Hà Tĩnh: Kinh nghiệm xử lý rác thải nông thôn
13:17 - 28/05/2018
(MTNT) - Theo thống kê, bình quân mỗi ngày, lượng rác thải sinh hoạt từ các hộ gia đình nông thôn của tỉnh khoảng 363 tấn/ngày. Để giải quyết tình trạng rác thải sinh hoạt, đã có hàng trăm tổ, đội, hợp tác xã (HTX) môi trường và các lò đốt rác mini hộ gia đình tại một số địa phương ra đời, bước đầu đã xử lý hiệu quả ô nhiễm môi trường từ rác thải sinh hoạt ở các làng quê.
Các HTX môi trường bước đầu đã xử lý hiệu quả ô nhiễm rác thải sinh hoạt tại làng quê (Ảnh minh họa).


Tại xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, các thôn xóm lập nên các tổ, đội gom rác rồi tiến lên thành lập HTX môi trường. Đây là một trong những HTX xử lý môi trường ở nông thôn ra đời đầu tiên của tỉnh Hà Tĩnh. HTX môi trường có 9 thành viên, ngoài trang bị các xe đẩy rác để các tổ nhóm thu gom vào tận cửa nhà dân 2 ngày/lần, HTX cũng đã trang bị được một chiếc ô tô tải chở rác ra bãi xử lý giúp giải quyết tốt vấn nạn rác thải.
 
 
Xã Bình Lộc, huyện Lộc Hà từng là điểm nóng về vấn nạn rác thải. Xã đã thành lập HTX Môi trường xã Bình Lộc với 12 thành viên. Mỗi tuần 12 người chia thành 6 nhóm dành 2 ngày kéo xe lôi đến tận cửa nhà các hộ dân thu gom rác thải, môi trường làng hiện đã cải thiện rất nhiều.
 
 
Đối với HTX môi trường ở xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc ngoài chức năng thu gom rác thải sinh hoạt trong khu dân cư, HTX còn đưa vào sử dụng lò xử lý rác thải hữu cơ thành phân xanh để bón cho cây trồng đầu tiên ở vùng nông thôn Hà Tĩnh.
 
 
Theo thống kê của Sở Tài nguyên – Môi trường Hà Tĩnh, toàn tỉnh đã có 140 đơn vị trong đó có 3 công ty quản lý công trình đô thị, 120 HTX môi trường và 17 tổ, đội, vệ sinh môi trường. Đây là hướng đi mới trong mô hình hợp tác công - tư về dịch vụ công ích bảo vệ môi trường, đặc biệt ở các vùng nông thôn.
 
 
Người dân ở xã Thạch Điền, huyện Thạch Hà đã nghĩ ra cách xử lý rác tiện lợi, khắc phục triệt để trình trạng ô nhiễm môi trường bằng cách xây dựng lò đốt rác mini ngay trong từng tổ, nhóm, hộ gia đình. Lò đốt rất hiệu quả, tiện lợi kể cả ngày mưa gió vẫn xử lý rác được.
 
 
Mỗi lò đốt đốt rác mi ni được thiết kế với diện tích khoảng 1m2, cao 2m, vật liệu gồm khoảng 100 viên gạch, 1 bao xi măng, 1 tấm lợp pro-xi-măng, ngoài ra còn có sắt, cát để làm dầm thông hơi. Tổng cộng chi phí để xây 1 lò đốt từ 500-600 ngàn đồng, trong đó xã hỗ trợ toàn bộ gạch với số tiền 150 ngàn đồng còn các vật liệu khác và ngày công người dân tự bỏ ra. Tùy vào lượng rác, không nhất thiết mỗi hộ gia đình xây một lò mà có thể 2-3 hộ gia đình ở gần nhau có thể xây, sử dụng chung một lò.
 
 
Bà con tự phân loại rác thải, chai lọ bán ve chai còn các loại rác hữu cơ và bao ni lông đốt thành mùn làm phân bón cho rau và cây ăn quả. Rác được đưa thu gom tập kết trong lò, khi nào đầy thì đốt.
 
 
Sau gần 1 năm triển khai xây dựng lò đốt rác mini, ý thức người dân không còn ỷ lại do đó không còn cảnh rác vứt bừa bãi dọc đường hay treo trước cổng nhà chờ đi gom xử lý. Đến nay trên địa bàn xã đã có hơn 400 lò được xây dựng trên địa bàn 9 thôn.
 
 
Xã Kỳ Thượng là xã miền núi khó khăn thuộc vùng sâu của huyện Kỳ Anh. Xã cũng triển khai mô hình lò xử lý rác thải sinh hoạt đến từng gia đình, từng cụm dân cư.
 
 
Tùy theo mỗi gia đình xây dựng, nhưng hầu hết các lò đốt rác tại gia đình, có giá từ 3 – 4 trăm ngàn đồng. Lò được xây rộng từ 1 - 1,2 m, cao từ 1,2 - 1,5m, có hai ngăn, một cửa lấy tro rộng khoảng 30cm, có mái lợp để tránh mưa. Việc xây dựng lò đốt giác thải to hay nhỏ tùy thuộc vào lượng rác đốt của gia đình hoặc một cụm hộ gia đình ở trong thôn xóm. Khi đã phân loại rác thải kỹ lưỡng, nên đổ vào chỉ trong vòng 15 – 20 phút rác thải sẽ cháy hết.
 
 
Đến nay xã Kỳ Thượng đã xây dựng được 1104 lò đốt rác từ các hộ, cụm dân cư của 12/12 thôn. Sau khi mô hình này được triển khai rộng khắp trong toàn xã, các hộ, cụm dân cư không còn phải đào hố chôn lấp rác như trước mà còn tận dụng được tro để làm phân hữu cơ bón cho các loại cây trồng. Thấy được lợi ích của việc sử dụng lò đốt rác giúp làm sạch các tuyến đường làng, ngõ xóm, mang lại sức khỏe và góp phần bảo vệ môi trường nên hầu hết người dân đều hưởng ứng và tích cực tự nhân rộng.
 
 
Các mô hình xử lý rác trên đã mang lại lợi ích về sức khỏe và góp phần bảo vệ môi trường. Tuy nhiên đối với các HTX môi trường ở nông thôn do điều kiện người dân còn khó khăn nên nguồn thu không đủ bù chi. Vì vậy để nhân rộng các dịch vụ công ích này cần có sự hỗ trợ tích cực của các cấp, ngành nhằm giảm thiểu gánh nặng cho người dân.

Văn Huân
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn