|
Phương pháp thông dụng nhất được người dân hay dùng là rơm rạ sau khi thu hoạch được thu gom và tập trung thành từng đống tại chỗ, sau đó tiến hành xử lý và ủ đống thành phân hữu cơ. |
Ở nhiều địa phương, tình trạng dư thừa rơm rạ, vỏ trấu tràn lan phải đem đổ bỏ hoặc vun đống vào đốt vẫn diễn ra. Mỗi lần đốt như vậy, khói bụi bay tứ tung, mùi khét lan tỏa làm ảnh hưởng tới môi trường sống cũng như sức khỏe của cộng đồng.
Theo khảo sát của Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, đối với rơm rạ, hiện các địa phương đang đốt bỏ khoảng 36,4% tổng lượng phát sinh. Tỷ lệ đốt bỏ rơm rạ cao nhất tại huyện Đan Phượng (90%), tiếp đến là các huyện: Mê Linh (70%), Hoài Đức (69%), Gia Lâm (60%)… Hoạt động gieo trồng hàng năm phát sinh khoảng 642.000 tấn rơm rạ, chiếm 59% tổng khối lượng phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch, cộng với trên 171.000 tấn trấu.
Tại An Giang, sản lượng lúa hàng năm khoảng 4 triệu tấn. Quá trình thu hoạch lúa đã sản sinh ra một lượng rơm rạ khổng lồ khoảng 2 triệu tấn/năm. Bên cạnh đó, ngành công nghiệp chế biến lúa gạo trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh mẽ với hàng trăm doanh nghiệp chế biến và cơ sở xay xát, từ đó đã thải ra lượng trấu khoảng 844.200 tấn/năm. Tuy nhiên việc đốt đồng vẫn còn phổ biến ở nhiều địa phương gây ra một sự lãng phí lớn.
Không chỉ gây lãng phí, theo nghiên cứu của nhiều nhà khoa học, việc đốt rơm rạ còn tạo ra nhiều khí thải độc hại như CO2, CO, CH4, N2O, SO2… Trong đó, chiếm chủ yếu là CO2 với ước tính phát thải lên tới 273.000 tấn/năm. Cùng với đó là khoảng 6.500 tấn CO, 2.400 tấn bụi bay vật chất dạng hạt. Khí thải gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường, cản trở tầm nhìn giao thông, đặc biệt là ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của người dân.
Nhận thức được tác hại của việc đốt, vứt bỏ phế, phụ phẩm từ cây lúa gồm vỏ trấu, rơm rạ, cám gạo, các địa phương đã có nhiều giải pháp để xử lý khối lượng phế, phẩm này như: Tận dụng để sấy lúa, bán cho các lò gạch làm chất đốt, hoặc chế biến thành nguồn nguyên liệu năng lượng như củi trấu hay trấu viên. Một số nơi bà con tận dụng rơm để trồng nấm rơm, ủ rơm làm thức ăn gia súc, sản xuất phân bón, phủ rơm trồng hoa màu…
Phương pháp thông dụng nhất được người dân hay dùng là rơm rạ sau khi thu hoạch được thu gom và tập trung thành từng đống tại chỗ, sau đó tiến hành xử lý và ủ đống thành phân hữu cơ.
Bổ sung phân chuồng và lân, khi kiểm tra độ ẩm của đống ủ thấy nước ngấm đều trong rơm rạ và khi cầm vào thấy mềm là đạt yêu cầu. Sau đó, dùng các loại vật liệu đã chuẩn bị để che đậy. Sau 20 - 30 ngày rơm rạ phân hủy tốt thành phân ủ hữu cơ bón cho cây trồng, giúp gia tăng độ mùn, bổ sung chất dinh dưỡng và nâng cao chất lượng cây trồng.
TS. Nguyễn Đăng Nghĩa – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn Nông nghiệp Nhiệt đới đã nghiên cứu sản xuất phân bón biochar (than sinh học) từ vỏ trấu. Biochar sản xuất bằng nguyên liệu trấu thu được kết quả khá tốt trong thực hành sản xuất, nhất là trong hoa màu, cây ăn trái và đặc biệt cho sản xuất rau.
Với cấu trúc carbon xốp đạt mức nano tồn tại bền vững, biochar có tác dụng tăng độ phì nhiêu cho đất, đặc biệt với các loại đất nghèo, đất có độ pH thấp. Một kg than sinh học có thể "uống" tối đa 400 ml nước và nếu để ngoài tự nhiên một tuần lễ rồi đem cân lại cho thấy trọng lượng còn 1.350g. Nước được chứa trong hàng trăm lỗ li ti/mm2 than sinh học và lượng nước từ đó bay đi mất rất ít, giúp đất trồng giữ nước cho cây ổn định sức khỏe và thực hiện tốt các quá trình phát triển.
Hiện trồng nấm cũng được xác định là một trong những giải pháp hữu hiệu nhằm tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu rơm rạ, góp phần bảo vệ môi trường. Mô hình này phổ biến ở hầu hết tất cả các tỉnh, thành. Bã rơm rạ sau khi chất nấm có thể tận dụng để bón cho cây ăn trái và rau màu rất tốt.
Với lượng rơm từ một ha trồng lúa có thể chất được 200 m mô nấm và sau khi trồng nấm 25 - 30 ngày có thể thu được 250 - 300 kg nấm tươi. Hiện nay, giá bán nấm rơm tươi tại một số tỉnh thành phía Nam là 25.000 - 27.000 đ/kg, như vậy với 1 ha trồng lúa, người dân có thể thu được 6.250.000 - 8.100.000 đồng.
Với sự mở rộng của các mô hình trồng hữu cơ, canh tác thuận tự nhiên, hiện nhiều nông dân đang quay trở về với cách dùng rơm che phủ đất cho rau màu, ủ gốc cho cây ăn quả, góp phần cải thiện khả năng canh tác của đất, cải thiện cấu trúc và tính chất lý học của đất, làm đất tơi xốp hơn, tăng khả năng giữ, thấm nước, làm giảm sự xói mòn do gió và nước.
Để tận dụng phế, phụ phẩm từ cây lúa làm chất đốt, anh Trần Đình Lai ở xã Quảng An, huyện Quảng Điền (Thừa Thiên Huế) đã tìm tòi và nghiên cứu máy ép trấu thành củi. Trấu được ép thành dạng thanh củi cứng, có chiều dài từ 40-60cm, đường kính 85cm. Cứ 1kg trấu sẽ cho ra 1kg củi trấu thành phẩm. Củi trấu có độ cứng, chắc tương đương với củi thông thường.
Các nhà khoa học cho biết, 1kg củi trấu cho nhiệt lượng khoảng 3900 kl, cao gấp gần hai lần so với củi thường. Giá củi trấu cũng rẻ hơn củi thường từ 200 – 400 đồng/kg. Hiện nay, nhiều công ty đã chuyển từ dùng than đá sang dùng củi trấu để hạn chế ô nhiễm, bảo vệ môi trường. Điển hình như công ty cổ phần Prime Phong Điền đã thay thế việc sử dụng than đá bằng củi trấu trong quá trình sấy cát, sản xuất men gạch. Mỗi ngày công ty tiêu thụ khoảng 3 tấn củi trấu.
Để tránh lãng phí tài nguyên, đồng thời giảm ô nhiễm môi trường rất cần sự chung tay nỗ lực của các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và người dân. Chỉ khi nào nhận thức rõ giá trị của rơm rạ, vỏ trấu, có cách tái sử dụng, xử lý hiệu quả, khi đó mới không còn tình trạng đốt hay vứt bỏ trên những cánh đồng sau mỗi vụ thu hoạch.