(MTNT)- Tận dụng chất thải trong chăn nuôi thành phân bón không chỉ giúp giảm chi phí sản xuất, mà còn giải quyết được “bài toán” ô nhiễm môi trường.
|
Mỗi năm ngành chăn nuôi thải ra môi trường khoảng 79 triệu tấn phân nhưng phần lớn thải ra môi trường gây ô nhiễm |
Hiện cả nước có khoảng 12 triệu hộ gia đình có hoạt động chăn nuôi và 23.500 trang trại chăn nuôi tập trung. Trong đó, chăn nuôi lợn khoảng 4 triệu hộ và gia cầm gần 8 triệu hộ, với tổng đàn khoảng 362 triệu con gia cầm, 29 triệu con lợn và 8 triệu con gia súc. Mỗi năm ngành chăn nuôi thải ra môi trường khoảng 79 triệu tấn phân nhưng chỉ khoảng 20% được sử dụng hiệu quả, còn lại 80% đã bị lãng phí và phần lớn thải ra môi trường gây ô nhiễm.
Để tận dụng nguồn chất thải này, các trang trại chăn nuôi sử dụng ít nước đều có thể dễ dàng thu gom chất thải rắn để bán làm phân bón hữu cơ. Chất thải rắn từ các trang trại nuôi gà hầu như được tiêu thụ hết cho mục đích trồng rau, hoa, cây cảnh; hiện nay hình thành tự phát một hệ thống thu gom phân trâu bò khô từ đồng bằng sông Cửu Long đến vùng Nam Trung bộ để bán cho các cơ sở chế biến phân bón hữu cơ tại Tây Nguyên phục vụ trồng cây công nghiệp như cà phê, tiêu, cao su…; chất thải rắn thu gom từ chăn nuôi lợn nái luôn được tiêu thụ tốt. Do vậy, trong chăn nuôi sử dụng ít nước, chất thải rắn từ chăn nuôi luôn có thể thu gom để bán nên không còn nhiều để thải ra môi trường.
Biện pháp khí sinh học cũng được người dân ưu tiên sử dụng. Chất thải trong chăn nuôi được phân giải thành bùn sinh học từ các hầm khí sinh học được sử dụng trực tiếp hoặc ủ với các phụ phẩm nông nghiệp khác để làm phân bón hữu cơ cho cây ăn trái giúp tăng năng suất cây trồng so với mức thông thường sử dụng phân bón hóa học.
Bà con còn chăn nuôi trên đệm lót sinh học sử dụng các phế thải từ chế biến lâm sản (Phôi bào, mùn cưa...) hoặc phế phụ phẩm trồng trọt (Thân cây ngô, đậu, rơm, rạ, trấu, vỏ cà phê...) cắt nhỏ để làm đệm lót có bổ sung chế phẩm sinh học. Bộ vi sinh vật đã được nghiên cứu và tuyển chọn thuộc các chi Bacillus, Lactobacillus, Streptomyces, Saccharomyces, Aspergillus... ức chế và tiêu diệt vi sinh vật có hại, đồng thời phân giải chất hữu cơ từ phân gia súc gia cầm, nước giải giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Trên cơ sở nghiên cứu gốc chế phẩm EM của Nhật Bản, các nhà nghiên cứu đã chọn tạo cho ra các sản phẩm EM chứa nhiều chủng loại vi sinh vật đã có mặt trên thị trường. Ngoài ra nhiều cơ sở khác cũng đã nghiên cứu và chọn tạo ra nhiều tổ hợp vi sinh vật (men) phù hợp với các giá thể khác nhau và được thị trường chấp nhận như chế phẩm sinh học Balasa Nol của cơ sở Minh Tuấn; EMIC (Công ty CP Công nghệ vi sinh và môi trường); EMC (Công ty TNHH Hóa sinh Việt Nam); GEM, GEM-K, GEM-P1 (Trung tâm Tư vấn CTA)... Sau khi thu hoạch, lớp đệm lót gồm hỗn hợp trấu, mùn cưa - phân được bà con nông dân sử dụng làm phân bón cây trồng rất hiệu quả.
Xử lý chất thải bằng ủ phân hữu cơ (Compost) là phương pháp sử dụng chủ yếu phân của động vật thông qua hoạt động trực tiếp hay gián tiếp của vi sinh vật phân hủy và làm tăng cao chất lượng của sản phẩm. Bà con thường ủ phân bằng phương pháp phủ kín hoàn toàn bằng nilon. Nhờ quá trình lên men tự nhiên và nhiệt độ tự sinh của đống phân ủ sẽ tiêu diệt được phần lớn các mầm bệnh nguy hiểm, tạo nên phân bón hữu cơ giàu chất dinh dưỡng cung cấp cho cây trồng. Thậm chí ủ phân có thể phân hủy được cả xác động vật chết khi lượng phế thải thực vật đủ lớn. Trong phân ủ có chứa chất mùn làm đất tơi xốp, tăng dung lượng hấp thụ khoáng của cây trồng, đồng thời có tác dụng tốt đến hệ vi sinh vật có ích trong đất. Phân ủ còn có tác dụng tốt đối với tính chất lý hoá học và sinh học của đất, không gây ảnh hưởng xấu đến người, động vật và giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường sinh thái.
Xử lý bằng công nghệ ép tách phân là công nghệ hiện đại. Dựa trên nguyên tắc “lưới lọc”, máy ép có thể tách hầu hết các tạp chất nhỏ đến rất nhỏ trong hỗn hợp chất thải chăn nuôi, tùy theo tính chất của chất rắn mà có các lưới lọc phù hợp. Khi hỗn hợp chất thải đi vào máy ép qua lưới lọc thì các chất rắn được giữ lại ép khô và chuyển ra ngoài để xử lý còn lượng nước theo đường riêng chảy ra ngoài hoặc xuống hầm khí sinh học xử lý tiếp. Độ ẩm của sản phẩm (phân khô) có thể được điều chỉnh tùy theo mục đích sử dụng. Quá trình xử lý này đầu tư ban đầu tốn kém hơn nhưng rất hiện đại, nhanh, gọn, ít tốn diện tích và đang là một trong những biện pháp hiệu quả nhất đối với các trang trại chăn nuôi lợn, trâu, bò theo hướng công nghiệp hiện nay.
Với việc mỗi năm ngành chăn nuôi thải ra môi trường khoảng 79 triệu tấn phân, nếu ứng dụng các công nghệ để sản xuất phân hữu cơ từ phân chuồng, ngành chăn nuôi có thể thu về hàng trăm triệu USD từ nguồn nguyên liệu gây ô nhiễm môi trường này. Hơn nữa, hiện do nhu cầu cao của xã hội đối với rau an toàn, rau hữu cơ nên các sản phẩm phân bón hữu cơ và phân vi sinh có nguyên liệu chủ yếu từ chất thải rắn trong chăn nuôi đã qua xử lý ngày càng được nhiều người mua về sử dụng. Do vậy, đẩy mạnh việc xử lý chất thải chăn nuôi thành phân bón sẽ giúp ngành nông nghiệp phát triển bền vững.