Tăng cường xử lý ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi
11:30 - 18/08/2017
(MTNT) - Hoạt động chăn nuôi càng phát triển, việc thu gom, xử lý chất thải của ngành chăn nuôi lại càng bức thiết. 

 

Việc xử lý chất thải chăn nuôi mang lại nhiều lợi ích kinh tế trong việc tiết kiệm chi phí sản xuất và sinh hoạt cho các nông hộ và các trang trại

Thực trạng chăn nuôi hiện nay cho thấy lượng chất thải quá lớn và việc xử lý chất thải kém hiệu quả, cũng như tập quán chăn nuôi xen kẽ trong khu dân cư khiến việc giải quyết ô nhiễm môi trường do chăn nuôi trở thành một bài toán khó với hầu hết các địa phương.Thời gian qua, các công trình khí sinh học (KSH) đã được sử dụng rộng rãi như một giải pháp về môi trường đối với chăn nuôi. Tính đến hết năm 2016, trên cả nước đã có 467.231 công trình KSH đã được xây dựng. Chỉ riêng 3 tháng đầu năm 2017, có 286.000 công trình KSH được xây dựng trên cả nước.


Theo Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp (Ipsard) - Bộ NN & PTNN, việc sản xuất điện bằng khí biogas sẽ góp phần giảm phát thải CO2 khoảng 9,5 tấn/năm. Bên cạnh đó, việc xử lý chất thải chăn nuôi còn còn mang lại nhiều lợi ích kinh tế trong việc tiết kiệm chi phí sản xuất và sinh hoạt cho các nông hộ và các trang trại chăn nuôi. Khi sử dụng 10.000 bộ hệ thống KSH và máy phát điện, có thể giảm được 95.000 tấn khí thải CO2/năm. Việc này đóng góp đáng kể cho thực hiện chống biến đổi khí hậu của Việt Nam.


Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Viện trưởng Ipsard, cho biết chất thải trong chăn nuôi được phân giải thành bùn sinh học làm phân bón cho cây trồng đã làm tăng năng suất so với mức thông thường sử dụng phân bón hóa học. Theo tính toán của Ipsard, bùn sinh học từ các hầm KSH được sử dụng trực tiếp hoặc ủ với các phụ phẩm nông nghiệp khác để làm phân bón hữu cơ cho cây ăn trái như: Thanh long, dừa, nhãn giúp năng suất cây trồng đều tăng so với mức thông thường.


Các hộ gia đình sử dụng biogas tiết kiệm được thời gian, lao động và chi phí điện, ga, sinh khối và củi. Theo đó, giảm chi phí điện sinh hoạt khoảng 130.000 đồng/tháng; giảm tiền gas 400.000 - 450.000 đồng/tháng và giảm chi phí phân bón từ 500.000 - 700.000 đồng/ha/năm.


Ngoài ra, chất thải chăn nuôi còn được sử dụng KSH tạo ra điện và bùn thải hỗ trợ trong sản xuất và sinh hoạt. Nếu sử dụng 10.000 hệ thống công trình KSH kết hợp máy phát điện, mỗi năm, chúng ta có thể tiết kiệm được 240 tỷ đồng.


Trong khi đó, đầu tư ban đầu để xây hầm biogas cho 10 con lợn trong 4 năm khoảng 10 triệu đồng, với lãi suất hiện tại của ngân hàng Agribank là 8% thì thời gian hoàn vốn chưa đến 3 năm.


Tại Hưng Yên có hoạt động chăn nuôi phát triển mạnh tuy nhiên tình trạng ô nhiễm môi trường do chăn nuôi xuất hiện phổ biến. Trong khu dân cư thì ô nhiễm bởi mùi, nước thải, ngoài đồng thì ô nhiễm bởi việc chăn thả gia súc, gia cầm tự do, trên các kênh mương, ao hồ trở thành nơi chứa chất thải, nước thải chăn nuôi chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa hiệu quả. 
 

Đã có nhiều hộ chăn nuôi xây dựng, sử dụng hầm khí sinh học biogas để xử lý chất thải, nước thải chăn nuôi và thu khí sinh học làm chất đốt. Tuy nhiên, một mặt do số lượng gia súc, gia cầm quá lớn, thể tích hầm khí xây dựng có hạn, chất thải không được xử lý hết, bị tràn ra môi trường, mặt khác quá trình thu gom, xử lý hiệu quả chưa cao khiến môi trường bị ô nhiễm. 
 

Ông Nguyễn Đình Tưởng, Trưởng phòng Chăn nuôi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết: “Chất thải chăn nuôi nếu không xử lý, sử dụng sẽ trở thành nguồn gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của người dân.


Nhưng nếu biết cách xử lý phù hợp lại trở thành nguồn lợi đem lại giá trị kinh tế, phục vụ sản xuất như: Chất đốt, thắp sáng, phân hữu cơ góp phần giúp môi trường trong lành, giảm nguy cơ dịch bệnh, chăn nuôi phát triển bền vững”.

 
Nhiều người dân đã so sánh, vì sao trước kia nhà nào cũng chăn nuôi, chuồng trại chăn nuôi ở trong khu dân cư mà không ô nhiễm như hiện nay? Có thể thấy, nguyên nhân chính là ở việc thu gom, xử lý chất thải chăn nuôi trước đây khá triệt để.


Chất thải chăn nuôi được nông dân thu gom, ủ hoai mục để làm phân hữu cơ chăm bón cho cây trồng. Những năm gần đây, việc sử dụng phân chuồng ủ làm phân hữu cơ bón cho cây trồng càng ít, chất thải cứ thế ùn ùn đổ ra môi trường.


Chị Nguyễn Thị Tuyến ở xã Hồng Quang, huyện Ân Thi cho biết: “Hai năm nay, gia đình tôi đã liên hệ với một số hộ chuyên làm vườn trong khu vực để bán chất thải chăn nuôi cho họ làm phân hữu cơ bón cho cây trồng. Mỗi bao phân chuồng tuy chỉ bán được khoảng 5 – 10 nghìn đồng, lại mất công thu gom song môi trường chăn nuôi tại hộ gia đình tôi không còn bị ô nhiễm nữa”.
 

Đây là cách làm hiệu quả đang được khuyến khích, nhân rộng trên địa bàn tỉnh. Chất thải chăn nuôi sau khi được thu gom, trong nền chuồng nuôi sẽ chỉ còn một lượng nhỏ chất thải, nước thải theo nước rửa chuồng xuống hệ thống biogas. Bên cạnh đó, việc sử dụng hầm khí sinh học biogas cần đúng cách, đúng thể tích.


Một hộ chăn nuôi 10 con gia súc hoặc 100 con gia cầm có thể xây dựng một hầm khí sinh học thể tích 20 – 30m3. Số lượng vật nuôi tăng thì tăng thể tích hầm khí sinh học, song chất thải thô phải được thu gom trước, đường dẫn nước thải vào bể biogas phải có lưới lọc cặn bã.


Đối với chăn nuôi gia cầm nền chuồng khô nên sử dụng đệm lót sinh học bằng các loại phụ phẩm như: Trấu, mùn cưa, rơm trộn với men vi sinh để xử lý chất thải tại chỗ, thu gom đệm lót sau mỗi lứa chăn nuôi.

 
Nhằm tìm giải pháp xử lý triệt để chất thải chăn nuôi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hưng Yên đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ; Học viện Nông nghiệp Việt Nam thực hiện Đề tài ô nhiễm môi trường trang trại chăn nuôi và các giải pháp xử lý chất thải.


Đề tài đã xây dựng mô hình xử lý chất thải chăn nuôi lợn tại một hộ chăn nuôi thuộc xã Xuân Quan, huyện Văn Giang nhằm bảo đảm sau khi nước thải ra môi trường đạt tiêu chuẩn, không gây ô nhiễm môi trường.

 
Đến nay mô hình đã cho kết quả khả quan, đem lại lợi ích thiết thực cho người chăn nuôi và cộng đồng. Mô hình tập trung xử lý chất thải trước khi đưa xuống hệ thống biogas bằng cách thu gom phân thô, ủ phân làm phân hữu cơ; và sau khi qua hệ thống biogas bằng cách xây dựng hệ thống bể lắng, đưa nước thải ra một hồ điều hòa trồng thủy sinh để xử lý chất thải bước cuối cùng.


Anh Nguyễn Đức Biên, chủ trang trại chăn nuôi được hỗ trợ xây dựng mô hình cho biết: “Sau chuỗi xử lý, nước thải từ trang trại chăn nuôi của gia đình tôi đã không còn là mối nguy gây ô nhiễm môi trường nữa. Tôi hy vọng thời gian tới các trang trại chăn nuôi sẽ được các cấp, ngành chức năng quan tâm hỗ trợ để nhân rộng, phát triển mô hình, giảm thiểu ô nhiễm môi trường”.

 
Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, các hộ chăn nuôi cần chăn nuôi gia súc, gia cầm phải được quy hoạch phù hợp theo vùng sinh tháicả về số lượng, chủng loại để không bị quá tải gây ô nhiễm môi trường.


Đặc biệt là những khu vực có sử dụng nguồn nước ngầm hoặc nguồn nước sông hồ cung cấp cho nhà máy nước sinh hoạt thì công tác quy hoạch chăn nuôi càng phải quản lý nghiêm ngặt. Khi xây dựng trang trại chăn nuôi cần phải đủ xa khu vực nội thành, nội thị, khu đông dân cư đồng thời đúng thiết kế và phải được đánh giá tác động môi trường trước khi xây dựng trang trại.


Người chăn nuôi phải thực hiện tốt quy định về điều kiện chăn nuôi, ấp trứng, vận chuyển, giết mổ, buôn bán gia súc, gia cầm và sản phẩm của chúng. Các cấp chính quyền và cơ quan chức năng cần hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện đúng theo quy hoạch, đúng theo Pháp lệnh giống vật nuôi, Pháp lệnh thú y và các quy chuẩn trong chăn nuôi. Việc quy hoạch chăn nuôi và rà soát lại quy hoạch phải thực hiện định kỳ vì đây là biện pháp vĩ mô quan trọng góp phầngiảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Trọng Vui
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn