|
Trung tâm Môi trường nông thôn đã tích cực theo dõi, giám sát các vụ việc khai thác cát trái phép |
Trong đó có các nội dung trọng tâm như: Tham mưu cho Thường trực Trung ương Hội nắm bắt tình hình môi trường tại các địa phương và chỉ đạo các cấp Hội tham gia thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ môi trường nông thôn; kiểm tra, giám sát việc thực thi pháp luật bảo vệ môi trường trên địa bàn nông thôn và bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nông dân bị thiệt hại do ô nhiễm môi trường do các tổ chức vi phạm pháp luật gây ô nhiễm môi trường.
Trung tâm Môi trường nông thôn đã theo dõi, giám sát các vụ việc khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường, cụ thể như các vụ việc khai thác cát, đá và titan ở Bình Định. Dù giấy phép hết hạn khai thác titan từ cuối năm 2013 thế nhưng 3 doanh nghiệp Mỹ Tài, Tấn Phát và Ban Mai vẫn lén lút hoạt động gây nhiều bức xúc cho người dân.
Trong diễn biến khác, nhiều người dân thôn Vạn Thái (xã Mỹ Tài, huyện Phù Mỹ) đã gửi đơn tố cáo Công ty TNHH xây dựng Hoàng Khiêm ngang nhiên đưa máy đào xuống lòng sông La Tinh ở địa phương để khai thác cát từ năm 2016 đến nay, dù chưa được cấp có thẩm quyền cấp phép. Tình trạng khai thác cát trái phép ồ ạt khiến bờ sông bị xâm thực nghiêm trọng gây ảnh hưởng đời sống, sản xuất của người dân nơi đây.
Gần đây, hàng chục người ngang nhiên vào núi Bà - khu vực thuộc địa phận thôn Lộc Khánh, xã Cát Hưng, huyện Phù Cát, Bình Định xẻ núi, khai thác đá trái phép. Hoạt động này đe dọa trực tiếp đến cảnh quan môi trường, đời sống người dân và dấu tích của một vùng căn cứ cách mạng.
Hay tình trạng tập trung khai thác cát trái phép ở Quảng Ngãi được Báo Nông thôn Ngày nay và Điện tử Dân Việt thời gian qua liên tục phản ánh việc Công ty TNHH Thành Đạt khai thác cát trái phép tại bãi cát thôn Nam Phước, xã Nghĩa Thuận, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi.
Việc khai thác này không phải lén lút mà diễn ra ngang nhiên và kéo dài khiến người dân bức xúc. Qua quan sát tại khu vực đang khai thác cát tại đây, bề mặt của dòng sông Trà Khúc chi chít với hàng chục hố lớn nhỏ. Từ đó có không ít hố có độ sâu lên đến 2-3m. Qua tìm hiểu được biết khu vực được cấp phép khai thác cát trên có diện tích trên 6ha, thời hạn khai thác 36 tháng, trữ lượng khai thác 81.000m3.
Khai thác đất sét trái phép trong đất quốc phòng ở Quảng Ninh chỉ trong khoảng thời gian ngắn, một khối lượng lớn đất sét nằm trong khu đất quốc phòng thuộc Tiểu đoàn 184 (Trung đoàn 213, Sư đoàn 363) tại xã Lê Lợi, huyện Hoành Bồ (Quảng Ninh) đã bị khai thác và bán trái phép.
Tại thời điểm lập biên bản và kiểm tra hiện trường, các cơ quan chức năng của huyện Hoành Bồ đã xác định khối lượng sét đã khai thác tại diện tích nêu trên là 1.456,8 m3. Sau khi vụ việc bị phát giác, huyện Hoành Bồ nhận định: Đơn vị Trung đoàn 213, Tiểu đoàn 184 tự ý cải tạo, thi công trận địa chưa được cấp có thẩm quyền cấp phép; trong quá trình cải tạo, Tiểu đoàn 184 và đơn vị thi công bên ngoài đã có hành vi khai thác khoáng sản (đất sét) trong khu vực trận địa quốc phòng, vi phạm khoản 2, điều 27, nghị định 120/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu.
Tại Thanh Hóa và Nghệ An cũng là những điểm nóng xảy ra nhiều vụ việc khai thác đất, cát trái phép, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài nguyên môi trường và đời sống của người dân.
Hiện các vụ việc ô nhiễm môi trường khác như: Xả nước thải ra sông Lô gây ô nhiễm môi trường ở Tuyên Quang khiến cá chết hàng loạt kéo dài 10km và ngao chết trắng liên quan chất xả thải ra biển tại Thanh Hóa.
Trong đó tại xã Hải Lộc có 201/230ha ngao chết với tỷ lệ 70%; xã Đa Lộc có 200/350ha trong đó có 120ha tỷ lệ chết từ 30-70%, 80ha có tỷ lệ chết trên 70% và cá nuôi gần khu công nghiệp chết nổi trắng ao tại Lào Cai, nhà máy xi măng Vicem Vạn Ninh gây ô nhiễm ở Quảng Bình. Bức xúc nhất là Nhà máy giấy Lee & Man gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại Hậu Giang.
Trung tâm Môi trường Nông thôn đã tham gia đoàn khảo sát tình hình sạt lở bờ biển, bờ sông tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, đánh giá tình hình thiệt, tổng hợp thiệt hại của nông dân chịu ảnh hưởng của các tỉnh Đồng Tháp, Sóc Trăng, Bến Tre, Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Trà Vinh, Hậu Giang, Bạc Liêu và Cà Mau. Đồng thời tích cực tham gia kiểm tra, giám sát việc thực thi pháp luật bảo vệ môi trường trên địa bàn nông thôn. Động viên và hỗ trợ kịp thời nông dân bị thiệt hại do ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu; bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nông dân.
Trung tâm cũng theo dõi, báo cáo Ban Dân vận Trung ương về tình hình ổn định đời sống, phát triển sản xuất của nông dân và an ninh trật tự an toàn xã hội 5 tỉnh Bắc miền Trung sau sự cố môi trường biển Formosa, thực hiện Công văn số 783 của Ban Dân vận Trung ương về việc tiếp tục đợt 2 thực hiện Kế hoạch số 508 của Ban Dân vận Trung ương về công tác dân vận góp phần ổn định tình hình các tỉnh miền Trung; tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với một số vấn đề phức tạp về an ninh trật tự, an ninh tôn giáo trên địa bàn tỉnh, góp phần đảm bảo an ninh khu vực nông thôn cho người dân yên tâm phát triển, sản xuất.
Từ nay đến cuối năm, Trung tâm Môi trường Nông thôn tiếp tục triển khai các nội dung công tác nhằm hoàn thành tốt yêu cầu đề ra nhằm giúp hội viên, nông dân yên tâm phát triển, sản xuất.