Quảng Bình: Ô nhiễm môi trường từ rác thải nông thôn
14:34 - 23/08/2017
(MTNT) - Những năm gần đây, tình trạng ô nhiễm môi trường ở vùng nông thôn trong tỉnh từ chất thải, rác thải trong sinh hoạt, chăn nuôi ngày càng đáng ngại khiến bài toán xử lý rác thải nông thôn vẫn nan giải.
Tình trạng rác thải xả tràn lan gây ô nhiễm diễn ra tại nhiều vùng nông thôn trong tỉnh


Không khó để bắt gặp ở nhiều vùng nông thôn những bãi rác tự phát được hình thành cạnh các con đường. Thậm chí, rác thải sinh hoạt còn được người dân thiếu ý thức đóng thành bao ném xuống sông như tại trục đường chính đi vào phường Quảng Phúc, TX. Ba Đồn rác thải tràn lan khắp đường, kênh dẫn nước vào tận ruộng lúa, tình trạng này đã diễn ra nhiều năm nay.
 
 
Tình trạng rác thải xả tràn lan gây ô nhiễm như vậy diễn ra tại nhiều vùng nông thôn khác của huyện Quảng Trạch, huyện Quảng Ninh, huyện Lệ Thủy… Không chỉ đồng ruộng mà ngay cả dọc quốc lộ tình trạng rác thải gây ô nhiễm và không được quản lý. Đặc biệt là dọc theo QL 1A, đi qua địa phận xã Gia Ninh, huyện Quảng Ninh và Đèo Lý Hòa, xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch nhiều bãi rác cũng được xả tràn lan gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường nhiều năm nay, tại những địa điểm này rác thải không những không dược thu gom mà còn xử lý ngay tại chỗ bằng cách là đốt nên tình trạng ô nhiễm càng nghiêm trọng.
 
 
Tại xã Quảng Hòa (thị xã Ba Đồn) đã đạt chuẩn xã nông thôn mới, nhưng ngay tại trung tâm xã, tình trạng rác thải ngổn ngang, bốc mùi nồng nặc trên các tuyến đường, chợ và sông Hòa Giang khiến nhiều người dân bức xúc.
 
 
Ở “cửa ngõ” xã Quảng Hòa, nơi có cầu Hợp Hòa bắc qua sông Hòa Giang, hàng đống rác thải vừa chất cao ở mố cầu vừa án ngữ dòng chảy của con sông nhỏ. Theo con đường dọc bờ sông đi về phía trung tâm xã, cứ tầm vài chục mét lại có một “điểm” đổ rác tự phát. Và tâm điểm của tình trạng rác thải ở địa phương là khu vực chợ, trạm y tế và trụ sở UBND xã. Hàng trăm túi rác đủ loại từ thức ăn thừa, xác súc vật chết, túi nilon, cây cối... chồng chất lên nhau và lấn ra giữa con đường NTM rất đẹp chạy qua chợ Quảng Hòa và các trường học, trạm y tế.


Ngày mưa, nếu đi qua đây, người đi đường phải “lội” trong rác thải. Ngày nắng, mùi xú uế bốc lên nồng nặc và ruồi nhặng bay dày đặc, túi nilon vương vãi khắp nơi. Nhiều người dân đi chợ Quảng Hòa không khỏi lo lắng khi những đống rác này chính là nguồn lây nhiễm dịch bệnh.
 
 
Tại hồ Bàu Vèng - thôn 6, xã Lộc Ninh, thanh phố Đồng Hới là nơi cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho người dân và nước sản xuất cho hơn 40 ha lúa. Tuy nhiên, thời gian gần đây một khu vực hồ đã trở thành nơi để người dân tập kết rác thải, phế liệu xây dựng gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường.
 
 
Trên con đường dẫn vào hồ Bàu Vèng, hai bên được đổ tập kết hàng đống các loại chất thải, phế loại tràn lan. Rác thải còn đồ tràn từ trên bờ xuống tận mặt nước. Thậm chí tại nhiều điểm rác thải được đổ trực tiếp xuống hồ, phế thải vật liệu xây dựng các loại được đổ thành từng núi lớn xung quanh bờ hồ, làm tràn xuống cả lòng hồ. Nhiều xác động vật chết cũng đổ ra bãi rác, không thực hiện chôn lấp, khiến môi trường bị ô nhiễm nặng.
 
 
Hầu hết các gia đình vùng sâu, vùng xa tự xử lý rác thải bằng các biện pháp đơn giản như đốt, chôn, thậm chí để vào một góc vườn rồi đốt. Không ít nơi người dân tuỳ tiện xả rác thải sản xuất và sinh hoạt bừa bãi; làm chuồng trại gia súc gần nơi ăn ở... gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ cộng đồng và bộ mặt nông thôn.
 
 
Mặt nước cũng bị rác thải gây ô nhiễm.

 
Theo báo cáo thông kê tình hình thu gom, xử lý rác thải đầu năm 2017 của Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Bình, một số địa phương như huyện Lệ Thủy có khoảng 61 tấn/ngày trong đó thu gom, xử lý khoảng 45,5 tấn/ngày đạt 74,6%; huyện Quảng Ninh khoảng 40,3 tấn/ngày trong đó thu gom, xử lý khoảng 38  tấn/ngày đạt 94,3%; địa bàn huyện Bố Trạch có  khoảng 80,9 tấn/ngày trong đó thu gom, xử lý khoảng 36 tấn/ngày đạt 44,5%; tại địa bàn thị xã Ba Đồn rác phát sinh khoảng 60,2 tấn/ngày trong đó thu gom, xử lý khoảng 45 tấn/ngày đạt 74,6%; huyện Quảng Trạch có khoảng 48,5 tấn/ngày trong đó thu gom, xử lý khoảng 29 tấn/ngày đạt 59,8%.
 
 
Hiện toàn tỉnh có 07 bãi chôn lấp rác thải phân bổ ở 07 huyện, thành phố; riêng Đồng Hới mới thực hiện việc thu gom, xử lý nước nước thải cho khu đô thị với khối lượng khoảng 7.260 m3/ngày đêm, tỷ lệ thu gom đạt khoảng 1/3 số dân.
 
 
Thực trạng nêu trên có nhiều nguyên nhân, như: Ý thức chấp hành, thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường chưa nghiêm; nguồn lực đầu tư cho bảo vệ môi trường còn hạn hẹp, chưa đáp ứng yêu cầu; quản lý nguồn kinh phí cho sự nghiệp bảo vệ môi trường còn chưa hiệu quả, phân bố dàn trải; xã hội hóa nguồn lực bảo vệ môi trường cần cơ chế chính sách phù hợp; nguồn thu từ môi trường chưa được sử dụng đầu tư trở lại cho bảo vệ môi trường.
 
 
Để hạn chế rác thải nông thôn, hiện ở một số địa phương ngoài việc xây dựng các điểm tập kết rác thải, các bãi chôn lấp hợp vệ sinh, các khu xử lý rác thải... thì việc triển khai huy động các mô hình tự quản, đảm nhận vệ sinh các tuyến đường được giao cho các tổ chức như Hội Phụ nữ, Hội CCB, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân các thôn, nhóm, tổ... đang được nhân rộng.
 
 
Theo Chi cục Bảo vệ môi trường thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Bình: Sắp tới tỉnh sẽ đầu tư xây dựng một nhà máy lớn với khả năng có thể thu gom phần lớn rác thải trên địa bàn tỉnh để xử lý làm phân bón. Sở sẽ thực hiện nâng cấp và hoàn thiện các bãi rác cấp huyện, còn với những địa phương địa bàn rộng, tách biệt khó thu gom sẽ đề xuất tỉnh xây dựng những nhà máy xử lý rác nhỏ. Thực hiện công tác tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân thực hiện công tác thu gom rác đứng nơi quy định.
 
 
Đi đôi với công tác tuyên truyền, giáo dục, chính quyền địa phương tích cực vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh, lồng ghép các nội dung cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư", thực hiện hương ước - quy ước trong giữ gìn vệ sinh môi trường nông thôn.

Vũ Duy
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn