|
Môi trường nông thôn đang phải gánh chịu những bất lợi từ hoạt động sản xuất nông nghiệp |
Theo Bộ NN và PTNT, đồng ruộng Việt Nam đang sử dụng trung bình 15.000 - 25.000 tấn thuốc bảo vệ thực vật hàng năm. Tuy nhiên, việc sử dụng không hợp lý, không tuân thủ theo đúng những quy định nghiêm ngặt về quy trình sử dụng nên thuốc bảo vệ thực vật gây nhiều tác hại cho chính người sử dụng và người tiêu dùng nông sản.
Mỗi năm hoạt động nông nghiệp phát sinh khoảng 9.000 tấn chất thải nông nghiệp nguy hại, chủ yếu là thuốc bảo vệ thực vật, trong đó không ít loại thuốc có độ độc cao đã bị cấm sử dụng.
Ngoài ra, cả nước còn khoảng 50 tấn thuốc bảo vệ thực vật tồn lưu tại hàng chục kho bãi; 37.000 tấn hóa chất dùng trong nông nghiệp bị tịch thu đang được lưu giữ chờ xử lý.
Có đến 60-65% lượng phân đạm không được cây trồng hấp thụ; hàng chục triệu tấn chất thải chăn nuôi, 90% khối lượng chất thải rắn chưa được xử lý chủ yếu đổ ra ven đường làng, bờ kênh, mương mỗi năm gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Thực trạng này khiến cho môi trường nông thôn đang phải gánh chịu những bất lợi từ hoạt động sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, chất thải chăn nuôi là một trong những nguồn gây ô nhiễm lớn nhất trong sản xuất nông nghiệp.
Theo đó, tổng khối lượng chất thải chăn nuôi khoảng 73 triệu tấn/năm. Trong khi đó, phương thức chăn nuôi nông hộ vẫn chiếm tỷ lệ lớn, vì vậy việc xử lý và quản lý chất thải chăn nuôi ngày càng khó khăn.
Cả nước có 8,5 triệu hộ chăn nuôi quy mô gia đình, 18.000 trang trại chăn nuôi tập trung, nhưng mới chỉ có 8,7% số hộ xây dựng công trình khí sinh học (hầm biogas).
Tỷ lệ hộ gia đình có chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh cũng chỉ chiếm 10% và chỉ 0,6% số hộ có cam kết bảo vệ môi trường. Vẫn còn khoảng 23% số hộ chăn nuôi không xử lý chất thải bằng bất kỳ phương pháp nào mà xả thẳng ra môi trường bên ngoài.
Trong lĩnh vực trồng trọt, có tới 80% khối lượng rơm rạ, thân các loài cây lương thực bị đốt hoặc vứt bỏ ngoài đồng ruộng. Bên cạnh chất thải hữu cơ, nguồn chất thải rắn phát sinh từ hoạt động sản xuất cũng khá lớn và ngày càng đáng báo động. Lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, tình trạng ô nhiễm môi trường cũng rất đáng lo ngại.
Vấn đề nổi cộm trong môi trường nuôi trồng thủy sản hiện nay chính là ở các vùng nuôi tôm và cá da trơn tập trung. Chất thải trong nuôi trồng thủy sản là bùn thải chứa phân của các loài thủy sản, nguồn thức ăn dư thừa thối rữa bị phân hủy, các chất tồn dư của vật tư sử dụng như hóa chất.
Vấn đề mâu thuẫn giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường ngày càng lớn. Tình trạng tự phát trong sản xuất thể hiện rõ ở nhiều lĩnh vực hoạt động của ngành, đặc biệt là vấn đề chuyển đổi cơ cấu cây trồng thiếu quy hoạch, chuyển đổi đất giữa trồng lúa và nuôi tôm, phá rừng ngập mặn để nuôi tôm, khai thác hải sản quá mức dẫn đến dịch bệnh lây lan và phát tán nhanh, hiệu quả kinh tế giảm.
Công tác quy hoạch khó cân đối việc sử dụng đất đai, tài nguyên thiên nhiên, thường ưu tiên cho khai thác tài nguyên và canh tác cao độ, ít cân nhắc đến bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Do vậy, các nguồn tài nguyên bị chia cắt cục bộ, phá vỡ tính thống nhất của hệ sinh thái, dễ phát sinh sự cố môi trường. Quá trình phát triển kinh tế không hợp lý sẽ dẫn đến môi trường ngày càng bị ô nhiễm, làm thu hẹp dần các vùng sản xuất.
Tuy nhiên, những tồn tại này có thể được hạn chế và giải quyết nếu có một hệ thống phối hợp đồng bộ về tổ chức quản lý, xử lý các vấn đề môi trường để đưa ra những giải pháp tổng thể giải quyết vấn đề môi trường ở tầm quốc gia.
Môi trường nông nghiệp, nông thôn đang tồn tại nhiều vấn đề nan giải, trong khi đó những việc đã làm được của ngành nông nghiệp mới dừng lại ở những chương trình, dự án quốc gia để phục hồi hệ sinh thái, môi trường nông nghiệp, triển khai các mô hình xử lý chất thải công nghiệp cụ thể, nhỏ lẻ.
Để giải quyết vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường trong nông nghiệp, các cấp, các ngành cần thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp như: Xây dựng bộ tiêu chuẩn về môi trường ngành nông nghiệp để có thể quản lý được các vấn đề nảy sinh, tồn tại trong thực tế, phát triển các công nghệ xử lý chất thải nông nghiệp.
Đồng thời, tăng cường sự phối hợp đồng bộ với các bộ, ngành liên quan như Bộ Tài nguyên và Môi trường. Các địa phương cũng cần chủ động nguồn ngân sách cho công tác này, đồng thời có cơ chế chính sách để toàn xã hội có thể tham gia giải quyết vấn đề môi trường.
Thực tế cũng đã có nhiều địa phương giải quyết được vấn đề môi trường từ cơ chế xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, việc quy định cụ thể trách nhiệm, trong đó có trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trách nhiệm phục hồi môi trường trong trường hợp các cơ sở sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp gây ô nhiễm, làm thiệt hại tới môi trường cũng rất quan trọng.
Nếu thực hiện được đồng bộ các nhóm giải pháp này thì môi trường nông nghiệp nông thôn mới sớm được cải thiện, nền nông nghiệp mới có thể phát triển theo hướng bền vững và người nông dân mới đảm bảo sức khỏe và yên tâm làm việc, sinh sống.