Giải bài toán rác thải nông thôn
14:16 - 18/08/2017
(MTNT) - Những năm gần đây, tình trạng ô nhiễm môi trường ở vùng nông thôn từ chất thải, rác thải trong sinh hoạt, chăn nuôi ngày càng đáng lo ngại. 
Tăng cường thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, hướng đến một môi trường sống xanh-sạch-đẹp


Chính phủ rất quan tâm, đưa vấn đề xử lý rác thải là một tiêu chí bắt buộc trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, đến nay bài toán xử lý rác thải nông thôn vẫn còn nan giải.
 
 
Theo báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia của Bộ Tài nguyên và Môi trường, khu vực nông thôn ở nước ta phát sinh khoảng 31.000 tấn rác thải sinh hoạt mỗi ngày.


Cùng với đó, mỗi năm có khoảng 14.000 tấn rác thải nông nghiệp nguy hại (bao bì, chai, lọ của thuốc bảo vệ thực vật, phân bón); mỗi ngày, mỗi làng nghề tiểu thủ công nghiệp, làng nghề tái chế kim loại, phế liệu thải ra lượng chất thải rắn khoảng 1-7 tấn, cùng với đó phần lớn nước thải công nghiệp của các làng nghề cũng được đổ thẳng ra sông. Trong các chất thải ấy có nhiều thành phần nguy hại cho môi trường và sức khỏe con người.

 
Tại khu vực nông thôn, trên những con đường liên xã, thôn, thực trạng người dân vứt rác bừa bãi, không cho vào thùng chứa vẫn diễn ra ở nhiều nơi. Theo phản ánh của người dân, tại Tỉnh lộ 10 thuộc địa bàn huyện Phú Vang (ThừaThiên Huế), chất thải rắn vứt rải rác (nhiều nhất đoạn qua các xã Phú Xuân, Phú Mỹ), trông rất nhếch nhác.


Chất thải rắn sinh hoạt được người dân đóng thành bì, thành các túi nilon vứt bừa bãi. Điều đáng nói xuất phát từ thói quen, nhiều người đã nghiễm nhiên xem việc vứt rác tại nơi công cộng mà không cần quan tâm đến môi trường sống quanh mình đang ngày càng trở nên ô nhiễm.
 
 
Bảo vệ môi trường là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Nhà nước có vai trò chủ đạo, đẩy mạnh xã hội hóa, huy động tối đa mọi nguồn lực, tăng cường đầu tư cho công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, hướng đến một môi trường sống xanh-sạch-đẹp, tạo tiền đề cho kinh tế-xã hội ở các địa phương phát triển bền vững.


Theo Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, để giải bài toán rác thải nông thôn, các tỉnh, thành cần quy hoạch khu xử lý rác thải, thành lập tổ vệ sinh môi trường thu gom rác thải.



Xác định quy mô cơ sở xử lý rác thải và các công trình phụ trợ dựa trên cơ sở quy mô dân số, lượng chất thải hiện tại và thời gian hoạt động, cũng cần tính đến sự gia tăng dân số, tăng trưởng kinh tế và khối lượng rác thải tương ứng trong tương lai.

 
Các nhân viên thu gom cần được trang bị đủ công cụ đạt tiêu chuẩn như: Xe chở rác, cuốc, xẻng, quần áo bảo hộ lao động, khẩu trang, chổi. Từ đó, rác thải được thu gom chuyển đến các điểm tập kết để vận chuyển đến khu xử lý tập trung.


Ngoài ra, các trạm trung chuyển rác thải phải được bố trí tại các địa điểm thuận tiện giao thông, không gây cản trở các hoạt động giao thông chung, không gây ảnh hưởng xấu tới môi trường.


Các khu xử lý rác thải cần được quy hoạch ở vị trí phù hợp với nguồn phát sinh rác thải, tại khu đất trống, không phá hoại cảnh quan, xa khu dân cư, không nằm trong khu vực thường xuyên bị ngập sâu trong nước, không nằm trong vùng phân lũ của các lưu vực sông, không nằm ở vị trí đầu nguồn nước.

 
Đối với các điểm dân cư nông thôn, vùng sâu, vùng xa, để xử lý rác thải, các mô hình như: Vườn-ao-chuồng (VAC), thùng chứa rác tự tạo, hầm chứa rác tự xây, hố chứa rác tự phân huỷ, hố ủ phân rác trát bùn nên được đẩy mạnh sử dụng tại hộ gia đình để xử lý rác thải phát sinh từ sinh hoạt, trồng trọt, chăn nuôi.
 
 
Bùi Lê
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn