Báo động ô nhiễm môi trường từ thuốc bảo vệ thực vật
09:38 - 06/09/2023
(MTNT) – Thuốc bảo vệ thực vật đóng vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp đó là phòng trừ dịch bệnh, bảo vệ cây trồng. 
Thuốc trừ sâu tồn dư lâu, không bị phân hủy ở trong đất và trong nước có thể làm cho động vật, cây trồng sống ở đó bị nhiễm thuốc lâu dài, con người ăn các sản phẩm trồng trọt và chăn nuôi bị nhiễm thuốc trừ sâu hằng ngày một cách gián tiếp, lâu ngày sẽ có hại cho sức khỏe



Tuy nhiên, tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi, việc buôn bán mặt hàng này không được quản lý chặt chẽ cộng với hệ lụy từ những kho chứa thuốc bảo vệ thực vật thời bao cấp chưa được xử lý triệt để đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng nông sản cũng như cuộc sống của người nông dân trên địa bàn tỉnh.


Mỗi năm, nước ta sử dụng từ 35.000-100.000 tấn hóa chất bảo vệ thực vật; từ lượng thuốc khổng lồ đó, hàng nghìn tấn bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật được vứt bừa bãi ra đồng ruộng.


Để đất đai và nguồn nước không bị ảnh hưởng trong quá trình canh tác, chính quyền và các ngành chức năng cần phải có kế hoạch tuyên truyền cho bà con nông dân, về sự nguy hại của vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật bỏ ra ngoài môi trường sau khi đã sử dụng xong.


Điều đáng lo ngại là thông thường, lượng thuốc bảo vệ thực vật còn sót lại trong bao bì chiếm khoảng 10% tổng số thuốc tiêu thụ và ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân.


Thuốc bảo vệ thực vật là tên gọi chung để chỉ các loại hóa chất dùng trong nông nghiệp nhằm diệt sâu, bệnh, cỏ dại, các côn trùng gây hại và động vật gậm nhấm để bảo vệ cây trồng, các kho lương thực hàng hóa…


Bên cạnh những lợi ích mà thuốc bảo vệ thực vật đem lại cho ngành nông nghiệp thì những ảnh hưởng của nó đến sức khỏe con người, môi trường cũng là một vấn đề cấp bách. 

 
Theo Cục Y tế dự phòng và môi trường Việt Nam, hằng năm có trên 5.000 trường hợp nhiễm độc hóa chất bảo vệ thực vật phải cấp cứu tại bệnh viện và có hàng trăm trường hợp tử vong.


Tác hại của thuốc bảo vệ thực vật đối với cơ thể con người và môi trường xung quanh xảy ra khi thuốc được sử dụng không đúng các tiêu chuẩn quy định.

 
Đối với người, khi được sử dụng không đúng cách, thuốc bảo vệ thực vật sẽ gây nhiễm độc cấp tính: Bỏng mắt cấp tính, hủy hoại da, ảnh hưởng thần kinh, gan.


Khi bị nhiễm độc mãn tính sẽ ảnh hưởng đến tủy xương (thiếu máu bất sản và loạn tạo máu); ảnh hưởng đến sinh sản (vô sinh ở nam, sảy thai, thai dị dạng...); gây độc thần kinh; ảnh hưởng đến cơ chế miễn dịch...


 Cơ thể con người bị nhiễm độc thuốc bảo vệ thực vật biểu hiện ở nhiều mức độ giảm sút sức khỏe, gây rối loạn các hoạt động ở hệ thần kinh, tim mạch, tiêu hóa hô hấp, bài tiết, gây các tổn thương bệnh lý ở các cơ quan, hệ thống nói trên từ mức độ nhẹ tới nặng, thậm chí tàn phế hoặc tử vong.    


Do đó theo dõi sức khỏe có hệ thống khi tiếp xúc thường xuyên với thuốc bảo vệ thực vật là rất cần thiết. Đối với môi trường xung quanh, thuốc bảo vệ thực vật diệt cả những côn trùng và động vật hữu ích cho con người, có thể làm biến đổi thế cân bằng tự nhiên của hệ sinh thái gây ô nhiễm đất, nước, không khí.


Các thuốc trừ sâu tồn dư lâu, không bị phân hủy ở trong đất và trong nước có thể làm cho động vật, cây trồng sống ở đó bị nhiễm thuốc lâu dài, con người ăn các sản phẩm trồng trọt và chăn nuôi bị nhiễm thuốc trừ sâu hằng ngày một cách gián tiếp, lâu ngày sẽ có hại cho sức khỏe.


Nguyên nhân nhiễm độc thuốc bảo vệ thực vật trong lao động là do không khí bị ô nhiễm thuốc, da và quần áo dây dính thuốc, do thuốc vào đường tiêu hóa qua thức ăn, nước uống. Mức nhiễm độc tùy thuộc vào lượng chất độc xâm nhập vào trong cơ thể, độc tính của từng loại thuốc và trạng thái sức khỏe của người khi tiếp xúc với chất độc.


Các nguyên nhân trực tiếp dẫn tới nhiễm độc thuốc bảo vệ thực vật trong lao động là trang bị bảo hộ lao động không chu đáo, thời gian phun thuốc quá lâu, máy bơm thuốc bị rò rỉ hoặc bị hỏng, vệ sinh cá nhân kém, nhầm lẫn…


Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật một cách tràn lan, chưa có biện pháp xử lý triệt để và hợp lý đã để lại những hậu quả nghiêm trọng về ô nhiễm nguồn nước, đất, không khí; gây độc cho người và các loại động vật, làm mất cân bằng tự nhiên.


Theo các chuyên gia môi trường, nếu không có giải pháp xử lý khoa học và kịp thời Việt Nam sẽ hứng chịu nguy cơ ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng và những tổn hại về sức khỏe cộng đồng do thuốc bảo vệ thực vật gây ra.


Theo đánh giá của các chuyên gia môi trường, quản lý, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật dường như vượt qua tầm kiểm soát của các cơ quan chức năng. Phần lớn các vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng bà con thải bỏ lại môi trường, chỉ có một phần nhỏ được thu gom lại và đốt bỏ và sử dụng phương pháp chôn lấp.


Chính vấn đề này đã làm môi trường ngày càng bị ô nhiễm bởi dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật còn sót lại trên các bao bì, nhãn mác của các chai lọ đựng thuốc…


Theo đề xuất của các chuyên gia môi trường, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để bảo vệ một nền sản xuất nông nghiệp bền vững phải đi đôi với việc bảo vệ sức khoẻ cộng đồng và môi trường.


Nên chăng Nhà nước cần có chế độ ưu đãi, hỗ trợ cho các chương trình sản xuất và ứng dụng các sản phẩm hữu cơ, vi sinh vào công tác phòng trừ sinh vật gây hại tài nguyên thực vật.

Để giảm tình trạng ô nhiễm môi trường từ chất thải thuốc bảo vệ thực vật cần sự chung tay của toàn xã hội, trong đó ý thức sử dụng của người nông dân là quan trọng nhất, các ngành cần tăng cường tuyên truyền để người dân thấy tác hại của thuốc bảo vệ thực vật, từ đó sử dụng đúng cách


Chọn lọc các loại thuốc, dạng thuốc bảo vệ thực vật an toàn có tính chọn lọc cao, phân giải nhanh trong môi trường; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ thực vật.


Đồng thời, các lực lượng liên ngành cần kiểm tra, kiểm soát việc nhập lậu thuốc bảo vệ thực vật; đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao năng lực quản lý môi trường, nâng cao nhận thức về trách nhiệm và nghĩa vụ của những người sản xuất, kinh doanh và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.


Trước những nguy hại tiềm ẩn từ việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác quản lý, người dân cũng cần nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc sử dụng, kiểm soát lượng tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt tuân thủ nguyên tắc 4 đúng: đúng thuốc - đúng liều - đúng lúc - đúng cách; từ đó, góp phần nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, hàng hóa và bảo vệ môi trường.


Để giảm tình trạng ô nhiễm môi trường từ chất thải thuốc bảo vệ thực vật cần sự chung tay của toàn xã hội, trong đó ý thức sử dụng của người nông dân là quan trọng nhất. Vì vậy, ngoài việc hướng dẫn bà con nông dân sử dụng hiệu quả, các cấp, các ngành cần tăng cường tuyên truyền để người dân thấy tác hại của thuốc bảo vệ thực vật, từ đó sử dụng đúng cách, thu gom bao bì tiêu hủy đúng quy định.


 

Hà Chi
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn