Phấn đấu 100 % người dân nông thôn được sử dụng nước sạch và vệ sinh
|
Hiện tỷ lệ người dân được cấp nước hợp vệ sinh tương đối cao |
Mặc dù đã đạt được những kết quả đáng khích lệ song nước sạch nông thôn vẫn tồn tại nhiều khó khăn, thách thức. Vẫn còn có sự chênh lệch khá lớn về tỷ lệ cấp nước và vệ sinh giữa các vùng, các địa phương và giữa các huyện, xã trong một tỉnh; việc quản lý, cung cấp dịch vụ công về nước sạch nông thôn ở địa phương còn chưa ổn định và hiệu quả.
Số lượng công trình hoạt động kém hiệu quả vẫn còn cao. Kết quả khảo sát trên 16.000 công trình cấp nước tập trung đã xây dựng và vận hành chỉ có 34,7% bền vững, 34,1% trung bình, 16,8% kém hiệu quả và 14,4% không hoạt động.
Chất lượng nước ở nhiều công trình cấp nước chưa ổn định, công tác vận hành nhiều nơi còn buông lỏng, chưa được theo dõi giám sát, tổ chức quản lý trách nhiệm không rõ ràng, hoạt động kém bền vững.
Tỷ lệ người dân được cấp nước hợp vệ sinh tương đối cao với 88,5% song mới có khoảng 51% dân nông thôn được cấp nước sạch đạt chuẩn. Nguồn lực đầu tư hạn chế và chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước trong khi nguồn vốn từ ngân sách nhà nước có hạn và không đáp ứng được nhu cầu đầu tư ngày càng cao cho cấp nước nông thôn.
Tại Quyết định số 1978/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nêu rõ mục tiêu tổng thế của Chiến lược nhằm bảo đảm người dân nông thôn được quyền tiếp cận, sử dụng dịch vụ cấp nước sạch công bằng, thuận lợi, an toàn với chi phí hợp lý; bảo đảm vệ sinh hộ gia đình và khu vực công cộng, vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh; bảo vệ sức khỏe, giảm các bệnh liên quan đến nước và vệ sinh, nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân nông thôn, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn với thành thị, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Cụ thể, phấn đấu đến năm 2030, 65% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch đạt chất lượng theo quy chuẩn với số lượng tối thiểu 60 lít/người/ngày; 100% hộ gia đình nông thôn, trường học, trạm y tế có nhà tiêu hợp vệ sinh bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn.
100% người dân nông thôn thường xuyên thực hiện vệ sinh cá nhân; 25% điểm dân cư nông thôn tập trung có hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt, 15% nước thải sinh hoạt được xử lý; 75% hộ chăn nuôi, trang trại được xử lý chất thải chăn nuôi.
Chiến lược cũng đặt mục tiêu đến năm 2045, 100% người dân nông thôn được sử dụng nước sạch và vệ sinh an toàn, bền vững; 50% điểm dân cư nông thôn tập trung có hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt, 30% nước thải sinh hoạt được xử lý; 100% hộ chăn nuôi, trang trại được xử lý chất thải chăn nuôi.
Hải Hảo
Nguồn:
https://nhandan.vn/den-nam-2030-65-dan-so-nong-thon-duoc-su-dung-nuoc-sach-dat-chat-luong-theo-quy-chuan-post675612.html
https://dantocmiennui.vn/100-nguoi-dan-nong-thon-duoc-dung-nuoc-sach-dat-quy-chuan-vao-nam-2045/316001.html