 
 
Hiện nay các loại phân hữu cơ đã được nghiên cứu để xử lý thành phân hữu cơ vi sinh, phân hữu cơ sinh học, phân hữu cơ nước... có chất lượng cao và an toàn vệ sinh môi trường, góp phần quan trọng trong bảo vệ, tăng cường độ phì của đất, đồng thời tăng chất lượng sản phẩm nông nghiệp và đảm bảo vệ sinh môi trường sản xuất nông nghiệp và môi trường nông thôn.
 
 
Ngoài ra, phân bón thế hệ mới (new generation fertilizer hay next generation fertilizer) đang ngày càng được nhiều nhà nghiên cứu và sản xuất sử dụng phổ biến. Loại phân bón này làm tăng hiệu quả và năng suất của sản xuất nông nghiệp, đồng thời bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường (nguồn www.ifdc.org).
 
 
Lạm dụng phân bón hóa học trong sản xuất nông nghiệp là chuyện không mới. Nhưng điều đáng nói là nhiều người vẫn chạy theo lợi ích trước mắt, dù nhận thức được những hệ lụy khôn lường do phân bón hóa học gây ra. Sự chung tay của cả hệ thống chính trị và người dân chính là “chìa khóa” để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp “xanh”, hiện đại. Để làm được điều này, trước hết cần có hình thức tuyên truyền thích hợp để nhà nông hiểu rõ mối nguy hại từ lạm dụng phân bón hóa học, từ đó dần thay đổi thói quen canh tác. Ngành chức năng tăng cường quản lý kinh doanh, sử dụng phân bón hóa học và có những chương trình khuyến khích phát triển các loại phân bón hữu cơ thân thiện với môi trường.

Hoàng Bảo
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn