|
Rác thải cần được thu gom mang đi xử lý tại khu xử lý rác thải tập trung |
Trong tiến trình xây dựng nông thôn mới, công tác thu gom và xử lý rác thải nông thôn được các ngành và các cấp chính quyền tại tỉnh Ninh Bình quan tâm, đầu tư, bước đầu tạo sự chuyển biến tích cực. Tỉnh nhân rộng nhiều mô hình, cách làm hay trong việc thu gom rác thải ở khu vực nông thôn, góp phần cải thiện đáng kể diện mạo nông thôn tại các địa phương.
Xã Khánh Thiện, huyện Yên Khánh (Ninh Bình) là một trong những xã có dân cư đông với khoảng 6 nghìn dân. Với hoạt động thương mại, dịch vụ phát triển mạnh, do vậy lượng rác thải sinh hoạt trên địa bàn rất lớn.
Từ nhiều năm nay, xã đã thành lập tổ thu gom rác thải sinh hoạt, mỗi tháng thu được khoảng 50 tấn rác thải các loại. Tuy đã có khu tập kết rác với diện tích 7.400 m2, song chưa đầy 4 năm, bãi rác gần như đã quá sức chứa, mùa mưa bão nước ngập, rác thải, nước thải tràn ra các cánh đồng gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Từ khi xã Khánh Thiện xây dựng lò đốt Losiho, những bức xúc về vấn đề xử lý rác sau thu gom đã được giải quyết triệt để. Do việc đốt rác thực hiện liên tục nên rác không bị ứ đọng, hầu như không phát sinh nước rỉ rác; tro xỉ không có mùi khi chôn lấp, không ảnh hưởng đến môi trường.
Đối với khí thải, theo kết quả lấy mẫu phân tích của Trung tâm Quan trắc và Phân tích môi trường (Tổng cục Môi trường), khí phát thải từ lò đốt Losihoít độc hại do lò không sử dụng nhiên liệu đốt và được xử lý an toàn trước khi thải ra môi trường.
Do đó, huyện Yên Khánh đưa ra mục tiêu trong những năm tới đầu tư xây dựng từ 2 - 3 lò đốt rác thải Losiho 500 ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến theo cụm xã để giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Dự kiến thời gian gần nhất có 2 cụm sẽ triển khai là cụm xã Khánh Nhạc - Khánh Hồng và Khánh Hải - Khánh Lợi.
Thời gian qua, huyện Hoa Lư (Ninh Bình) đã cung cấp cho các xã gần 200 xe thu gom rác và 120 thùng rác tại các nơi công cộng. Huyện triển khai phân loại rác thí điểm tại 200 hộ dân và hỗ trợ 180 thùng để người dân ủ phân hữu cơ tại hộ gia đình.
Đến nay, huyện Hoa Lư đã có 11/11 xã có tổ thu gom rác thải hợp đồng với Trung tâm vệ sinh môi trường huyện vận chuyển vào bãi rác tập trung tại thành phố Tam Điệp để xử lý.
Các xã đều có bãi chứa rác. Nhờ việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về công tác bảo vệ môi trường và thực hiện tích cực biện pháp thu gom, xử lý rác thải nên đến nay, huyện Hoa Lư đã đạt tiêu chí 17 về môi trường và là huyện đầu tiên cán đích nông thôn mới trên cả nước.
Để giải quyết bất cập trong việc xử lý rác thải thải sinh hoạt, xã Phục Lễ, huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) đã triển khai mô hình thu gom, xử lý rác với sự tham gia của cộng đồng.
Nếu như cách đây hơn 2 năm, tại Thôn Sỏ, xã Phục Lễ, rác thải được vứt tràn lan, thì nay tình trạng này đã hầu như không còn. Mặc dù chưa được phân loại triệt để tại các hộ gia đình, nhưng hầu hết rác thải được tập kết tại nơi quy định. Tổ thu gom mang đi xử lý tại khu xử lý rác thải tập trung của xã.
Môi trường được đảm bảo và người dân đã dần thay đổi thói quen không vứt rác bừa bãi. Mỗi khẩu đóng góp 5.000 đồng phí vệ sinh môi trường một tháng. Khu tập kết, xử lý rác thải sinh hoạt tại xã Phục Lễ được đưa vào vận hành cách đây gần 2 năm từ nguồn vốn xã hội hóa do chính quyền địa phương huy động.
Khu xử lý này hoàn toàn khép kín, từ phân loại, đốt rác tách nhiệt, các loại rác hữu cơ được ủ thành phân vi sinh. Rác thải được tận dụng một cách tối đa để xử lý thành nguyên liệu có ích.Hiện nay, địa phương đang tiếp tục tăng cường tuyên truyền để người dân tích cực thực hiện phân loại rác ngay tại gia đình.
Từ những hiệu quả của mô hình thu gom, xử lý rác thải tại xã Phục Lễ, huyện Thủy Nguyên, (Hải Phòng), các bộ, ngành liên quan đang nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách, đồng thời huy động nguồn lực về tài chính và kỹ thuật cho xử lý, tái chế rác thải sinh hoạt ở nông thôn.
Bởi thực tế hiện nay cho thấy, nếu không có giải pháp đồng bộ thì việc thực hiện tiêu chí thứ 17 về môi trường trong xây dựng nông thôn mới, phần lớn các xã đều khó đạt do khâu xử lý rác.
Đến nay, tỉnh Hưng Yên có 815 thôn, khu phố thành lập tổ, đội vệ sinh môi trường tự quản, đạt gần 100% số thôn, khu phố của tỉnh. Trên 50% số thôn đã có điểm tập kết, bãi chôn lấp rác thải hợp vệ sinh, 58% lượng rác thải sinh hoạt ở nông thôn được thu gom, xử lý; hơn 21 nghìn hộ thực hiện mô hình phân loại và xử lý rác sinh hoạt tại gia đình, với phương thức xây thùng ngầm dưới đất, hoặc sử dụng thùng nhựa chuyên dụng.
Tỉnh ddaay, việc triển khai các mô hình phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt tại gia đình đang được triển khai rộng rãi. Điển hình như xã Nhân Hòa, huyện Mỹ Hào, có gần 200 gia đình tham gia. Các gia đình được hỗ trợ nắp đậy hố rác và chế phẩm vi sinh. Đến nay, việc phân loại và xử lý rác thải tại gia đình đã mang lại hiệu quả thiết thực.
Người dân ở các khu dân cư đã có ý thức tốt hơn trong việc tham gia bảo vệ môi trường, tích cực làm vệ sinh nơi công cộng, xây dựng cải tạo hệ thống cấp thoát nước, cải tạo các ao, hồ, trồng cây xanh; chính quyền địa phương hỗ trợ kinh phí để nhân rộng mô hình trên ra toàn xã.
Ông Nguyễn Hữu Hưng, thôn An Tháp, xã Nhân Hòa, huyện Mỹ Hào (Hưng Yên) cho biết: Sau khi tham gia mô hình xử lý rác thải sinh hoạt tại gia đình, tôi thấy mô hình này đem lại hiệu quả “kép”; ngoài việc giảm lượng rác thải sinh hoạt ra môi trường, rác thải qua xử lý là nguồn phân bón sạch cho cây trồng.
Xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu (Hưng Yên) với đặc điểm là địa phương có nghề chăn nuôi phát triển mạnh, lượng rác thải của hộ gia đình rất lớn, nên vấn đề ô nhiễm môi trường đang là nỗi lo của nhân dân.
Khi dự án phân loại và xử lý rác thải tại gia đình được triển khai về xã, nhân dân rất phấn khởi đón nhận. Việc xử lý rác thải tại gia đình đã giúp mỗi hộ giảm khoảng 70% lượng rác xả ra môi trường, vấn đề vệ sinh môi trường từ nhà ra ngõ đã cơ bản được cải thiện.
Mô hình phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt đã mang lại hiệu quả rõ nét, thu hút sự tham gia của các cấp, ngành, đoàn thể chính trị, xã hội. Việc phát động phong trào phân loại, xử lý rác thải tại nguồnđã tạo nên phong trào xây dựng “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường” phát triển sâu rộng ở nông thôn.
Chi cục Trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Hưng Yên Lê Đức Lành khẳng định: Thành công của mô hình phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt tại gia đình là nhận thức, ý thức trách nhiệm của nhân dân về bảo vệ môi trường được nâng cao; nhân dân đã xử lý rác tại nguồn, góp phần làm giảm việc vận chuyển và xử lý rác; đồng thời có nguồn phân hữu cơ tốt chăm bón cho cây trồng, rất phù hợp ở khu vực nông thôn.
Duy Nhất là xã thuộc huyện Vũ Thư (Thái Bình) có địa bàn rộng, dân số đông với trên 10.000 nhân khẩu và gần 3.000 hộ, phân bố ở 10 thôn. Những năm trước đây, khi xã chưa phát động người dân xử lý rác thải tại gia đình, bà con thường xả rác ra các khu công cộng hay bỏ rác vào bao và vứt lén ra vệ đường, mương máng hoặc sông Hồng.
Vì thế, rác thải xuất hiện ở nhiều nơi, từ ngõ xóm đến đường làng, thậm chí có nơi còn hình thành các bãi rác tự phát gây ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan làng xã. Sau khi tham khảo và nghiên cứu kỹ nhiều phương án, xã Duy Nhất quyết định triển khai mô hình xử lý rác thải sinh hoạt tại gia đình bởi quy trình thực hiện đơn giản, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
Trên cơ sở đó, Đảng ủy xã ban hành nghị quyết chuyên đề về công tác bảo vệ môi trường, trong đó quyết định triển khai mô hình xử lý rác thải sinh hoạt tại gia đình; tổ chức phát động và yêu cầu 100% gia đình cán bộ, đảng viên tiên phong thực hiện và vận động nhân dân cùng thực hiện.
Hội ND xã tập trung lồng ghép trong các buổi sinh hoạt để tuyên truyền, đôn đốc hội viên, tích cực tham gia mô hình. Xã phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Vũ Thư hướng dẫn, tập huấn quy trình xử lý rác thải sinh hoạt tại gia đình; phát động mỗi hộ dân đào hố khoảng 1 - 1,5m3 tại vườn để tập kết, thu gom rác thải sinh hoạt. Đối với rác thải hữu cơ như rau xanh, củ quả hỏng, hướng dẫn bà con ủ tại hố để chúng tự phân hủy.
Các rác thải khác như túi nilon, hộp nhựa, bà con thu gom, mỗi tuần đốt 1 lần. Toàn bộ chất thải hữu cơ sau xử lý dùng làm phân bón ruộng, vườn. Hiện hầu hết các gia đình ở Duy Nhất đều có diện tích đất vườn khá rộng, việc đào hố xử lý rác thải thể tích từ 1 - 2m
3 khá thuận lợi.
Đối với các hộ không có diện tích đất để đào hố, xã hướng dẫn bà con chủ động phân loại rác thải của gia đình, rác hữu cơ thì dễ dàng hoai mục, rác vô cơ thì thu gom vào bao, hàng tuần gia đình xử lý phơi khô để đốt.
Cùng với phát động bà con xử lý rác tại gia đình, xã phát động nhân dân các thôn tiến hành tổng vệ sinh đường làng ngõ xóm vào ngày 24 hàng tháng và nhân các dịp lễ, tết, thu hút đông đảo bà con tham gia. Xã huy động máy móc, nhân lực tiến hành giải tỏa sớm các bãi rác, điểm xả rác tự phát.
Hướng dẫn 26 trang trại, gia trại cùng hàng trăm hộ chăn nuôi xây dựng hầm biogas xử lý chất thải chăn nuôi; thường xuyên tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức của người dân đối với công tác bảo vệ môi trường.
Bà Lưu Thị Thu Hát ở xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư (Thái Bình) chia sẻ: Khi mới phát động mô hình xử lý rác thải tại gia đình, chúng tôi gặp không ít khó khăn bởi bà con còn băn khoăn về hiệu quả của mô hình, thói quen xả rác tùy tiện của nhiều người dân khó thay đổi.
Nhưng sau một thời gian kiên trì tuyên truyền, vận động, cùng với hiệu quả thiết thực trong xử lý rác thải tại gia đình nên số hộ dân tham gia ngày càng mở rộng. Ý thức của người dân trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường nơi công cộng cũng tăng lên.
Nhờ kết hợp mô hình xử lý rác thải tại gia đình và nơi công cộng, tuy địa bàn rộng, dân số đông, không có đội tự quản thu gom, bãi chôn lấp xử lý rác thải nhưng đến nay môi trường ở xã Duy Nhất luôn được bảo đảm, đường làng ngõ xóm khang trang, sạch đẹp. Hoạt động này không chỉ đảm bảo cho các tổ chức, cá nhân làm công tác vệ sinh môi trường được duy trì lâu dài mà còn mang lại những lợi ích thiết thực cho cộng đồng.
Nhiều cách làm hay và mô hình điểm về xử lý môi trường đã được các địa phương áp dụng hiệu quả; đồng thời nhân rộng góp phần bảo vệ môi trường sinh thái ở khu vực nông thôn, giúp người dân nâng cao chất lượng cuộc sống.